Xem xét cân đối nguồn vốn giữa các dự án thành phần, bảo đảm hợp lý, đủ nguồn lực thực hiện
Cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 trong phiên thảo luận tại Tổ 10 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang) chiều nay, 8.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu, cần khẩn trương bố trí công việc cho năm 2025 để rà soát thể chế, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho Chương trình, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả.
Cân nhắc các chỉ tiêu cụ thể
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, phòng, chống ma túy là vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Gần đây nhất, Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu “tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy”.
Khẳng định việc thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chương trình lần này là tiếp nối kết quả và cách thức nghiên cứu của các chương trình trong giai đoạn trước, nhưng có tính tổng thể hơn và số vốn nhiều hơn với những mục tiêu đặt ra tương đối cao để phấn đấu thực hiện.
Trước diễn biến tình hình ma túy hiện nay rất nghiêm trọng và nguy hiểm với hơn 500 loại ma túy và 44 loại tiền chất có thể sản xuất ma túy, chia thành 4 nhóm: nhóm an thần, nhóm kích thích, nhóm ảo giác, nhóm gây nghiện, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, ma túy là nguồn gốc của tội phạm, ảnh hưởng đến sức khỏe, nòi giống, thế hệ sau này, do đó cần tập trung phòng, chống.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần khẩn trương bố trí công việc cho năm 2025 để rà soát thể chế, văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho việc thực hiện Chương trình khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả.
Chương trình có 9 dự án thành phần, tiệm cận theo 3 góc độ, gồm giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Trong đó, Dự án 6 là tăng cường đáp ứng y tế trong phòng, chống ma túy (do Bộ Y tế chủ trì) là nội dung rất quan trọng của Chương trình, nhưng nguồn vốn phân bổ vẫn còn ít. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần xem xét cân đối nguồn vốn giữa các dự án thành phần để bảo đảm hợp lý, đủ nguồn lực thực hiện.
Quan tâm đến nhóm chỉ tiêu về giảm tác hại đề ra trong Chương trình, ĐBQH Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) nêu rõ, đối với chỉ tiêu trên 90% người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ và can thiệp về y tế, tâm lý, cần làm rõ khi có sự cố, tai nạn nghề nghiệp do phơi nhiễm từ người nghiện thì được hỗ trợ, hay lúc nào cũng được hỗ trợ và chế độ như thế nào?
Đại biểu cũng đề nghị bỏ cụm từ "giảng viên" trong chỉ tiêu “phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố có cán bộ y tế, giảng viên tuyến tỉnh được tập huấn về can thiệp tâm lý xã hội dành cho người sử dụng trái phép chất ma túy” thành “phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố có cán bộ y tế phụ trách điều trị nghiện ma túy tuyến tỉnh được tập huấn về can thiệp tâm lý xã hội dành cho người sử dụng trái phép chất ma túy” để phù hợp về quy định về giảng viên của Luật Giáo dục. Cùng với đó, cần làm rõ có cần thiết và khả thi hay không khi đưa ra chỉ tiêu 100% số giảng viên các trường y thuộc tỉnh phải tập huấn trong khi họ không tham gia điều trị?
Hài hòa trách nhiệm của các bên tham gia vào chuỗi hoạt động quảng cáo
Cho ý kiến với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại phiên thảo luận tổ chiều nay, đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị, trước tình trạng mạo danh thương hiệu của bệnh viện lớn, địa danh, tên quốc gia để lấy tên quảng cáo, cơ quan soạn thảo cần xem xét, bổ sung các quy định về việc đặt tên cơ sở y tế, khắc phục tình trạng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lợi dụng chưa quy định.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quy định siết chặt quy trình thẩm định và từ chối cấp phép đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cơ sở khám, chữa bệnh có tên đăng ký không đúng hình thức tổ chức được quy định tại khoản 1, Điều 48 Luật Khám bệnh, chữa bệnh (phòng khám, bệnh xá, nhà hộ sinh...).
Cụ thể là đối với các doanh nghiệp xin đăng ký tên có ngành hoạt động không phải là bệnh viện nhưng đặt tên có cụm từ "bệnh viện"; tên địa danh, quốc tế, viện...
Đối với quảng cáo trên mạng, ĐBQH Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) cho rằng, đây là nội dung trọng tâm của dự án Luật; đồng thời, đánh giá cao việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có sự phối hợp chặt chẽ trong xây dựng các quy định điều chỉnh hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu thêm các giải pháp kỹ thuật để áp chế hành vi quảng cáo vi phạm (thu hồi tên miền, hạn chế băng thông, định danh tài khoản, quản lý dữ liệu ngân hàng...). Bộ cũng đề xuất bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Công an, Ngân hàng nhà nước, vì quản lý lĩnh vực quảng cáo đòi hỏi tính liên ngành.
Theo đó, Bộ Tài chính phải bảo đảm chống chuyển giá, dịch vụ tài chính, khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn trong hoạt động quảng cáo. Bộ Công an tham gia xử lý quảng cáo vi phạm Luật An ninh mạng. Ngân hàng nhà nước quản lý các giao dịch mua quảng cáo trên các nền tảng số... để hướng tới giải pháp đồng bộ quản lý căn cước, sim số điện thoại, tài khoản ngân hàng, từ đó hạn chế vi phạm pháp luật, chuyển giá trong hoạt động quảng cáo.
Tuy nhiên, đại biểu Phạm Nam Tiến cũng lưu ý, quy định cần bảo đảm tính bao quát, hài hòa và đầy đủ trách nhiệm của tất cả các bên tham gia vào chuỗi hoạt động quảng cáo (từ nhãn hàng, nhà sản xuất phim quảng cáo, đại lý quảng cáo đến nền tảng mạng truyền phát quảng cáo, người chuyển tài sản phẩm quảng cáo).