'Xem Tây Du Ký 20 năm rồi, xem thêm 20 năm nữa cũng được'
Dù quan điểm, lối sống của thế hệ 10X và 'hội bô lão' 8X, 9X đời đầu có khác nhau tới đâu, có lẽ Tây Du Ký sẽ là điểm chung hiếm hoi khi nhắc về tuổi thơ mà chẳng cần tranh cãi.
Mỗi lần nhìn thấy vết sẹo trên lông mày cậu em trai, Nguyễn Hoàng Đô (sinh năm 1989, Bạc Liêu) lại bùi ngùi nhớ về thời tuổi thơ “dữ dội”, cùng các em thay nhau đóng giả Tôn Ngộ Không để “diệt trừ yêu quái”.
Đô còn nhớ lần đầu Tây Du Ký chiếu trên tivi là năm anh 8 tuổi. Hồi đó, cứ tầm chiều tối, khắp xóm nhỏ vùng sông nước miền Tây lại vang vọng tiếng trẻ con hò nhau “rã đám”, về nhà cho kịp giờ phim.
Nhà không có tivi, cậu nhóc 8X vội vàng chèo chiếc ghe nhỏ sang bên kia con kênh để xem với ông bà ngoại. Hết phim trời đã tối om, anh ngủ lại nhà cùng cậu út.
“Bộ phim trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho những trò con trẻ thời ấy, có ai mà không mê. Từ chơi đồ hàng đến đánh trận giả. Rồi đứa nào cũng tranh làm Tề Thiên Đại Thánh, mà mình là anh lớn nên toàn nhường các em vai đó, mình chịu đóng sư phụ thôi”, Nguyễn Hoàng Đô kể với Zing.vn.
Có lần, đến lượt em gái út của anh làm Tôn Hành Giả, cô bé hào hứng cầm cành cây vung loạn xạ, lỡ tay quất trúng gần mắt ông anh trai đóng vai “yêu quái”, làm máu chảy đầm đìa.
Nhưng thời đó vùng quê Đô chưa có trạm xá, trong nhà cũng không có đồ gì băng bó, cha anh đành lấy lá thuốc đắp tạm lên cầm máu cho con trai. Đến giờ, chiếc sẹo trên chân mày em trai Đô vẫn được xem là “chứng nhân” cho những ngày hồn nhiên, nghịch ngợm.
"Mình xem Tây Du Ký 20 năm rồi, xem thêm 20 năm nữa cũng được, vẫn thấy hay", Đô nói.
Không chỉ Hoàng Đô, nhiều người trẻ thế hệ 8X, 9X đời đầu cũng có tuổi thơ gắn liền với bộ phim kinh điển.
Đó là mỗi khi nhạc hiệu vang lên lại gợi nhớ lần còn được ngồi bên ông bà xem phim, là những cảnh quay đã thuộc làu diễn biến nhưng mãi khi lớn lên mới hiểu được ý nghĩa sâu xa ẩn sau hay lần bị “tét mông” vì mải theo dõi hành trình của 4 thầy trò nhà Đường mà làm cháy nồi cơm trông giúp mẹ.
33 năm ra đời, 33 năm hành trình thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng trở nên quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ, trong đó có nhiều thế hệ người Việt.
Nhớ lại một phần tuổi thơ gắn liền với Tây Du Ký, nhiều bạn trẻ không khỏi bồi hồi. Với họ, có nhiều lý do để Tây Du Ký bản 1986 là bộ phim “bom tấn” của mọi thế hệ, là “dấu hiệu báo mùa hè về”.
Tiếng nhạc phim vẫn cất lên, nhưng bà ngoại đã không còn
Yêu thích câu chuyện về thầy trò Đường Tăng, Nguyễn Hoàng Đô đã miệt mài “cày” hết các phiên bản khác nhau của Tây Du Ký.
Xem không sót bộ phim cải biên nào nhưng với Đô, bản Tây Du Ký 1986 vẫn nhiều ấn tượng nhất. Sau này biết được kinh phí, công sức mà đoàn làm phim bỏ ra, anh càng khâm phục. Với anh, cái họ làm được tuyệt nhất không chỉ là kỹ xảo hay sự hoành tráng mà còn là cảm xúc đọng lại về sau.
Đô nhớ khi xem cảnh Tôn Ngộ Không bị sư phụ đuổi đi, anh chàng 8X đã khóc tu tu dù khi đó nhỏ quá chẳng biết vì sao mà khóc.
“Ông bà ngoại mình rất thích xem, cứ hè là ngoại xem đi xem lại. Biết bao nhiêu năm như vậy. Giờ cậu út mất, bà ngoại cũng không còn, ông ngoại thì yếu lắm. Mỗi khi tiếng nhạc Tây Du Ký cất lên, mình lại thấy cay cay nơi sống mũi”, Hoàng Đô tâm sự.
Hoàng Thoa (27 tuổi) vẫn còn nhớ rõ, khoảnh khắc Đại Thánh thật được trả lại sự trong sạch cũng là lúc cô bị một trận “tét mông” vì tội làm cháy nồi cơm.
Thoa kể: “Hồi mình còn nhỏ, Tây Du Ký hay chiếu vào khung giờ 17h-18h, cũng đúng vào thời điểm nấu cơm tối. Khi đó nhà chưa có bếp gas hay nồi cơm điện, vẫn phải nấu bằng bếp củi nên phải canh lửa liên tục để không bị tắt bếp. Có lần, vì mải chạy ra phòng khách ‘hóng’ phân cảnh 2 Tôn Ngộ Không phân tranh thật giả, phải lên nhờ Phật Tổ Như Lai phân biệt, mình đã làm cháy cả nồi cơm trên bếp”.
Đối với một 9X đời đầu như Thoa, Tây Du Ký không chỉ là kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ mà còn gắn với quãng thời gian khó khăn của gia đình.
Đó là năm cha cô làm ăn thua lỗ, phải bán cả chiếc tivi trong nhà đi để trả nợ, cô khi ấy chưa hiểu chuyện, chỉ biết giận dỗi rằng không còn được xem phim vào mỗi tối. Đó là những ngày tháng 6 cả nhà rủ nhau tắm rửa, nghỉ ngơi sớm để không làm phiền chị gái ôn thi đại học.
Dù sau đó, gia đình cô ổn định hơn, mua được chiếc tivi lớn hơn, Tây Du Ký cũng chiếu lại song những ký ức gắn với mùa chiếu phim năm ấy vẫn đáng nhớ nhất trong tâm trí Thoa.
Tây Du Ký là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Trung Quốc, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả Ngô Thừa Ân.
Bộ phim gồm 2 phần với 41 tập phim, kể về chuyến hành trình gian nan, vượt qua hàng chục kiếp nạn của bốn thầy trò Đường Tăng. Tại đó, mỗi vùng đất, mỗi loài yêu quái lại mang những câu chuyện riêng.
Được quay từ năm 1982, đến năm 1988 bộ phim mới hoàn thành. Năm 1986, Đài truyền hình Trung Quốc CCTV bắt đầu chiếu phim vì thế phiên bản này thường lấy tên là Tây Du Ký 1986.
Ở Trung Quốc, Tây Du Ký 1986 đã được chiếu hơn 3.000 lần. Tại Việt Nam, bộ phim cũng được trình chiếu liên tục trong hơn 20 năm trên nhiều đài lớn nhỏ, trở thành món ăn tinh thần quen thuộc với khán giả nhiều lứa tuổi.
Sau bản 1986, nhờ độ nổi tiếng và phủ sóng mà bộ phim đem lại, nhiều nhà sản xuất phim làm lại tác phẩm này với góc khai thác đa dạng. Bên cạnh đó, điện ảnh Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc cũng thực hiện lại bộ phim này song gây khá nhiều tranh cãi như để nhân vật Đường Tăng là nữ hay xuất hiện nụ hôn giữa Đường Tăng và Bồ Tát.
Điểm chung duy nhất khi nhắc về tuổi thơ
“Ơ năm nay chiếu lại Tây Du Ký này con”.
“Trời, năm nào cũng phát. Con xem đến thuộc từng câu thoại rồi”.
Đó là đoạn hội thoại quen thuộc của Phúc Xuyên (18 tuổi) và mẹ mỗi khi hành trình lấy kinh của 4 thầy trò được bắt đầu vào mỗi dịp hè. Cằn nhằn là vậy, thế nhưng mỗi lần chiếu lại, Phúc Xuyên đều cùng cả nhà chăm chú xem đầy thích thú.
“Cứ đến mỗi đoạn có yêu quái, dù biết chắc lúc đó sẽ có chi tiết này diễn ra nhưng lần nào xem đối với mình cũng đem lại cảm giác thật mới mẻ”, Xuyên nói.
Theo 10X, dù quan điểm, lối sống của những người trẻ như cậu và “hội bô lão” 8X, 9X đời đầu có khác nhau tới đâu thì có lẽ Tây Du Ký sẽ là điểm chung hiếm hoi khi nhắc về tuổi thơ mà chẳng cần tranh cãi.
“Ngày trước, khi cùng xem phim với ông anh sinh năm 92 cùng xóm, anh ấy nói bộ phim này không chỉ đơn thuần để giải trí mà còn ẩn chứa nhiều thông điệp cuộc sống. Lúc đó cứ nghĩ mấy tên yêu quái với Lão Trư thì có gì mà bài học cuộc sống, giờ nghĩ lại mới hiểu hết được lời anh ấy nói. Với mình, đó là sự đoàn kết của 4 thầy trò, là sự tôn sư trọng đạo, là giữ lời hứa”, 10X nói.
