Xếp hạng các quốc gia sạch nhất thế giới
Các quốc gia Châu Âu chiếm đa số trong top 10 trong hạng mục Hành tinh và Khí hậu (Planet & Climate Index ranking) của Bảng xếp hạng Các quốc gia Tốt.
Những báo cáo mới nhất về khí hậu có vẻ u ám: nghiên cứu gần đây cho thấy nước biển đã ấm nhanh hơn 40% so với người ta nghĩ trước đây. Trong khi đó, hội đồng các nhà khoa học về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc vừa công bố một báo cáo vào tháng 10-2018 cảnh báo rằng nhiệt độ tăng sẽ gây ra những trận lụt lớn, khô hạn, thiếu lương thực và cháy rừng vào năm 2040 nếu ta không có những hành động quyết liệt.
Các quốc gia Châu Âu chiếm đa số trong top 10 trong hạng mục Hành tinh và Khí hậu (Planet & Climate Index ranking) của Bảng xếp hạng Các quốc gia Tốt.
Na Uy hạng nhất hạng mục Hành tinh và Khí hậu
Na Uy dẫn đầu thế giới trong nhiều sáng kiến môi trường, trong đó có tỷ lệ chuyển đổi sang ôtô điện cao nhất thế giới và chính phủ cam kết trở thành quốc gia trung hòa về khí hậu đến năm 2030. Nhưng mối quan hệ với thế giới tự nhiên ở đây còn tiến xa hơn cả chính sách. Người Na Uy tôn vinh ý tưởng "friluftsliv" (nghĩa là "đời sống ngoài trời") thể hiện sự quan trọng của việc dành thời gian sống ngoài trời để khỏe mạnh và hạnh phúc.
Oslo được Hội đồng Châu Âu vinh danh là Thủ đô Xanh Châu Âu năm 2019 vì đã khôi phục hệ thống đường sông, đầu tư vào xe đạp và phương tiện công cộng và vì cách tiếp cận sáng tạo trong ngân sách khí hậu (đưa con số phát thải CO2 thành một chỉ số có thể đo đạc được giống như các quỹ tài chính). Thành phố cũng hành động để trung tâm thành phố không còn ôtô.
Tuy 99% năng lượng dùng trong nội địa của Na Uy được cung cấp từ các nguồn năng lượng bền vững như thủy điện từ bờ biển, vịnh biển và thác nước, nhưng Na Uy vẫn là quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu mỏ lớn, và điều này đã trở thành vấn đề chính trị gây tranh cãi.
Bồ Đào Nha đi đầu mạng lưới ôtô điện
Xếp hạng 3 trong những nỗ lực đóng góp cho hành tinh, Bồ Đào Nha sớm là quốc gia đi đầu trong việc đầu tư vào mạng lưới trọn vẹn cho ôtô điện (và gần đây đã được miễn phí), khích lệ cư dân lắp đặt bảng năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo với chi phí thấp hơn. Với việc lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời, người dân sẽ có cơ hội bán lượng điện năng không sử dụng đến cho lưới điện quốc gia.
Tái tạo và sử dụng phân hữu cơ là lối sống bình thường ở nơi đây, với những thùng rác đặc thù ở mỗi khu vực, bao gồm một thùng rác có pin. Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc khiến nỗ lực sống xanh hàng ngày trở thành hiện thực.
Bồ Đào Nha từ lâu đã là xã hội trồng trọt tận dụng tài nguyên tự nhiên giàu có của chính mình. Ở Lisbon, trên đồi cao, việc chuyển đổi qua xe đạp không mạnh mẽ như nhiều thủ đô Châu Âu khác, nhưng những mô hình phương tiện vận tải bền vững khác đang bắt đầu được thực hiện.
Uruguay đứng đầu Nam Mỹ
Được xếp hạng cao nhất trong các quốc gia Nam Mỹ trong bảng xếp hạng Hành tinh và Khí hậu (hạng 15) và liên tục được nêu danh là một trong những điểm đến đạo đức nhất vì các chính sách môi trường và khí hậu, Uruguay đã trở thành quốc gia dẫn đầu trên hành tinh về năng lượng tái tạo - vì nhu cầu cũng như vì sự tôn trọng với hành tinh. Khoảng 95% điện năng đến từ các nguồn năng lượng tái tạo, hầu hết là từ thủy điện, nhưng cũng có thêm năng lượng mặt trời, điện gió và năng lượng sinh học.
