Xem lễ hội bơi chải truyền thống đầu xuân
Sáng mùng 3 tết, trong cái rét đầu xuân hàng ngàn người đã đổ về lạch Sung mang theo trống, cờ đỏ, thậm chí cả can nhựa... để cổ vũ cho Lễ hội bơi chải (đua thuyền) truyền thống của xã Nga Bạch (Nga Sơn).
Đây là năm thứ 2, anh Hoàng Văn Tuấn ở thôn Bạch Thắng, xã Nga Bạch tham gia Lễ hội bơi chải. 7 đội đua của 7 thôn, mỗi đội có 20 người gồm 16 người cầm dầm bơi (mỗi mạn có 8 người); 1 người chèo chính; 1 người phách mũi phía trước, trợ giúp chèo chính khi thuyền luồn thẻ; 1 người gõ mõ bắt nhịp đứng ở giữa thuyền, 1 người tát nước. Giữ vai trò chèo lái của đội thuyền thôn Bạch Thắng, anh Tuấn cho biết: "Dù rất bận nhưng từ trước Tết Nguyên đán tôi và các thành viên đã phải luyện tập hơn nửa tháng để “hòa nhịp” và quyết tâm đua hết sức, vui hết mình”.
Lễ hội bơi chải truyền thống ở xã Nga Bạch, trước đây là làng Bạch Câu, ra đời sau chiến thắng của Ngô Quyền trước quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938), nhằm vận động con cháu ra tòng quân cứu nước. Ý nghĩa ban đầu của lễ hội nhằm tuyển quân, sau này là cầu ngư với hy vọng một năm mưa thuận gió hòa, ngư dân ra khơi cá tôm đầy ghe. Đến với lễ hội, ngoài việc tham gia, cổ vũ các đội bơi chải, người dân còn được xem tổ chức đánh cờ người, bài điếm...; những năm hạn hán, mất mùa, Nhân dân trong làng còn tổ chức lễ rước thần “đảo vũ” (cầu mưa).
Trước năm 1975, lễ hội bơi chải được tổ chức đều đặn nhưng sau khi đất nước giải phóng, vì nhiều lý do khác nhau đã bị gián đoạn hơn 35 năm. Sau năm 2010 thảng mới tổ chức. Hội bơi chải chính thức được khôi phục lại từ năm 2023 là niềm vui chung của cả xã, người dân trong cả 7 thôn hăng hái luyện tập, chuẩn bị tinh thần cổ vũ.
“Ấy thế mà để lập được đội bơi cũng không dễ đâu. Đội bơi của thôn Bạch Hùng chúng tôi đến ngày 25 tháng Chạp mới có đủ thành viên. Hầu hết thành viên là lực lượng lao động chính của gia đình, họ đi làm ăn xa chưa được nghỉ”, ông Vũ Đăng Khoa, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn Bạch Hùng nói.
Sau khi dâng hương tại di tích nghè Hậu, các đội bơi đến địa điểm xuất phát bắt đầu từ bờ sông Sung đoạn qua thôn Bạch Hải, rồi qua các thôn Bạch Đằng, Bạch Thắng và điểm kết thúc là ở Bạch Hùng. 7 đội tham gia, mỗi đội mặc quần áo một màu khác nhau, đầu chít khăn chờ hồi trống nổi lên, người chỉ huy phát cờ lệnh, chiêng trống náo động, tất cả các quân bơi đều nhảy xuống thuyền của thôn mình. Khi người cầm lái hướng mũi thuyền vào cuộc, theo hiệu gõ tất cả các tay chèo căng mình, ra sức khua nước, sử dụng kỹ thuật và sức mạnh tập thể để thuyền đi nhanh hơn. Trong lúc đó, phía trên bờ sông hàng ngàn người tay giơ cao, miệng reo hò, chai nhựa đập vang cổ vũ... huyên náo cả một vùng sông nước. Các thuyền đi hết “bốn khoanh tám lượt" vòng qua hai cột tiêu, dù thắng hay thua quân bơi của cả 7 thuyền đều được Nhân dân chúc mừng.
