Tại cửa hàng chè nổi tiếng trên đường Ngô Thì Nhậm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), rất đông người dân và tài xế công nghệ xếp hàng. Họ đứng kín vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường. Lực lượng trật tự phải có mặt từ sớm để đảm bảo không xảy ra tình trạng lộn xộn. Anh Nghiêm Hà (tài xế giao hàng) xếp hàng tròn 1 tiếng đồng hồ mới mua được bánh. "Chờ đợi lâu như vậy nhưng giao đơn hàng này tôi chỉ được tổng 16.500 đồng, trừ phí nộp cho công ty còn khoảng 14.000 đồng. Mọi người ngại tiếp xúc nơi đông người nên những người làm công việc giao hàng như tôi đành cố gắng để phục vụ", anh cho biết.
Anh Khải đã lấy được hàng nhưng lại phải xếp hàng lại từ đầu vì thiếu một loại bánh khách đặt. Anh cho biết mùa dịch tưởng chừng mọi người đặt nhiều hơn nhưng thực thế anh ít cuốc giao hàng hơn hẳn. Đứng đợi hơn 45 phút nhưng anh không dám hủy đơn vì sợ sẽ không nhận được cuốc khác.
Cửa hàng đặt biển thông báo yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang và trang bị nước rửa tay bên ngoài cho khách hàng. Tuy nhiên, diện tích cửa hàng bé nên khoảng cách mỗi người đứng rất sát nhau, khó tránh tiếp xúc.
"Hàn thực" nghĩa là "thức ăn lạnh". Ngày Tết này xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam và cộng đồng người Hoa trên thế giới. Vào mùng 3/3 âm lịch, những món ăn được làm ra đều được cúng gia tiên với ý nghĩa con cháu đều hướng về tổ tiên, nguồn cội. Bánh trôi, bánh chay là món bánh không thể thiếu trên bàn thờ của Việt vào dịp này.
Gia đình anh Phí Tùng Tuấn (áo xám) ở khu vực chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) dậy từ 3h để kịp nặn bánh. Năm nay anh chuẩn bị 50 kg bột, giảm một nửa so với năm ngoái vì nhận định dịch bệnh sẽ ít người mua hơn.
Anh Tuấn cho biết mặt hàng bột làm bánh năm nay bán chạy hơn cả. Bột ngũ sắc có giá 70.000 đồng/kg kèm nhân sên, đường.
Cảnh mua bán vẫn diễn ra như thường lệ. Chị Thanh Hồng (áo đỏ) cũng tự làm bánh ở nhà để cúng ông bà tổ tiên, chỉ ra chợ mua thêm vài đĩa bánh đem tới cửa hàng của chị. Việc tự làm bánh trong mùa dịch được chị ưu tiên hơn cả vì sạch sẽ, an toàn trong mùa dịch.
Bà Phạm Kim Oanh đang sắp xếp đơn hàng để giao. Chỉ trong một buổi sáng, khoảng 100 đĩa bánh đã được bà chuyển đi cho khách. "Nhà tôi bán bánh trôi, bánh chay cả ngày thường nên toàn khách quen đặt mua. Giá bánh giữ nguyên, từ 10.000-20.000 đồng/đĩa", bà cho biết.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nguy cơ lây lan ngày càng lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong cuộc họp ngày. 25/3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ đạo: "Trừ các cửa hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc, cửa hàng bán thức ăn, còn lại tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đóng cửa trong 2 tuần, đến ngày 5/4".
Phương Lâm