Xem xét trường trọng điểm ngành giao thông: 2 trường đại học về GTVT có góp ý
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Long, xét duyệt các trường trọng điểm ngành quốc gia nên đặt tiêu chí về khoa học kỹ thuật, nhân lực chất lượng cao lên hàng đầu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050". Trong đó, có đề xuất sẽ có khoảng 18-20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.
Ở lĩnh vực Giao thông vận tải hiện đang có 2 cơ sở giáo dục được đề xuất trở thành cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia bao gồm: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Trường Đại học Giao thông vận tải.
Cần đặt yếu tố về đội ngũ nhân lực, khoa học kỹ thuật lên hàng đầu
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải bày tỏ: Nếu trở thành trường trọng điểm ngành quốc gia nhà trường sẽ có nguồn lực để thực hiện được các chiến lược đã đề ra. Bởi nếu không có nguồn lực thì chiến lược đề ra cũng chỉ là trên giấy. Chiến lược phải đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất thì mới thành hiện thực.
“Nhà trường cũng là cái nôi của ngành Giao thông vận tải, tiền thân là Trường Cao đẳng Công chính (thành lập năm 1902) được khai giảng lại dưới chính quyền cách mạng ngày 15/11/1945. Và tất cả các cơ sở giáo dục đại học liên quan đến giao thông vận tải hiện nay đều được tách ra từ nhà trường.
Đặc biệt, đội ngũ của Trường Đại học Giao thông vận tải tương đối hùng hậu ở lĩnh vực giao thông. Tất cả các chuyên gia đầu ngành về cầu, đường, đường sắt đều từng được đào tạo từ trường mà ra.
Với đội ngũ mạnh như vậy nhà trường tự tin sẽ đảm bảo khả năng phục vụ được những gì mà đất nước kỳ vọng. Tuy nhiên, trường cũng cần có nguồn lực để thực hiện việc đó. Từ nguồn lực ấy nhà trường sẽ xây dựng được chiến lược phát triển phù hợp với sự phát triển của đất nước đặc biệt là vấn đề giao thông đường sắt trong thời gian tới”, thầy Long bày tỏ.
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải: Vấn đề giao thông đường sắt cũng là định hướng phát triển của nhà trường từ rất lâu trước đó. Nhà trường luôn quan niệm đường sắt phải là mạch máu của giao thông. Ngoài ra, để phát triển hệ thống giao thông cũng cần chú trọng đến giao thông ngầm dưới lòng đất như tàu điện ngầm… Và đó cũng là định hướng phát triển của nước ta trong thời gian tới.
Và tất cả những điều này theo thầy Long chính là “sở trường” của Trường Đại học Giao thông vận tải mà không cơ sở giáo dục đại học nào có được. Nhưng để phát huy tốt sở trường đó nhà trường cần có nguồn lực để thực hiện. Và việc trở thành trường trọng điểm ngành quốc gia chính là bước đệm để hoàn thiện mục tiêu này.
Trong khi đó, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải thông tin: Trong dự thảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề cập đến việc đưa 18-20 cơ sở giáo dục đại học trở thành trường trọng điểm ngành quốc gia. Vấn đề này cũng đang có rất nhiều ý kiến tranh luận, thực tế đây cũng mới chỉ là đề xuất.
Trong buổi tọa đàm góp ý về "Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" vừa qua, cũng có nhiều ý kiến đưa ra cần có bộ tiêu chí rõ ràng để xếp loại các trường như thế nào thì được đưa vào trọng điểm ngành để đảm bảo sự công bằng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã khẳng định sẽ tiếp thu và có những bộ tiêu chí để đánh giá cụ thể.
Góp ý về bộ tiêu chí đánh giá xếp loại các cơ sở giáo dục đại học được đưa vào trường trọng điểm ngành quốc gia, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng trước hết cần tôn trọng các tiêu chí mà Nhà nước cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra. Tuy nhiên, khi xác định trọng điểm quốc gia ở một trường đại học liên quan đến giao thông vận tải thì trường đó phải có một đội ngũ về nguồn lực, về chất xám và tiêu chí đó cần đặt lên hàng đầu trên mọi tiêu chí khác.
Bên cạnh đó, giao thông vận tải cũng phải chú trọng đến đào tạo đa ngành phải có đủ cả đường sắt, đường bộ, đô thị, hàng không, đường sông, đường biển, đường hầm…
“Với Trường Đại học Giao thông vận tải, nhà trường có rất nhiều lợi thế, chuyên môn về giao thông vận tải. Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực này đều đã và đang học tập, làm việc ở trường. Đồng thời trường cũng có ưu thế đa ngành về giao thông vận tải.
Nếu như nhà nước quan tâm đầu tư thì nhà trường tự tin sẽ đảm nhận được vai trò trường hàng đầu về giao thông vận tải, nhất là trọng điểm ngành quốc gia.
Đồng thời khi xem xét trường trọng điểm ngành quốc gia cần phải đặt khoa học kỹ thuật lên hàng đầu. Cơ quan quản lý cần phân tích các yếu tố khoa học kỹ thuật đó để đưa ra nhận định, tiêu chí, tiêu chuẩn sao cho phù hợp. Không nên áp đặt một cách chủ quan về quản lý để hình thành nên trường này, trường kia phải là trọng điểm. Và khoa học ở đây phải dựa trên quá khứ, hiện tại và tương lai, đặc biệt là đội ngũ các nhà khoa học”, thầy Long nhận định.
