Xếp các chứng chỉ quốc tế ngang với giải học sinh giỏi cấp tỉnh có khập khiễng?
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đặc cách công nhận HS giỏi cấp tỉnh đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, về vấn đề này, vẫn nhiều ý kiến trái chiều.
Năm học 2022-2023, song song với tổ chức kỳ thi học sinh giỏi truyền thống, tỉnh Hà Tĩnh còn đặc cách công nhận 91 thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh. Trong đó, có 6 em đạt 8.0 điểm IELTS (tương đương giải nhất); 37 em đạt 7.5 điểm IELTS (tương đương giải nhì) và 48 em đạt 7.0 điểm IELTS (tương đương với giải ba). Việc đặc cách đã được triển khai thí điểm từ năm 2017 - 2018 và áp dụng từ lớp 9 đến lớp 12.
Trước đó, năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 70 em được đặc cách công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh. Như vậy, số học sinh được đặc cách công nhận năm học này đã tăng thêm 21 em.
Theo Tiến sĩ Trần Giang Nam (chuyên viên tiếng Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh), Ủy ban nhân dân tỉnh khuyến khích giáo viên và học sinh tham gia các kỳ thi chứng chỉ quốc tế theo “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các trường mầm non, phổ thông Hà Tĩnh giai đoạn 2017-2025” ban hành từ năm 2018. Vì vậy, việc công nhận này là nhằm thúc đẩy phong trào học tập và nâng cao chất lượng dạy, học tiếng Anh trong nhà trường, không phải để giúp học sinh được đặc cách hoặc cộng điểm ưu tiên vào đại học.
Đặc cách cho thí sinh là một sự động viên, khuyến khích
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Mỹ Hạnh, giáo viên tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương, (tỉnh Gia Lai) đánh giá: “Việc sử dụng chứng chỉ tiếng Anh để đặc cách cho các thí sinh trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh là một cách làm mới mẻ và mang lại nhiều lợi ích cho học sinh. Khoan nói đến mặt tiêu cực, trước hết IELTS hay các chứng chỉ khác đều đã được công nhận ở nhiều nước, là một chứng chỉ chất lượng và uy tín. Tôi cho rằng, việc xét đặc cách cho học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một sự khuyến khích cho các em, giúp nâng cao tinh thần dạy và học tiếng Anh trong nhà trường.
Nếu nói đến tiêu cực, có lẽ mọi người lo rằng sẽ thiếu công bằng cho học sinh chưa có điều kiện thi lấy chứng chỉ. Thế nhưng, bên cạnh việc đặc cách công nhận học sinh giỏi, tỉnh Hà Tĩnh vẫn tổ chức kỳ thi bình thường cho các thí sinh khác. Như vậy, kỳ thi vẫn đảm bảo tính công bằng cho tất cả thí sinh.
Lo ngại thứ hai là việc xảy ra lợi ích nhóm, học sinh đổ xô đi học, luyện đề ở các trung tâm ngoại ngữ dẫn đến tình trạng các trung tâm ôn luyện mở ào ạt, không kiểm soát được chất lượng. Tôi nghĩ đây không phải là vấn đề đáng quan ngại vì hầu hết các trung tâm tiếng Anh đều đang được các sở ban ngành quản lý, kiểm soát và họ phải dạy tốt thì mới có học sinh.
Bên cạnh đó, dù khác nhau về cấu trúc, tính chất đề thi nhưng kỳ thi học sinh giỏi và các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế đều có một điểm chung. Đó là học sinh đều được ưu tiên khi xét tuyển đại học. Học sinh chỉ được lựa chọn sử dụng một trong hai quyền ưu tiên này. Nếu đã được ưu tiên cộng điểm học sinh giỏi cấp tỉnh thì không được cộng điểm ưu tiên cho chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và ngược lại.
Còn nói chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là đại trà ai cũng có thể thi, kỳ thi học sinh giỏi là kỳ thi đặc thù dành riêng cho các học sinh có năng khiếu và đam mê, tôi cho rằng chưa thỏa đáng. Vì kỳ thi học sinh giỏi cũng dành cho tất cả học sinh. Các em có thể thi từ cấp cơ sở, cấp trường, cấp huyện rồi đạt điểm cao mới được tham gia thi cấp tỉnh. Chứng chỉ ngoại ngữ ai cũng có thể thi nhưng không phải ai cũng sẽ đạt điểm cao. Để đạt được điểm IELTS từ 7.0 cũng là nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực của học sinh, vì vậy khuyến khích ưu tiên các em cũng là điều nên làm.
