Xem xét lùi thời điểm triển khai áp dụng Chương trình GD phổ thông và SGK mới
Chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng Chương trình GD phổ thông và SGK mới. Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến thảo luận. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm.
Lùi thời gian thực hiện CTGDPT và SGK mới
Tờ trình do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình bày nêu rõ, Nghị quyết số 88 của Quốc hội yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) và sách giáo khoa (SGK) mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, THCS và THPT.
Trong khi đó đến nay, việc thực hiện Nghị quyết số 88 tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập; CTGDPT mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn SGK, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng CTGDPT mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến.
Trong 3 năm học đầu tiên của lộ trình, mỗi năm học đều phải triển khai CT - SGK mới ở 3 lớp thuộc ba cấp học khác nhau, trong khi 2 năm học cuối của lộ trình mỗi năm học chỉ triển khai thêm ở 1 hoặc 2 lớp ở cấp tiểu học.
Căn cứ tình hình xây dựng CT, biên soạn SGK GDPT mới, việc chuẩn bị về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, trên cơ sở phân tích lộ trình triển khai áp dụng CTGDPT và SGK mới theo yêu cầu của Nghị quyết số 88, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép triển khai áp dụng CTGDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022.
Như vậy, so với lộ trình nêu tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội, việc bắt đầu áp dụng CTGDPT và SGK mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp THCS chậm 2 năm và ở cấp THPT chậm 3 năm. Tuy nhiên, việc áp dụng CTGDPT và SGK mới vẫn bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88 là triển khai theo hình thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học và sau 5 năm thì tất cả các lớp trên phạm vi cả nước đều thực hiện CTGDPT và SGK mới.
Theo phương án mới sẽ có thêm thời gian dành cho việc biên soạn, thẩm định, thực nghiệm các chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định, thực nghiệm SGK mới; Bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý; Đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong CTGDPT hiện hành. Mặt khác, kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn CTGDPT và SGK theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh do thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện CTGDPT và SGK mới vẫn là 5 năm.
Phương án mới sẽ có nhiều thời gian hơn để địa phương rà soát, sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng CT, SGK mới.
Cân nhắc phương án điều chỉnh lộ trình
Báo cáo thẩm tra về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày ghi nhận, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 88, ngày 27/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới CT, SGK GDPT (Quyết định 404). Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo và tổ chức việc xây dựng CTGDPT tổng thể. Ngày 27/7/2017, CTGDPT tổng thể đã được thông qua, là căn cứ để xây dựng các chương trình môn học.
Chính phủ và Bộ GD&ĐT cũng đã quan tâm đến việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để triển khai CTGDPT mới. Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã được phê duyệt và bắt đầu triển khai.
Các địa phương và cơ sở giáo dục cũng có những động thái tích cực trong việc hướng dẫn giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, chuẩn bị cho việc thực hiện đổi mới chương trình. Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ dự thảo Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, GDPT.
Bảo đảm tốt nhất cơ sở vật chất cho chương trình GDPT mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, Ủy ban nhận thấy, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành Chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra...
Báo cáo thẩm tra nói rõ về nội dung điều chỉnh Nghị quyết 88:
Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị lộ trình thực hiện CT, SGK GDPT mới như sau:
Về thời gian triển khai: CT, SGK mới được bắt đầu triển khai từ năm học 2019 - 2020, chậm một năm so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88.
Về phương thức triển khai: Áp dụng CT, SGK mới theo phương thức cuốn chiếu ở mỗi cấp học trên phạm vi toàn quốc đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 - 2020, đối với cấp THCS từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp THPT từ năm học 2021 - 2022, không triển khai đồng thời ở lớp đầu của cả ba cấp học như quy định tại Nghị quyết 88.
Về đề nghị nêu trên của Chính phủ, các thành viên Ủy ban đều đồng ý với việc lùi thời gian và thay đổi phương thức triển khai. Tuy nhiên, về thời gian triển khai, các thành viên Ủy ban có 2 loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất: Đa số thành viên Ủy ban dự họp (24/35 đại biểu) đồng ý với phương án lùi thời gian như trong Tờ trình của Chính phủ.
Theo các đại biểu, Chính phủ đã trình kế hoạch chi tiết triển khai các công việc trong thời gian tới với nội dung công việc, điều kiện thực hiện và lộ trình cụ thể, thể hiện quyết tâm triển khai Nghị quyết 88.
