Xem trực thăng Mi-171 'bay treo' với tình huống cứu phi công gặp nạn

Những ngày này tại sân bay Hòa Lạc (Hà Nội), các biên đội trực thăng thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đang tích cực luyện tập cho hội thao tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đường không năm 2024.

XEM VIDEO:

Những ngày giữa tháng 8, tại khu vực Sân bay Hòa Lạc (Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) liên tiếp mưa nắng đan xen nhưng cũng không làm giảm khí thế luyện tập của các tổ bay tham gia hội thao tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đường không năm 2024.

Trung tá Nguyễn Quang Trung - Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Không quân 916 thông tin, ngày 13/8, là ban bay đầu tiên khi các đội tuyển tập trung về Sân bay Hòa Lạc để huấn luyện cho hội thao sắp tới.

"Hội thao nhằm kiểm tra trình độ, năng lực của phi công, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đường không của các đơn vị không quân trực thăng trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ bay tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn đường không.

Đồng thời, đánh giá thực lực, trang bị, phương tiện, công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn đường không của các đơn vị trong Quân chủng khi có tình huống. Đây cũng là dịp để tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội nâng cao nhận thức về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tìm kiếm cứu nạn", Trung tá Nguyễn Quang Trung nêu rõ.

Hội thao bao gồm phần thi lý thuyết và thực hành cứu hộ, cứu nạn đường không. Trong đó phần thực hành, đòi hỏi các tổ bay và đội tìm kiếm cứu nạn đường không thực hành bay cẩu vớt người bị nạn. Mỗi tổ, đội thực hiện nội dung bay cẩu 300kg và cẩu 150kg trên máy bay Mi-171.

Hội thao có sự góp mặt tranh tài của các đội tuyển, gồm: Sư đoàn Không quân 370, 371, 372; Trường Sĩ quan Không quân và Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không.

Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chính ủy Trung đoàn Không quân 916 cho biết, một trong những nội dung quan trọng trong quá trình tìm kiếm cứu nạn là trực thăng phải tiếp cận được vị trí của người bị nạn và bay treo để lực lượng tìm kiếm cứu nạn tiếp cận, cẩu vớt nạn nhân.

"Đây là động tác bay rất khó, đòi hỏi phi công và tổ bay phải có sự rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, am hiểu về địa hình, thời tiết. Đặc biệt quan trọng là sự hiệp đồng của phi công, tổ bay và các lực lượng cứu hộ, cứu nạn", Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng nói.

Trung tá Nguyễn Hữu Phong, Trung đoàn Không quân 916 chia sẻ, với vai trò là cơ giới trên không, ngoài nhiệm vụ phụ trách đảm bảo kỹ thuật thì bản thân còn đảm nhiệm cẩu, vớt người bị nạn.

"Tùy vào yêu cầu của nhiệm vụ và tình hình thời tiết, chúng tôi luôn đảm bảo thời gian tiếp cận nạn nhân phải là ngắn nhất để đưa người bị nạn tới vị trí an toàn", Trung tá Nguyễn Hữu Phong chia sẻ.

Ngoài các nội dung thi, trong hội thao tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đường không còn có nội dung thao diễn chào mừng. Trong đó, cán bộ, chiến sĩ sẽ đóng vai phi công và mang mặc đầy đủ trang bị bay, trang bị cứu sinh... rồi nhảy dù từ máy bay, thoát hiểm tiếp nước. Sau đó, tổ bay và đội tìm kiếm cứu nạn sẽ thực hành bay cẩu vớt phi công bị nạn.

Để hoàn thành nhiệm vụ đăng cai và tham gia hội thao, thời gian qua, Trung đoàn Không quân 916 đã tích cực chuẩn bị trang thiết bị cơ sở vật chất, thao trường luyện tập.

Đình Hiếu

Kiều Oanh

Đinh Tuấn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xem-truc-thang-mi-171-bay-treo-voi-tinh-huong-cuu-phi-cong-gap-nan-2311344.html