Xem K-Pop, ngẫm về giá trị Việt
Dự án Yet to Come in Busan của nhóm nhạc Hàn Quốc BTS vừa kết thúc đợt ra rạp tại Việt Nam. Đây là một dự án đặc biệt, mang cả concert BTS: Yet to Come in Busan đến với Army (tên fandom - cộng đồng người hâm mộ của ban nhạc này - PV) toàn cầu. Khoan bàn đến giá trị kinh tế mà dự án này cùng hàng loạt dự án đã ra rạp trước đó của nhóm nhạc BTS, chỉ tính đến độ lan tỏa, thì quả là bất ngờ.
Tôi là khán giả có mặt ở rạp vào một suất chiếu đông không tưởng. Ở tuổi ngoài 40, tôi như lọt thỏm trong cộng đồng người hâm mộ tuổi tầm 15-20, nhún nhảy từ bãi giữ xe cho tới tận phòng chiếu. Khi đèn tắt, âm nhạc bắt đầu vang lên, hình ảnh các ca sĩ xuất hiện trên màn hình với một bài hip-hop bắt tai, ánh sáng chớp tắt, gần 3/4 rạp chiếu đứng bật dậy hú hét, các cô gái trẻ, tay cầm lipstick (thiết bị phát sáng, dùng để cổ vũ cho idol) lắc điên cuồng. Những tiếng đọc Fanchants (từ, cụm từ được người hâm mộ hô vang cổ vũ thần tượng) vang lên đều đặn, nhịp nhàng khắp cả rạp.
Tôi như lọt vào một sân vận động thu nhỏ, tiếng hát theo từng bài hát rất bài bản, dù tôi biết chắc, nhiều bạn trẻ chẳng hiểu hết lời tiếng Hàn. Cô bé ngồi bên cạnh, tầm 16 tuổi, đi một mình và… bài nào cũng thuộc lời, cũng gào rú, hú hét lạc cả giọng, nhảy tưng bừng tại chỗ. Vài chục người một lúc, ai cũng sung, cũng hát, cũng nhảy… Tôi không giải mã về hiện tượng BTS, hay làn sóng K-Pop vốn đi quá sâu vào đời sống của người trẻ Việt. Bởi thực tế, nếu xét hai mặt của một vấn đề, điều đó chưa hẳn là xấu, hay không nên. Tôi chỉ trăn trở, đến bao giờ chúng ta mới có những hiện tượng như vậy?
“Tiếp biến văn hóa” là cụm từ mà chúng ta đã nghe nói đến nhiều thời gian gần đây. Nói một cách dễ hiểu nhất, đó là kết quả mang tính tất yếu khi tham gia vào quá trình giao lưu, hội nhập của các quốc gia. Dĩ nhiên, bên cạnh mặt tích cực, sẽ có mặt chưa tích cực, mặt trái… Nhiều chuyên gia cũng nhận định, bàn sâu, bàn nhiều về những nguy cơ của “tiếp biến văn hóa” đối với đất nước, nhưng với những sản phẩm văn hóa đang có, làm cách nào để hút người nghe, đặc biệt là các bạn trẻ, lại chưa được bàn thảo một cách căn cơ.
Chúng ta có gì mang tính thời đại để hút khán giả trẻ? Gần đây, có See tình với trào lưu trên mạng xã hội một số quốc gia. Nhưng đó là trào lưu, sớm nở - tối tàn, “sóng sau xô sóng trước”. Chúng ta không thể chỉ tạo ra các trào lưu mạng xã hội mà phải tạo ra những giá trị vững bền mà văn hóa và sản phẩm văn hóa đem lại, từ kinh tế, đến du lịch và hơn thế nữa. Chúng ta manh mún, lạc lõng giữa những sản phẩm “thừa này thiếu nọ” nhan nhản trên thị trường.
Nói đến giá trị, cũng phải xem đến, chúng ta đang tạo ra giá trị cho ai thưởng thức, khi chính bản thân người làm sáng tạo chưa định hình được đối tượng chủ thể mà mình hướng tới. Với bạn trẻ mê K-Pop mà tôi từng gặp ngoài rạp, “giá trị” đó thực đơn giản, nhưng để giải mã, lại không dễ.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xem-k-pop-ngam-ve-gia-tri-viet-post679042.html