Xem xét thấu đáo
Tại Dự thảo Luật Đường bộ đang được Bộ Tư pháp xem xét có đề xuất bãi bỏ thẩm quyền dừng phương tiện của Thanh tra giao thông vận tải.
Nếu đề xuất này được thông qua sẽ gây khó khăn rất lớn cho một trong những lực lượng “chủ công” ngăn ngừa vi phạm của xe kinh doanh vận tải.
Luật Giao thông đường bộ (năm 2008) quy định thanh tra GTVT được thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.
Trường hợp cấp thiết, để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, thanh tra GTVT được phép dừng phương tiện và yêu cầu người điều khiển phương tiện thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Thông tư 02/2014/TT – BGTVT cũng quy định rõ các trường hợp Thanh tra GTVT được dừng xe kiểm tra, xử lý gồm: vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường bộ; vượt khổ giới hạn cho phép của cầu, đường bộ; xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường theo quy định; đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép lên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ.
Có thể khẳng định thẩm quyền của thanh tra GTVT không hề chồng lấn mà còn là sự hỗ trợ rất lớn đối với lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Bởi CSGT là lực lượng xử lý lỗi vi phạm giao thông trên đường đối với người điều khiển phương tiện. Còn thanh tra GTVT xử lý các vi phạm về kinh doanh vận tải.
Nhiều năm qua, cả hai lực lượng thanh tra GTVT và CSGT đã thường xuyên phối hợp với nhau rất nhuần nhuyễn trong xử lý vi phạm của nhóm xe kinh doanh vận tải. Trong đó Thanh tra GTVT còn xử lý cả trách nhiệm của DN, chủ xe, có vai trò rất quan trọng trong việc răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Nếu Thanh tra GTVT không được dừng xe kiểm tra, thì toàn bộ gánh nặng phát hiện, xử lý, ngăn ngừa vi phạm trên đường sẽ đặt lên vai CSGT.
Trên thực tế những năm qua, có rất nhiều loại hình vi phạm mà cả Thanh tra GTVT và CSGT cùng căng sức xử lý như: dừng đỗ sai quy định, xe quá khổ, quá tải, chở quá người, thu quá giá… Với sức mạnh của cả hai lực lượng đã dần đẩy lui những vi phạm này. Chính vì thế, nếu thanh tra GTVT không còn thẩm quyền dừng xe kiểm tra, vi phạm trong kinh doanh vận tải có thể diễn biến phức tạp hơn.
Đơn cử trong trường hợp khẩn cấp, phát hiện xe chở quá tải, hay nhồi nhét hành khách trên đường mà không được dừng để xử lý, thanh tra GTVT sẽ phải ứng biến như thế nào(?). Việc gọi báo rồi chờ đợi CSGT đến hỗ trợ sẽ dễ dẫn đến tình trạng xe bỏ chạy, sau đó gây ra tai nạn. Như vậy tình huống trên liên quan đến tính mạng còn người, không còn là trách nhiệm của bên nào.
Câu chuyện thiếu nhân sự, lực lượng mỏng đã gây khó khăn cho CSGT nhiều năm qua trong công tác xử lý vi phạm. Nếu nay lại thiếu đi sự hỗ trợ từ thanh tra GTVT, việc bỏ lọt vi phạm của xe kinh doanh vận tải trên đường là khó tránh khỏi. Ít nhất trong giai đoạn này, khi hệ thống giám sát, kiểm soát giao thông thông minh, ứng dụng công nghệ chưa phát triển, vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải còn diễn biến phức tạp, không thể bãi bỏ thẩm quyền dừng xe, ngăn chặn, xử lý vi phạm của thanh tra GTVT”.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xem-xet-thau-dao.html