Bên cạnh đó, nếu thực hiện theo phương thức nêu trong Tờ trình, thời gian bắt đầu ở cấp tiểu học chậm 1 năm, cấp THCS chậm 2 năm, cấp THPT chậm 3 năm và về tổng thể, dù điều chỉnh thời điểm bắt đầu nhưng tổng thời gian triển khai CTGDPT mới vẫn là 5 năm, không tăng kinh phí.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, nếu kéo dài thời gian chuẩn bị hơn nữa sẽ làm giảm động lực và tác động đến tâm thế đổi mới trong ngành Giáo dục và xã hội.
Loại ý kiến thứ hai: 11/35 đại biểu cân nhắc về tính khả thi của phương án điều chỉnh lộ trình như đã nêu trong Tờ trình và đề nghị bắt đầu thực hiện CT, SGK GDPT mới từ năm học 2020 - 2021, chậm lại 2 năm so với lộ trình quy định tại Nghị quyết 88, với các lý do sau:
Các công việc liên quan đến xây dựng CT và SGK trong thời gian tới còn rất nhiều, bao gồm: Xây dựng chương trình môn học, hoạt động giáo dục; biên soạn, thẩm định SGK và tài liệu giáo dục chung và của địa phương; giảng dạy thí điểm, rút kinh nghiệm, điều chỉnh SGK và triển khai đại trà...
Bên cạnh đó, tuy CTGDPT tổng thể đã được ban hành, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về cơ sở lý luận, mục tiêu và nội dung chương trình, đòi hỏi Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho thực hiện CT, SGK mới như: Tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, hoàn thiện cơ sở vật chất... cần có thời gian cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành, các địa phương và cơ sở giáo dục.
Việc xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp với CTGDPT mới cũng cần có thời gian để bảo đảm tính đồng bộ và chất lượng.
Do việc điều chỉnh thời gian bắt đầu áp dụng CT, SGK GDPT mới liên quan đến việc sửa đổi nội dung Nghị quyết 88, Ủy ban nhất trí đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 88 để làm căn cứ cho Chính phủ thực hiện.
Quá trình đổi mới là liên tục
Phát biểu thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Bộ GD&ĐT trong việc triển khai CT, SGK mới; đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc lùi thời gian triển khai CT, SGK mới.
Tuy nhiên ý kiến đại biểu Quốc hội cũng quan tâm tới những công việc mà Bộ GD&ĐT đã thực hiện trong việc triển khai CT, SGK mới; cũng như lưu ý việc chuẩn bị cần thiết để đảm bảo đúng lộ trình và tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội.
Giải đáp những băn khoăn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đổi mới CT, SGK mới mang tính kế thừa rất lớn; đổi mới trên cơ sở khắc phục bất cập và tiếp thu một số thành tựu về khoa học, giáo dục của thế giới. Như vậy, quá trình đổi mới là quá trình liên tục, không phải đợi đến năm 2019 mới đổi mới…
Bộ trưởng cho biết, về CT, SGK mới, cho đến nay đã hoàn thành được chương trình tổng thể và triển khai các chương trình môn học. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức phản biện và đặc biệt mời các giáo viên cốt cán ở các địa phương, các trường tham gia từ thành phố cho đến vùng hải đảo...
Về đội ngũ giáo viên, phần lớn giáo viên tâm huyết và mong muốn đổi mới chứ không né tránh. Tuy nhiên, chuẩn của giáo viên với chương trình hiện hành sẽ khác chuẩn giáo viên Chương trình mới.
Chính phủ đã phê duyệt chương trình quy hoạch các trường sư phạm, đào tạo đội ngũ giáo viên. Sắp tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn các địa phương để Sở GD&ĐT của địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng với ngành GD-ĐT có kế hoạch bồi dưỡng dần.
Về cơ sở vật chất, hiện tại theo rà soát về cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chương trình hiện hành. Chỉ còn thiếu cơ sở vật chất tại một số vùng khó khăn chưa được học 2 buổi 1 ngày và một số nơi khó khăn như các tỉnh miền núi. Đối với thành phố khó khăn chủ yếu là quá tải học sinh. Sau khi rà soát chương trình áp dụng cho lộ trình vẫn đảm bảo về cơ bản.
Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp cùng các địa phương, đối với thành phố rút quy mô sĩ số lớp bằng cách mở rộng theo hướng làm sao để xã hội hóa; đối với vùng khó khăn, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thì quy mô thường không đông, tùy từng vùng, có những vùng thuận lợi thì sắp xếp, nhưng cũng có những vùng khó khăn thì không thể sắp xếp cơ học được.
Về kinh phí, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết hiện đã chi 50 tỷ đồng cho triển khai thực hiện CT, SGK mới, trong đó chương trình bồi dưỡng giáo viên là 2,3 tỉ đồng. Bộ trưởng cam kết với Quốc hội từng năm một sẽ công khai chi phí này.