Xem xét gia hạn, bổ sung chính sách hỗ trợ giai đoạn Covid-19
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng dịch Covid-19 tái bùng phát đang gây ra tác động mạnh đến kinh tế. Chính phủ có thể xem xét gia hạn một số chính sách hỗ trợ đã ban hành.
Sáng 3/8, phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra một số nhận định về tình hình 7 tháng đầu năm và đề xuất các định hướng chính sách những tháng cuối năm.
Phục hồi kinh tế cần nhiều thời gian
Theo Bộ trưởng, ảnh hưởng của dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng hơn đối với kinh tế thế giới, đây là cú sốc lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 đến nay.
Nhiều nước đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đa chiều, phức tạp. Trong quý II, GDP của Mỹ giảm 32,9%, mức suy giảm lớn nhất kể từ năm 1947. Kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu suy giảm 12,1%. Một số nền kinh tế lớn giảm sâu như: Tây Ban Nha giảm 18,5%, Pháp giảm 13,8%, Italy giảm 12,4% và Đức giảm 10,1%.
Ông cũng nhận định xu hướng kinh tế toàn cầu các tháng cuối năm 2020 và năm 2021 không rõ ràng, ẩn chứa nhiều rủi ro. Phục hồi kinh tế sẽ cần nhiều thời gian và phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh.
Trong 7 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp kịp thời, toàn diện hỗ trợ hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Bộ trưởng KHĐT cho rằng dịch Covid-19 tái bùng phát trở lại trong cộng đồng, diễn biến nhanh, phức tạp trong thời gian ngắn, với nguy cơ lây nhiễm cao trên diện rộng đang tác động mạnh đến nền kinh tế và toàn xã hội, đặc biệt sau khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tử vong tại Việt Nam.
Xem xét gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách
Từ bối cảnh hiện tại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã kiến nghị một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2020.
Theo đó, nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung mọi nguồn lực, về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư… để kiểm soát dịch. Cần khống chế dịch không để lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý nhân dân.
Về biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, Bộ trưởng KHĐT cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Ông nhấn mạnh đây là “chìa khóa” cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm.
Đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Người đứng đầu ngành KHĐT đề nghị các cơ quan hữu quan quan tâm xây dựng kịch bản tăng trưởng và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tài khóa, tiền tệ và các công cụ chính sách khác nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho các tháng cuối năm 2020 và năm 2021.
Ngoài ra, ông cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện việc gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, bảo đảm sản xuất và an sinh xã hội.
Trong đó, cần tiếp tục tập trung nghiên cứu các giải pháp về tài khóa như miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách Nhà nước. Nghiên cứu các chính sách nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn tín dụng, tập trung các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trường hợp cần thiết, nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách cần thực hiện trong những tháng cuối năm và cả năm 2021 để hỗ trợ trực tiếp các đối tượng, các vùng mới bị ảnh hưởng của dịch để duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cũng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế.
“Nếu ốm nặng quá thì gượng dậy rất khó, còn ốm nhẹ thì cố gắng gượng dậy”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng lưu ý thách thức hiện tại là bùng phát dịch trở lại, đe dọa phục hồi kinh tế. Ông nhấn mạnh cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh.