Xem xét điều chỉnh biên độ dao động giá trên Hose lên 10% khi cần thiết
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhấn mạnh như vậy trước đề xuất nâng biên độ dao động giá trên Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (Hose) từ 7% lên 10% ngay trong năm nay nhằm đáp ứng sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Bảng giao dịch chứng khoán tại Hose sáng 11-8. Ảnh chụp qua màn hình
Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) vừa có báo cáo đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021-2023. Trong báo cáo này, VFCA đề xuất nâng biên độ dao động giá tại Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (Hose) từ 7% lên 10% ngay trong năm nay để đáp ứng sự phát triển của thị trường chứng khoán.
Liên quan đến vấn đề trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn có xu hướng đi ngang và giảm, thanh khoản cũng giảm (từ đỉnh với giá trị giao dịch đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng xuống còn trung bình 15-16 nghìn tỷ đồng/phiên). Tình hình thị trường chứng khoán thế giới cũng đan xen các phiên tăng giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này (xu hướng giảm, từ đỉnh hơn 1.400 điểm lùi về xấp xỉ 1.300 điểm).
Bên cạnh đó, theo Thông tư số 120/2020/TT-BTC quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có đảm bảo niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán quyết định biên độ dao động giá/cơ chế ngắt mạch thị trường sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Căn cứ điều kiện thực tiễn của thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường hoặc cơ chế ngắt mạch thị trường kết hợp với biên độ dao động giá.
Từ năm 2000 đến nay, Hose đã thực hiện 9 lần thay đổi biên độ dao động giá; trong đó có 7 lần điều chỉnh tăng và 2 lần điều chỉnh giảm.
Việc tăng - giảm biên độ dao động giá phụ thuộc vào tình hình và biến động của thị trường. Khi thị trường diễn biến xấu thì điều chỉnh giảm biên độ dao động giá là biện pháp cần thiết nhằm hạn chế đà giảm, ngăn không để thị trường giảm sốc. Khi các yếu tố cơ bản được kiểm soát, thị trường có dấu hiệu ổn định trở lại và nhằm tăng tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán, bắt đầu có sự điều chỉnh tăng nhẹ dần từ mức 2%, rồi 3%, sau cùng là tăng lên mức 7% và áp dụng cho đến hiện nay.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, về đề xuất nâng biên độ từ 7% lên 10%, điều chỉnh biên độ dao động giá là một trong các biện pháp mà cơ quan quản lý sử dụng để kích thích tăng quy mô và thanh khoản cho thị trường, nhằm cân đối cung cầu chứng khoán, tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư. “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ xem xét, cân nhắc việc điều chỉnh biên độ dao động giá khi diễn biến thị trường thực sự cần thiết”, đại diện cơ quan quản lý này nhấn mạnh.