Xếp xung đột ở Ukraine và lệnh trừng phạt sang một bên, Mỹ-EU 'bấm bụng' mua nhiên liệu hạt nhân của Nga, đây là lý do
Khi phương Tây quay lưng với năng lượng hạt nhân sau sự cố ở Fukushima năm 2011, Nga đã nhanh chóng nhảy vào cuộc chơi, mở rộng thị phần và cung cấp nguồn tài chính hào phóng cho các dự án mới ở nước ngoài.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu, khí đốt tự nhiên và than đá của Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine (tháng 2/2022). Tuy nhiên, khi nói đến năng lượng nguyên tử, Tập đoàn nhà nước Rosatom vẫn tiếp tục là nguồn cung cấp nhiên liệu chủ yếu cho các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới với khoảng một nửa nhu cầu toàn cầu về uranium đã làm giàu.
Các quốc gia phương Tây đang chạy đua để khôi phục năng lực xử lý điện hạt nhân của mình, vốn phần lớn trong số đó đã suy yếu do “ác cảm” đối với năng lượng hạt nhân sau sự cố nhà máy Fukushima ở Nhật Bản năm 2011. Nhưng tiến độ có thể sẽ chậm.
Nhiên liệu hạt nhân được tạo ra như thế nào?
Các nhà máy hạt nhân được cung cấp nhiên liệu là uranium, một nguyên tố tương đối phổ biến có tính phóng xạ tự nhiên. Tuy nhiên, quặng uranium cần phải trải qua một quy trình công nghiệp trước khi có thể sử dụng trong lò phản ứng.
Nguyên tố này cần được khai thác, nghiền và chuyển thành dạng khí. Sau đó, các cơ sở làm giàu sẽ tách riêng các đồng vị, chiếm khoảng 0,7%, biến nó thành dạng bột để chế tạo thành các thanh, bó chúng thành cụm nhiên liệu cho lò phản ứng.
Bởi vì các vật liệu và quy trình được sử dụng để sản xuất nhiên liệu hạt nhân, cũng có thể được sử dụng cho vũ khí, nên chi tiết chính xác của chu trình sản xuất nhiên liệu hạt nhân là một trong những bí mật được bảo vệ chặt chẽ nhất, kể từ khi nó được các nhà khoa học chế tạo lần đầu tiên trong Dự án Manhattan hồi Thế chiến II.
Tại sao Nga chiếm ưu thế?
Không giống như các công ty phương Tây kinh doanh trong lĩnh vực hạt nhân, Rosatom của Nga tham gia vào mọi khâu của chuỗi cung ứng, từ khai thác quặng đến làm giàu và phân phối nhiên liệu. Công ty này vừa biểu hiện cho sức mạnh địa chính trị của Điện Kremlin vừa mang về nguồn thu lớn.
Tầm vóc đó của công ty đã mang lại lợi ích cho Nga. Khi các nhà đầu tư quốc tế quay lưng với năng lượng hạt nhân sau sự cố ở Fukushima năm 2011, một số công ty phương Tây tham gia vào chu trình cung cấp nhiên liệu, bao gồm Areva SA ở Pháp, Enrichment Co. và Westinghouse Electric Co., (Mỹ) bị phá sản.
Trong bối cảnh đó, Nga đã nhanh chóng nhập cuộc, xây dựng thị phần không chỉ từ các lò phản ứng hạt nhân hiện có trên thế giới mà còn cung cấp nguồn tài chính hào phóng cho các dự án mới ở nước ngoài.
Ngày nay, 330.000 công nhân của Rosatom chịu trách nhiệm sản xuất các bộ phận nhiên liệu cho nhiều lò phản ứng cũ ở Đông Âu và Nga, đồng thời đang xây dựng 33 tổ máy điện mới tại 10 quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như sẽ ký kết các hợp đồng nhiên liệu trong nhiều thập niên tới.
Liên bang Nga có công nghệ nguồn về điện hạt nhân, hiện vẫn tiếp tục phát triển điện hạt nhân trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu điện hạt nhân ra nước ngoài. Tại thị trường nội địa Nga, tỷ lệ điện hạt nhân chiếm khoảng 20% sản lượng điện.
Nước nào phụ thuộc nhiều nhất?
