XEM XÉT TÁCH BẠCH HOẠT ĐỘNG CÔNG ÍCH TRONG CUNG CẤP ĐIỆN VỚI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH CỦA NGÀNH ĐIỆN

Trong khuôn khổ giám sát chuyên đề, Đoàn giám sát của UBTVQH đang làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Quan tâm đến vấn đề này, ông Mai Quốc Hội, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, việc cung ứng điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo là dịch vụ công ích có ý nghĩa lớn về chính trị - xã hội, nhưng cần xem xét tách bạch với hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN.

Thực hiện Kế hoạch số 355/KH-ĐGS Đoàn giám sát của UBTVQH đang làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; Kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập, kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Chiều ngày 26/7, Đoàn giám sát của UBTVQH về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021" đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đoàn giám sát của UBTVQH tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về việc thực hiện chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam

Đoàn giám sát của UBTVQH tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về việc thực hiện chính sách giá điện, thị trường điện Việt Nam

Quan tâm đến vấn đề này, ông Mai Quốc Hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam đã chia sẻ về thực trạng hoạt động công ích trong lĩnh vực cung cấp điện tại Việt Nam và khẳng định: Đầu tư và cung ứng điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo được Nhà nước xác định là dịch vụ công ích, có hiệu quả ý nghĩa lớn về chính trị - xã hội, nhưng chi phí đầu tư xây dựng rất lớn, không có khả năng hoàn vốn. Do đó, cần xem xét tách bạch hoạt động công ích của Tập đoàn Điện lực Việt Nam với hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Mai Quốc Hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam đã nêu một số cơ sở pháp lý cho thấy cần phải tách bạch hoạt động công tích với hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN. Cụ thể, tại Khoản 28 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020: “Sản phẩm, dịch vụ công ích là sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, địa phương hoặc cộng đồng dân cư mà Nhà nước cần bảo đảm vì lợi ích chung hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh và việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí.”

Tại Điều 3 Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên quy định:

“Dịch vụ công ích là dịch vụ mà việc sản xuất, cung ứng dịch vụ này theo cơ chế thị trường khó có khả năng bù đắp chi phí hoặc dịch vụ có tính chất đặc thù; được Nhà nước trợ giá phần chênh lệch giữa giá tiêu thụ, giá dịch vụ theo quy định của Nhà nước hoặc phần chênh lệch giữa số tiền do người được hưởng dịch vụ công ích thanh toán theo quy định của Nhà nước, với chi phí hợp lý của nhà sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích để sản xuất, cung ứng dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành nếu có)”.

Ông Mai Quốc Hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam

Ông Mai Quốc Hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam

Tại Thông tư số 24/2018/TT-BCT ngày 31/8/2018 của Bộ Công Thương quy định phương pháp xác định giá sản phẩm, dịch vụ công ích trong lĩnh vực cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thực hiện theo phương thức Nhà nước đặt hàng sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, trong đó: “Giá sản phẩm, dịch vụ công ích cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được xác định theo các nguyên tắc:

Bù đắp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ để hoàn thành việc cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo theo chất lượng điện năng do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Không tính trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích cung cấp điện các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước đảm bảo. Áp dụng các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí hiện hành do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quyết định”.

Điều 3, khoản 9 của Quyết định 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện quy định: “Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được áp dụng trên toàn quốc cho các khu vực nối lưới điện quốc gia, cho khách hàng sử dụng điện nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Chênh lệch chi phí của các đơn vị điện lực do áp giá bán điện thống nhất toàn quốc thấp hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện được tính vào giá bán điện chung toàn quốc đối với các khu vực do Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán điện”

Như vậy thực chất các khoản chênh lệch chi phí của các Tổng công ty điện lực bán điện tại địa bàn công ích (các xã vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo) do giá bán điện thấp hơn giá thành đã được tính vào giá bán điện chung toàn quốc và được tính phân bổ cho tất cả các khách hàng sử dụng điện khi xây dựng cơ cấu biểu giá và biểu giá bán lẻ điện.

Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới. Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường và chính sách an sinh xã hội phù hợp”.

