Xem quân đội Mỹ bắn rơi khinh khí cầu Trung Quốc trên biển
Quân đội Mỹ đã bắn rơi cái mà họ gọi là 'khinh khí cầu do thám của Trung Quốc' ở ngoài khơi bờ biển Nam Carolina.
Đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy các máy bay chiến đấu lượn quanh khinh khí cầu trên bãi biển Myrtle ở Nam Carolina. Khi tiến vào Đại Tây Dương, khinh khí cầu bị trúng tên lửa rồi lao thẳng xuống nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin xác nhận việc bắn hạ khí cầu ngay sau đó, nói rằng quân đội đã đợi cho đến khi vật thể này tiến xa ra biển để giảm thiểu mối đe dọa đối với dân thường trên mặt đất.
Trước khi khí cầu bị bắn hạ, Cục Hàng không Liên bang đã đóng cửa không phận trên các vùng Bắc và Nam Carolina.
Khinh khí cầu được phát hiện lần đầu tiên ở bang Montana (phía Tây nước Mỹ) vào ngày 1/2. Sau đó, vật thể này đi qua vùng Trung Tây để tiến ra Đại Tây Dương. Các quan chức Lầu Năm Góc được cho là đã khuyên Tổng thống Joe Biden không nên ra quyết định bắn hạ khinh khí cầu, khiến nó tự do di chuyển suốt gần ba ngày.
Trong bối cảnh giới truyền thông ngày càng quan tâm vụ việc, Tổng thống Biden nói với các phóng viên vào sáng thứ Bảy (4/2) rằng “chúng tôi sẽ xử lý nó”. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông ủng hộ việc bắn hạ khí cầu từ thứ Tư, nhưng đã được Lầu Năm Góc khuyến cáo không nên làm như vậy để đảm bảo an toàn cho dân thường.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng Tổng thống Biden lần đầu tiên được thông báo về khinh khí cầu vào thứ Ba (31/1). Tuy nhiên, bà không giải thích lý do vì sao tổng thống lại đợi đến khi khinh khí cầu được người dân phát hiện một ngày sau đó mới thừa nhận sự hiện diện của nó.
Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc về hoạt động gián điệp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả đây là “khí cầu dân sự được sử dụng cho mục đích nghiên cứu, chủ yếu là khí tượng học” và “đã đi chệch khỏi lộ trình dự kiến”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cáo buộc thiết bị này đang được sử dụng để giám sát “các địa điểm chiến lược ở lục địa Mỹ”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoãn chuyến đi dự kiến tới Bắc Kinh để đáp trả vụ việc. Bộ Ngoại giao Mỹ gọi đây là sự vi phạm rõ ràng chủ quyền nước này.