Mặt khác, kỳ thi học sinh giỏi đã có từ lâu, hầu hết các tỉnh chưa tổ chức thi nói do số lượng thí sinh đông, điều kiện nhân lực còn nhiều hạn chế. Để bổ sung một nội dung mới cho kỳ thi này còn phải đợi quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hiện nay, đề thi học sinh giỏi cấp cơ sở vẫn được xây dựng dựa trên đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia theo từng năm. Vì vậy, để có thêm phần thi nói chúng ta vẫn cần chờ những thay đổi của Bộ”.
Cần xem lại độ tương đồng của đề thi học sinh giỏi và đề thi các chứng chỉ
Còn theo cô Hoàng Thị Thu Hiền, giáo viên môn tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Yên Bái): “Việc đặc cách cho thí sinh có chứng chỉ IELTS hay một số chứng chỉ ngoại ngữ khác là chưa phù hợp cả về mặt chuyên môn học thuật lẫn mặt xã hội. Không thể đặt độ khó của hai kỳ thi lên cùng một bàn cân vì hai kỳ thi này hoàn toàn khác nhau từ cấu trúc đề thi, thời gian làm bài, điều kiện cơ sở vật chất,...
Những học sinh đạt 8.0 IELTS có năng lực tiếng Anh rất tốt. Tuy nhiên, với một danh hiệu như học sinh giỏi một môn văn hóa còn tùy theo quan điểm của mỗi tỉnh khi ra đề. Với kỳ thi học sinh giỏi, ngoài kỹ năng các em còn phải thực sự đam mê, yêu thích môn học. Như vậy, các bạn mới thực sự dành thời gian, tâm huyết để tham gia các vòng thi tiếp theo.
Bên cạnh đó, đề thi học sinh giỏi cấp quốc gia sẽ còn bao gồm nhiều dạng bài thi khác. Về học thuật, đề thi của kỳ thi học sinh giỏi và của các chứng chỉ quốc tế là khác nhau. Ngân hàng câu hỏi của kỳ thi học sinh giỏi được xây dựng dựa trên nội dung chương trình giáo dục phổ thông, cấu trúc đề thi đánh giá các kỹ năng nghe, đọc, viết. Trong khi đó, IELTS tuy được đánh giá là khó nhưng chỉ là một dạng chứng chỉ, đánh giá năng lực thì có nhưng chưa bao quát được chính xác năng lực của học sinh giỏi, thậm chí thí sinh thi chứng chỉ này còn có thể học theo chiến thuật.
Tôi đã tham khảo đề thi học sinh giỏi của nhiều tỉnh thành khác. Hiện nay, cấu trúc đề thi học sinh giỏi môn tiếng Anh thường được tổng hợp từ nhiều dạng như thi TOEFL, IELTS, Cambridge. Như vậy, dù có điểm IELTS cao nhưng những học sinh này chưa chắc đã làm tốt bài thi học sinh giỏi, đặc biệt là bài thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
Việc xếp các chứng chỉ quốc tế ngang với giải học sinh giỏi cấp tỉnh là khập khiễng, thiên lệch, nhất là khi thi chứng chỉ quốc tế đã trở thành phong trào.
Càng ngày, số lượng học sinh có chứng chỉ IELTS đạt từ 7.0 càng nhiều hơn, nếu cứ xét công nhận học sinh giỏi như vậy thì sẽ xảy ra trường hợp cả một lớp là học sinh giỏi cấp tỉnh. Mà số lượng học sinh giỏi đông như vậy, danh hiệu này sẽ không còn giữ nguyên ý nghĩa và khó thu hút học sinh tham gia.
Việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để đặc cách công nhận danh hiệu học sinh giỏi còn kéo theo hệ lụy khác. Ví dụ như phụ huynh sẽ bị cuốn vào vòng xoáy IELTS, TOEIC, TOEFL, bắt ép con đi học mà chưa hiểu rõ về các chứng chỉ này. Điều này gây nên áp lực không nhỏ cho học sinh vì không phải học sinh nào cũng có đủ điều kiện (bao gồm cả kinh tế) để tiếp cận với nó.
Bên cạnh đó, việc đặc cách công nhận học sinh giỏi bằng một chứng chỉ ngoại ngữ nào đó là không bằng đối với học sinh ở các vùng khó khăn. Đơn cử như Yên Bái, học sinh vùng cao không có điều kiện tiếp cận với IELTS, TOEIC, giáo viên cũng chưa đủ năng lực để đào tạo học sinh theo các chứng chỉ ấy, các thầy cô vẫn dạy theo phương pháp truyền thống nên việc xây dựng một kỳ thi học sinh giỏi với cấu trúc như các chứng chỉ khác là không hợp lý”.
Kỳ thi học sinh giỏi tiếng Anh nói riêng và học sinh giỏi các môn văn hóa khác nói chung là sân chơi giúp học sinh thử sức, thỏa thích thể hiện năng lực và thể hiện niềm đam mê, yêu thích của mình đối với môn học. Vì vậy, cần có một quy định cụ thể để đảm bảo tính công bằng, khách quan cho người học.