Với Hoàng Chung (23 tuổi), “hành trình” xem Tây Du Ký cũng gian nan không kém gì chuyến thỉnh kinh của những nhân vật trong phim. Không phải đối mặt với yêu quái, “cửa ải” khó khăn cậu nhóc ngày đó phải vượt qua là mẹ.
“Lần đầu mình theo dõi phim về thầy trò Đường Tăng là năm đầu cấp một. Khi ấy bọn nhỏ trong xóm đứa nào cũng mê tít. Mình nhớ như in những ngày đó, cứ gần 18h thì dù có bận đi chơi ở đâu cũng chạy bắn về để coi. Vì chẳng có Internet để xem phát lại nên hôm nào mất điện, bị lỡ một tập là buồn rười rượi”, Hoàng Chung kể.
Ban đầu, nhà chưa có tivi nên cậu phải đi “xem ké” nhà chú. Đến năm lớp 4, mẹ Chung sắm tivi thì đến năm lớp 6 là “cấm tiệt”, không cho con xem nữa.
“Khoảng thời gian đó mẹ toàn bắt mình ngồi trong phòng học, phim thì vẫn chiếu ngoài phòng khách. Cứ thấy mình ngó đầu ra hóng hớt là mẹ tắt luôn tivi. Nghĩ lại vẫn thấy buồn. Lên đến tận đại học mình mới xem một cách hoàn thiện nhất qua mạng được”, cậu nhớ lại.
Với Chung, Tây Du Ký là một phần tuổi thơ, ngồi kể cả ngày cũng không hết chuyện. Mỗi trò chơi, câu chuyện ngày đó ít nhiều đều gắn với những nhân vật.
Những lời thoại trong phim như: “Sư phụ, có yêu quái”, “Ngộ Không, cứu ta”... được đám trẻ con học thuộc rồi diễn trò lại với nhau. Cậu còn nhớ, hồi đó trong lớp có một bạn nữ chuyên diễn lại động tác múa may của Tề Thiên Đại Thánh giống đến nỗi bạn bè ai cũng “trầm trồ”.
Từng nhân vật được Chung “gắn mác” với một kiểu hình tượng, tính cách: Đường Tăng hiền lành, nhân ái; Tôn Ngộ Không nghĩa hiệp, tài ba; Trư Bát Giới lười nhác; Sa Tăng là đồ đệ chăm chỉ, chịu khó.
Lớn lên xem lại, Hoàng Chung càng thấy được thêm những tầng ý nghĩa ẩn sâu trong từng kiếp nạn. Cậu nhận ra, mỗi nhân vật đại diện cho tính cách, suy nghĩ của con người, đều có ích kỷ, tham lam, bồng bột, không ai là hoàn hảo.
Cũng mê Tây Du Ký từ nhỏ, Duy Huynh tâm đắc và dành nhiều công sức tìm hiểu những tầng ý nghĩa sâu xa ẩn sau từng chi tiết nhỏ.
Lần đầu xem đến cảnh thầy trò Đường Tăng phải đem chiếc bát vàng dùng để xin ăn đổi lấy chân kinh, cậu nhóc hồi đó bức xúc vì “ngỡ rằng đến Tây Thiên rồi mà còn hối lộ”.
“Sau này tìm đọc nhiều thư tịch, hỏi nhiều người thì mới rõ nhiều tầng ý nghĩa sâu xa của chi tiết ấy. Có người cho rằng đây là ‘pháp bất kinh truyền’ - tức thứ mà con người ta phải trả giá thì mới biết quý trọng, truyền nhẹ thì còn bị khinh, nên phải đổi lấy cái bát vàng. Có ý nói đó nghĩa là chữ ‘buông’ - là giáo lý cao thâm nhất của nhà Phật”, Duy Huynh chia sẻ.
Sau nhiều năm, sự trở lại của Tây Du Ký 1986 vẫn được công chúng hồ hởi quan tâm, đón chờ.
Ngày trước, mỗi lần phim chiếu là một lần Nam Phương (18 tuổi) đòi mẹ xem cho bằng được. Cảm giác bỏ lỡ một tập phim khi đó khiến cô luôn bứt rứt như thiếu một cái gì đó.
Bây giờ tiện hơn, muốn xem thì chỉ cần vào Internet, thuận tiện về mặt thời gian hơn nhưng lại làm mất đi cái hào hứng mỗi khi ngồi trước màn hình tivi đợi tập mới chiếu.
“Đúng là cái gì cũng có hai mặt. Nói thật là mình thích cái cảm giác chờ đợi kia hơn, của hiếm là của ngon mà”, 10X bày tỏ.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ca-mua-he-cua-8x-2k-tung-la-tay-du-ky-1986-post966396.html