Xem xét thay đổi phương pháp phòng chống dịch Covid-19
Ngày 3-5, sau gần 10 tháng, Việt Nam lần đầu không ghi nhận ca tử vong do Covid-19. Số ca tử vong trung bình ghi nhận trong 7 ngày qua cũng chỉ 2 ca, giảm 64% so với trung bình 7 ngày trước.
Bên cạnh đó, số bệnh nhân nặng, số ca nhiễm mới trong nước cũng giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh dịch. Trung bình, số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là hơn 5.000 ca/ngày, trong khi đợt cao điểm của đợt dịch từ tháng 8 đến 11-2021, có ngày nước ta đã ghi nhận khoảng 180.000 ca mắc. Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đến nay, đã có trên 1,5 triệu trẻ em ở lứa tuổi này tiêm mũi 1. Tổng số liều vắc-xin đã tiêm trên cả nước đến nay là hơn 215 triệu liều. Những chỉ số tích cực về phòng chống dịch Covid-19 đã làm cho bản đồ dịch tễ cấp độ dịch quy mô xã, phường trên cả nước cũng có sự thay đổi theo chiều hướng vùng xanh, vùng vàng là chủ đạo. Cập nhật mới nhất về cấp độ dịch Covid-19 của Bộ Y tế cho biết hiện cả nước có 94,6% xã phường toàn quốc là vùng xanh và vàng. Cuộc sống của người dân đang dần trở lại trạng thái bình thường mới, tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dù dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt song Việt Nam vẫn trong giai đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch sang bệnh lưu hành. Ông Tuyên cho biết trên thế giới chưa có quốc gia nào chính thức coi Covid-19 là bệnh lưu hành mà chỉ đang dần dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, chẳng hạn như Anh, Thụy Điển, Đan Mạch không bắt buộc cách ly với người tiếp xúc gần (F1), không bắt buộc đeo khẩu trang… "Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo dịch bệnh vẫn đang diễn ra và vẫn có thể xuất hiện biến chủng mới làm cho diễn biến dịch Covid-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, các quốc gia theo dõi tình hình dịch cũng như cập nhật sự biến đổi của SARS-CoV-2 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định xem Covid-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp" - ông Tuyên nói.
Bộ Y tế cũng cho biết đang nghiên cứu, đánh giá, rà soát các quy định pháp luật và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo một số chuyên gia, xem xét một số yếu tố thời gian qua cho thấy trong nước đã có đủ điều kiện để thực hiện chuyển đổi này. Hiện tại, yếu tố đặc biệt nguy hiểm của Covid-19 có xu hướng giảm cấp độ, trong đó tỉ lệ tử vong do Covid-19 so với tổng ca nhiễm hiện giảm còn 0,4%, thấp hơn nhiều so với các dịch bệnh khác như cúm A/H7N9 (năm 2013, tỉ lệ tử vong do cúm A/H7N9 là 27%). Về tiêu chí "lây truyền nhanh, phát tán rộng", hiện Covid-19 vẫn đủ điều kiện. Về tiêu chí 3 "chưa rõ tác nhân gây bệnh", với Covid-19, tác nhân gây bệnh đã rõ, thế giới và Việt Nam đã có khả năng phân lập, giải trình tự gien và quan trọng hơn là đã có vắc-xin và thuốc điều trị; tỉ lệ tiêm chủng và có miễn dịch tại Việt Nam đã bao phủ rộng. Với diễn biến dịch hiện tại, một chuyên gia nhận định Việt Nam đã có thể xem xét thay đổi phương pháp phòng bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.
Với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong việc kiểm soát dịch Covid-19, từng bước "bình thường hóa" với dịch Covid-19. Ngày 31-3 vừa qua, WHO đã ban hành kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022. WHO nhận định dịch Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành. Do đó, tổ chức này cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện những biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.