Xem xét ban hành chính sách hỗ trợ giáo viên

Thời gian qua, tình trạng thiếu giáo viên các cấp trên địa bàn Đồng Nai vẫn diễn ra trong khi công tác tuyển dụng gặp nhiều khó khăn, nhất là ở một số bộ môn và ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, áp lực công việc cao, trong khi thu nhập chưa thỏa đáng… khiến nhiều giáo viên đã xin nghỉ việc.

Giáo viên Trường mầm non Hoa Sen (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) dạy học cho các em học sinh. Ảnh: T.LÂM

Giáo viên Trường mầm non Hoa Sen (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) dạy học cho các em học sinh. Ảnh: T.LÂM

Để chăm lo, hỗ trợ và giữ chân, thu hút đội ngũ giáo viên, UBND tỉnh đã đề xuất HĐND tỉnh xem xét ban hành chính sách hỗ trợ đối với một số giáo viên tại Kỳ họp thường lệ HĐND tỉnh giữa năm 2024 tới đây.

Giáo viên thiếu, tuyển dụng khó

Theo tờ trình của UBND tỉnh, đến năm học 2023-2024, số lượng giáo viên ở các cấp học, bậc học công lập trên địa bàn tỉnh gồm: mầm non 4.718 người; tiểu học 10.047 người; trung học cơ sở 7.937 người; trung học phổ thông 3.072 người. So với biên chế được giao, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập còn thiếu 1.773 giáo viên.

Trong đó có một số bộ môn đặc thù khó tuyển dụng như: nhạc, họa, tin học, thể dục đối với tiểu học; nhạc, họa, tin học đối với bậc trung học cơ sở và nhạc, họa, tin học, giáo dục quốc phòng đối với bậc trung học phổ thông.

Trong giai đoạn 2020-2023, tổng số giáo viên nghỉ việc ở các cấp học trên địa bàn tỉnh là 1.178 người, cao nhất là ở cấp mầm non với 494 người. Theo báo cáo của các đơn vị, một trong những nguyên nhân giáo viên nghỉ việc là do thu nhập, tiền lương chưa đảm bảo trang trải cho cuộc sống, nhất là đội ngũ giáo viên vừa được tuyển dụng mới.

Khi biết được tỉnh đang xem xét ban hành nghị quyết này, nhiều giáo viên thuộc đối tượng thụ hưởng theo dự thảo nghị quyết bày tỏ sự phấn khởi, bởi đây là động lực để họ an tâm gắn bó với nghề.

Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy đã tổ chức làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và cấp ủy các địa phương, từ đó đưa ra nhiều giải pháp, chỉ đạo về công tác đảm bảo đội ngũ giáo viên cho các cơ sở giáo dục. Trong đó, giao trách nhiệm cho Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đội ngũ giáo viên để thu hút mới và giữ chân đội ngũ giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục.

Theo Dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đối với giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập, giảng viên tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai và các trung tâm chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 đang được hoàn thiện, tỉnh sẽ thực hiện chính sách hỗ trợ hàng tháng (9 tháng/năm) cho một số giáo viên.

Cụ thể, giáo viên mầm non ở các cơ sở giáo dục công lập; giáo viên công tác tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng. Giáo viên phổ thông công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng, giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập tại các địa bàn khó tuyển dụng giáo viên được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/tháng. Giáo viên phổ thông công lập ở các bộ môn khó tuyển dụng và thuộc địa bàn khó tuyển dụng được hỗ trợ 2 triệu đồng/người/tháng. Giảng viên được tuyển dụng và giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm chính trị cấp huyện được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Tổng nhu cầu kinh phí giai đoạn 2024-2025 khoảng 254,1 tỷ đồng.

Cần thiết và cần sớm được ban hành

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị Phản biện xã hội dự thảo nghị quyết nói trên, các đại biểu cho rằng, việc xây dựng chính sách hỗ trợ đối với giáo viên theo dự thảo nghị quyết là cần thiết và cần sớm được ban hành.

Cô trò Trường mầm non Hoa Sen (thành phố Biên Hòa) cùng vui chơi trong một tiết học ngoài trời. Ảnh: Thảo Lâm

Cô trò Trường mầm non Hoa Sen (thành phố Biên Hòa) cùng vui chơi trong một tiết học ngoài trời. Ảnh: Thảo Lâm

Nhất trí cao với mức hỗ trợ đối với các đối tượng, các đại biểu lưu ý cơ quan soạn thảo cần phải rà soát, làm rõ hơn nữa căn cứ pháp lý, phạm vi điều chỉnh, đối tượng thụ hưởng sao cho đảm bảo chặt chẽ, phù hợp, công bằng; đồng thời, đề xuất bổ sung thêm một số đối tượng được thụ hưởng chính sách; đề xuất kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết…

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai Lê Thị Cát Hoa cho rằng, mức hỗ trợ nêu trong dự thảo là cơ bản giúp cho các đối tượng thụ hưởng có thêm điều kiện ổn định cuộc sống và khuyến khích, động viên giáo viên gắn bó với nghề. Song về thời gian áp dụng của nghị quyết chỉ kéo dài đến năm 2025 thì còn ngắn, nên chăng xem xét kéo dài hơn thời gian thực hiện nghị quyết, đồng thời sớm ban hành nghị quyết để giáo viên, giảng viên sớm được hưởng thụ chính sách…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang nhấn mạnh, đây là một chính sách có ý nghĩa thiết thực góp phần giúp việc dạy và học tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn chưa phải là giải pháp căn cơ, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu rà soát kỹ lưỡng, nhất là tìm ra nguyên nhân cốt lõi để tiếp tục đưa ra các giải pháp căn cơ, toàn diện, bền vững.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Đăng Bảo Linh cho hay, sở sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết một cách nhanh chóng, chất lượng, đảm bảo yêu cầu.

“Đây là chính sách mang tính đặc thù của tỉnh. Sau khi nghị quyết được ban hành, triển khai và kết thúc thời gian thực hiện, sở sẽ tham mưu tỉnh tổng kết, đánh giá, xác định ưu, nhược điểm để tiếp tục xây dựng các chính sách có ý nghĩa lâu dài hơn” - ông Đỗ Đăng Bảo Linh cho hay.

Thảo Lâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202406/xem-xet-ban-hanh-chinh-sach-ho-tro-giao-vien-1214d41/