Từ những cơ sở pháp lý trên, ông Mai Quốc Hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam khẳng định, đầu tư và cung ứng điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo được Nhà nước xác định là dịch vụ công ích, có hiệu quả ý nghĩa lớn về chính trị - xã hội, góp phần thay đổi cơ bản diện mạo nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, phát triển các ngành nghề kinh tế biển, phát triển ngư trường bám biển xa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Ông Mai Quốc Hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam kiến nghị tách bạch chi phí hoạt động công ích và chi phí sản xuất kinh doanh để làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động của EVN

Ông Mai Quốc Hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam kiến nghị tách bạch chi phí hoạt động công ích và chi phí sản xuất kinh doanh để làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động của EVN

Tuy vậy, nhưng chi phí đầu tư xây dựng rất lớn, không có khả năng hoàn vốn. Hàng năm, EVN vẫn dành ra hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo và bán điện cho trên 2,5 triệu hộ nghèo theo giá điện thấp. Thực tiễn cho thấy không có doanh nghiệp nào khác có thể đảm nhận được vai trò của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong công cuộc điện khí hóa nông thôn ở nước ta.

Kết quả tách bạch chi phí sản xuất kinh doanh điện và hoạt động công ích giai đoạn 2020-2023 cho thấy, sản lượng điện thương phẩm tại các địa bàn công ích bình quân năm 2020-2023 chiếm khoảng 8,31% toàn hệ thống. Doanh thu từ việc bán điện tại các địa bàn công ích chiếm khoảng 7,96% toàn hệ thống; trong khi chi phí sản xuất (bao gồm chi phí mua điện và phân phối điện) tại các địa bàn công ích chiếm khoảng 10,57%. Như vậy, nhìn chung việc cung cấp điện tại các địa bàn công ích đều lỗ qua các năm. Giá bán điện bình quân năm 2020-2022 trên địa bàn công ích bằng 97,01% giá bán điện bình quân theo quyết định của Bộ Công Thương. Chi phí sản xuất điện bình quân năm 2020-2022 tại các địa bàn công ích cao hơn 27,68% so với chi phí sản xuất điện toàn hệ thống.

Từ thực tế này, ông Mai Quốc Hội, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Điện lực Việt Nam kiến nghị tách bạch chi phí hoạt động công ích và chi phí sản xuất kinh doanh để làm căn cứ đánh giá hiệu quả hoạt động của EVN. Bởi theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, giá điện được điều chỉnh khi có sự biến động của giá nhiên liệu (than, khí). Giá khí do cơ quan nhà nước quy định, biến động theo giá dầu HFSO, Brent thế giới; giá than biến động theo thị trường than nhập. Tuy nhiên, giá điện hiện nay chưa được điều chỉnh đầy đủ và kịp thời (thực tế qua năm 2022 không được điều chỉnh giá điện và năm 2023 chỉ được điều chỉnh ở mức tối thiểu). Trường hợp nếu giá điện không điều chỉnh kịp thời trong khi giá các nhiên liệu đầu vào than, khí vẫn neo ở mức cao hoặc tăng lên, EVN sẽ gặp rất nhiều khó khăn về tình hình tài chính, ảnh hưởng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng. Do đó Nhà nước, Chính phủ cần xem xét cấp bù tiền đối với khoản chênh lệch hoạt động điện công ích để EVN có thể đảm bảo sản xuất điện cho năm 2022, năm 2023 và các năm tiếp theo.

Cùng với đó, cần xem xét tách bạch hoạt động công ích của EVN với hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Bộ Tài chính xây dựng quỹ bình ổn giá điện theo Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá và giá bán lẻ điện là giá do Nhà nước bình ổn giá theo quy định của Luật giá. Quỹ bình ổn giá điện sẽ được hỗ trợ cho việc cấp điện tại các địa bàn công ích là lĩnh vực dịch vụ công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước để làm minh bạch hơn thị trường điện, giảm áp lực tăng giá điện.

Bộ Công Thương xem xét sửa đổi, điều chỉnh Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg và Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân để bổ sung giá bán điện tại các địa bàn công ích làm cơ sở để đấu thầu hoặc giao kế hoạch cung cấp dịch vụ công hoạt động cung cấp điện cho địa bàn công ích.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78307