Quy hoạch mới nên kế thừa những gì đã quy hoạch trước đó
Cùng bàn về vấn đề này Tiến sĩ Trần Hà Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải cho rằng: Trước đó, nhà trường cũng từng được quy hoạch thuộc diện phát triển lên trường trọng điểm quốc gia.
Cụ thể, ngày 3/2/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 208/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó giai đoạn đến năm 2020 Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải được quy hoạch phát triển thành trường đại học trọng điểm quốc gia và giai đoạn 2021-2030 phát triển thành trường đại học đẳng cấp khu vực và thế giới.
“Thế nhưng trong dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì trường không có tên trong dự thảo. Chính vì thế, nhà trường mong muốn nằm trong quy hoạch trường trọng điểm ngành quốc gia vì sắp tới trọng điểm của ngành giao thông như hàng hải biển, kinh tế biển đã có Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải cũng đang định hướng sắp tới Chính phủ thông qua về đường sắt cao tốc. Trong đó, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng là một trong những trường đào tạo ngành đường sắt cho Bộ Giao thông vận tải”, thầy Thanh bày tỏ.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải cũng cho hay, nếu trường không được đưa vào trở thành trọng điểm ngành quốc gia sẽ khiến nhà trường gặp phải một số thách thức.
Thứ nhất, khi trường đã được quy hoạch lên trọng điểm rồi sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư để làm sao đạt được những tiêu chí đó. Nhưng nếu trong giai đoạn mới trường không được trở thành trường trọng điểm ngành quốc gia phần nào đó cũng ảnh hưởng tới vị thế của nhà trường.
Ngoài ra, để đáp ứng sắp tới triển khai đường sắt cao tốc ở Việt Nam thì nhà nước cũng cần đầu tư rất nhiều từ mặt công nghệ đến đào tạo nguồn nhân lực cho Bộ Giao thông vận tải. Trường lại là trường của ngành giao thông vận tải, trực thuộc Bộ Giao thông vận tải nên nhà trường cũng mong muốn được đưa vào quy hoạch trở thành trường trọng điểm ngành quốc gia. Tất nhiên hiện nay mới là dự thảo nên sẽ còn phải thông qua hội đồng xét duyệt nhiều khâu nữa.
“Về mặt quan điểm, nhà trường thấy rằng, bản quy hoạch mới cũng nên kế thừa những gì đã quy hoạch trước đó. Bởi vì trong danh sách quy hoạch trước đó, trường đã có tên trong danh sách quy hoạch trọng điểm của Chính phủ. Chính vì thế, trong dự thảo lần này không có tên trường nên nhà trường cũng rất bất ngờ và cũng có ý kiến với Bộ Giao thông vận tải để Bộ có ý kiến gửi sang Bộ Giáo dục và Đào tạo”, thầy Thanh thông tin.
Tiến sĩ Trần Hà Thanh đánh giá, các nội dung “Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” rất khoa học và chi tiết. Các tiêu chí để Bộ xác định trường trọng điểm cũng được phân bổ ra các lĩnh vực, các ngành và các khối ngành.
Để xác định trường trọng điểm ngành quốc gia Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra một số tiêu chí. Thứ nhất là liên quan đến lĩnh vực quan trọng mà Đảng và Nhà nước tập trung đầu tư hoặc cần phát triển. Thứ hai là tiêu chí riêng cho từng trường nếu lĩnh vực đó có nhiều trường như: năng lực, uy tín đào tạo và nghiên cứu khoa học (số lượng giáo sư, phó giáo sư, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, quy mô giảng viên); quy mô đào tạo sau đại học và kết quả nghiên cứu khoa học…
Tuy nhiên, theo thầy Thanh cần có quy định rõ ràng các tiêu chí xếp loại theo thang điểm và nên tính điểm bằng cách cộng tổng các tiêu chí rồi đánh giá theo thứ tự từ trên xuống dưới.
“Ví dụ có 10 tiêu chí thì cần có thang điểm rõ ràng rồi cộng lại từ trên xuống dưới sẽ dễ dàng xác định hơn. Hiện nay bộ tiêu chí vẫn khá chung chung”, thầy Thanh nêu quan điểm.
Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn hẹp, việc tập trung đầu tư vào các đại học quốc gia, đại học vùng, cơ sở đại học trọng điểm là một giải pháp đúng đắn thay vì đầu tư dàn trải.
Trong báo cáo tổng hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: Cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia có sứ mạng cùng đại học quốc gia dẫn dắt và thực hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển một số lĩnh vực, ngành trọng điểm của quốc gia; có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu trong lĩnh vực, ngành đào tạo tương ứng.
Tới năm 2030, phát triển 20 cơ sở giáo dục trọng điểm ngành quốc gia, trong đó mỗi lĩnh vực, ngành có 1 đến 2 cơ sở giáo dục đại học, chú trọng nâng cao chất lượng, tăng quy mô đào tạo sau đại học gắn với phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo để ít nhất 20 lượt lĩnh vực có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.