Ngoài những khuyến khích kinh tế, cư dân được rèn luyện kết nối mạnh mẽ với vùng đất này qua nhiều thế kỷ. Phương tiện công cộng (hầu hết chạy bằng điện) có mặt ở hầu hết các thành phố lớn, và sân bay quốc tế Carrasco ở thủ đô Montevideo cũng tiến gần đến sử dụng hoàn toàn năng lượng bền vững với hệ thống năng lượng mặt trời quang điện. Đây là sân bay đầu tiên ở Nam Mỹ với nhà máy sản xuất quang điện PV.
Kenya nỗ lực bảo vệ nguồn nước và môi trường
Do thời tiết ngày càng cực đoan và hạn hán thường xuyên xảy ra, Kenya đã nếm trải những hiệu ứng ban đầu của biến đổi khí hậu. Trước tình hình đó, chính phủ đang hành động để bảo vệ nền kinh tế phụ thuộc cực kỳ nhiều vào nông nghiệp, và đã khởi động Kế hoạch Hành động Biến đổi Khí hậu và cam kết giảm tỷ lệ phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính xuống còn 30% vào năm 2030.
Một nỗ lực khác khiến Kenya được xếp hạng 26 trong Bảng xếp hạng Hành tinh và Khí hậu là lệnh cấm túi nhựa gần đây để bảo vệ nguồn nước và môi trường địa phương. Lệnh cấm này đã trở thành một trong những lệnh cấm nghiêm khắc nhất thế giới, trong đó có đe dọa sẽ bỏ tù và phạt nặng nếu cư dân (hoặc thậm chí du khách) bị phát hiện có mang theo túi nhựa.
Faye Cuevas, người Mỹ sống ở Nairobi và là phó chủ tịch cao cấp tổ chức IFAW (Quỹ quốc tế vì An sinh Động vật) nói: "Cộng đồng địa phương ở đây đã có hệ thống bảo vệ môi trường truyền thống tại chỗ, và những hệ thống truyền thống đó cũng hoạt động hiệu quả. Rừng Maasai Loita là một ví dụ, đó là một trong số ít những khu rừng do cư dân bản địa quản lý còn sót lại ở Kenya và khu rừng còn nguyên sơ, phần lớn là vì luật lệ tại địa phương và hệ thống truyền thống tại chỗ bảo vệ nơi này".
New Zealand nghiêm túc bảo vệ tài nguyên
Được xếp hạng thứ 39 trong Bảng xếp hạng Hành tinh và Khí hậu - khiến đây là quốc gia dẫn đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, New Zealand đã cực kỳ nghiêm túc trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt vì nền kinh tế nông nghiệp và du lịch lệ thuộc vào môi trường.
Vì lượng khí phát thải methane chủ yếu đến từ đàn gia súc và ngành công nghiệp chăn cừu lớn, cũng như ngành công nghiệp năng lượng đang phát triển ở quốc gia này, New Zealand nằm trong nhóm quốc gia xả thải carbon cao nhất tính trên đầu người. Nhưng quốc gia này đã tạo ra liên minh lãnh đạo nghị viện giữa các đảng để tạo ra kế hoạch "Không phát thải ở New Zealand" - một kế hoạch vạch ra các chính sách cần thiết để đạt đến mức độ trung hòa carbon vào năm 2050.
New Zealand có kích cỡ bằng hai phần ba bang California và có số dân bằng 10% dân số nước Mỹ. Điều này giúp New Zealand bớt lo lắng về những vấn đề môi trường hàng ngày, như ô nhiễm không khí hay bãi chứa rác quá tải, so với những trung tâm đô thị lớn khác.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/do-day/xep-hang-cac-quoc-gia-sach-nhat-the-gioi-577003/