Giữ vị trí phách mũi, anh Đặng Văn Thủy ở thôn Bạch Thắng chia sẻ: “Bơi chải truyền thống gay cấn nhất là khi luồn thẻ (quay đầu). Ban tổ chức chỉ cắm một thẻ (một cửa luồn), vì vậy các đội đua phải bám sát và tranh nhau để luồn trước, luồn nhanh. Điều này tạo nên sự cạnh tranh cao, tuy nhiên lại khiến các thuyền đua dễ va chạm. Để đảm bảo an toàn, hai năm nay ban tổ chức đã cắm 4 thẻ, ghe nào bắt thăm vào cửa nào thì luồn vào cửa đó để tránh sự va chạm. Sự thay đổi này tạo điều kiện cho người giữ phách như tôi được thoải mái và an toàn hơn”.
Anh Hoàng Văn Tuấn ở vị trí chèo lái thì cho rằng: Người chèo phải nắm rõ dòng nước chảy và cách bơi, vì cách chèo nước ngược và nước xuôi là hoàn toàn khác nhau...
“Trong một đội bơi chải, vị trí nào cũng rất quan trọng. Đây là môn thể thao đồng đội, ngoài sức khỏe, mọi người phải đều tay chèo. Mà để đều thì phải luyện tập, phải đoàn kết, phải hiểu ý nhau. Điều quan trọng mà ai cũng thấy rõ là khi có hội bơi chải, cả thôn, cả xã đều phải dành nhiều thời gian công sức để tham gia. Vì thế, không chỉ là thêm sự gắn kết giữa các thành viên trong thôn, các thôn có sự kết nối, liên lạc... mà còn hạn chế được nhiều tệ nạn rượu chè, cờ bạc trước và trong tết”, ông Bùi Văn Hùng, Bí thư Chi bộ thôn Bạch Thắng khẳng định.
Còn với ông Khoa, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn Bạch Hùng thì cho rằng: Nhờ những hoạt động sôi nổi gắn kết như lễ hội bơi chải truyền thống này mà riêng thôn Bạch Hùng, nơi có Nhà thờ xứ Bạch Câu, bà con Nhân dân lương - giáo luôn hòa thuận, vui vẻ, cùng nhau giữ gìn nét đẹp văn hóa của cha ông từ ngàn xưa để lại, để từ đó thêm quyết tâm XDNTM kiểu mẫu.
“Lễ hội bơi chải truyền thống được tổ chức là niềm vui chung của xã, là sự trông ngóng của bà con xa quê, sự nô nức luyện tập của mỗi một người dân đang sinh sống ở trên địa bàn. Bơi chải được tổ chức vào những ngày đầu xuân giúp gắn kết cộng đồng, tạo không khí vui tươi để xua đi những mệt nhọc của một năm làm việc vất vả; đồng thời, sẵn sàng cho năm mới với những ước vọng tốt đẹp. Ngoài ý nghĩa truyền thống, nét đẹp văn hóa, thì đây còn là dịp để bà con ngư dân tập luyện, thử thách sự dẻo dai, rèn luyện ý chí, cổ vũ con người phấn đấu vươn lên làm ăn, xây dựng quê hương”, Chủ tịch UBND xã Nga Bạch Mai Văn Sâm khẳng định.
Trên các dòng sông Yên ở xã Quảng Nham (Quảng Xương), dòng Lãng giang ở Trung Chính (Nông Cống), sông Hói Đào ở Nga Liên (Nga Sơn)..., tết đến, xuân về mọi người lại nô nức với các lễ hội đua thuyền. Dành một ngày để hết mình cổ vũ, hò reo cùng với bà con Nga Bạch (Nga Sơn), chúng tôi thêm những cảm nhận đẹp về không khí ngày xuân rộn ràng ở các vùng quê, thêm trân quý những hoạt động văn hóa truyền thống.