Liên Xô trước đây đã xây nhiều lò hạt nhân ở Đông Âu và hàng chục lò phản ứng năng lượng nước VVER hiện nay vẫn vận hành an toàn và rất kinh tế. Hầu hết các tổ máy cũ này đều sử dụng nhiên liệu của tập đoàn Rosatom và hoạt động lâu hơn thời gian ban đầu được cơ quan quản lý cấp phép. Điều đó có nghĩa là có rất ít động lực cho các công ty mới tham gia vào thị trường này để cạnh tranh với nguồn cung của Nga.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ. Westinghouse, sau khi thoát khỏi tình trạng vỡ nợ vào năm 2018, đã ký hợp đồng cung cấp nhiên liệu cho một số lò phản ứng VVER của Ukraine. Nhưng ngay cả khi đó, Kiev cũng vẫn tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung của Rosatom và sẽ không thể đa dạng hóa hoàn toàn khỏi Nga cho đến cuối thập niên này.
Thách thức tương tự cũng đến với cả Bulgaria, Cộng hòa Czech và Phần Lan, nơi việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế dự kiến sẽ mất nhiều năm. Tổng cộng, Nga đáp ứng khoảng 30% nhu cầu uranium đã được làm giàu của Liên minh châu Âu (EU).
Mỹ phụ thuộc mức độ nào?
Thương mại nguyên tử Nga-Mỹ đã tăng lên sau Chiến tranh lạnh theo chương trình được gọi là “Megatons to Megawatts”, chuyển đổi 500 tấn uranium cấp độ vũ khí của Nga thành nhiên liệu phù hợp cho các lò phản ứng của Mỹ. Moscow tiếp tục là nhà cung cấp chính các dịch vụ khai thác, nghiền, chuyển đổi và làm giàu uranium cho các cơ sở sản xuất của Washington.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, năm 2022, Nga đã cung cấp khoảng 1/4 lượng uranium đã làm giàu cho các lò phản ứng điện hạt nhân của Mỹ. Trong đó, tập đoàn Rosatom hiện cung cấp gần như toàn bộ uranium Làm giàu thấp thử nghiệm cao (HALEU) cho Mỹ.
Mỹ làm gì để giảm phụ thuộc?
Tính dễ bị tổn thương về kinh tế ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang thúc đẩy sự hợp tác chưa từng có trong việc khởi động lại chu trình nhiên liệu hạt nhân. Tháng 3 năm nay, Mỹ và Canada đã cam kết cùng nhau xây dựng lại năng lực hạt nhân ở Bắc Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp cũng đã ký một thỏa thuận riêng để phát triển “chuỗi cung ứng chung nhằm cô lập Nga”.
Quốc hội Mỹ đang xem xét các giới hạn trong nước đối với nhập khẩu uranium của Nga và khuyến khích đầu tư để thu hút các nhà cung cấp mới. Đạo luật năng lượng sạch và khí hậu mang tính bước ngoặt của Tổng thống Joe Biden, được thông qua vào năm ngoái, trị giá 700 triệu USD để phát triển nguồn cung cấp nhiên liệu trong nước cho các lò phản ứng tiên tiến. Bộ Năng lượng và Tập đoàn năng lượng Centrus đang thực hiện dự án HALEU.
Các nhà sản xuất nhiên liệu châu Âu, như Urenco Ltd. và Orano SA, cũng đang đầu tư nâng cao công suất, bao gồm cả ở Mỹ, để giúp khách hàng không bị phụ thuộc vào nhà cung cấp Nga. Các nhà quản lý ngành cho rằng sẽ mất khoảng 5 năm để hoàn thành việc xoay trục khỏi Moscow.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, xuất khẩu của tập đoàn Rosatom đã tăng hơn 1/5, đồng thời ký kết các thỏa thuận mới tại các thị trường mới nổi. Hồi tháng 6 năm nay, Rosatom thông báo với khách hàng rằng, trong khi các nước phương Tây sở hữu các bộ phận riêng lẻ của chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân, không một quốc gia nào có thể cạnh tranh với thương hiệu và tầm vóc của Rosatom.
Tuy nhiên, Rosatom cho biết họ “nhận thức được rủi ro” và “sẽ bảo vệ lợi ích của mình”, bằng cách cung cấp cho các quốc gia “các giải pháp tốt nhất đã được thử nghiệm”.
Nhìn chung, với sự đầu tư mạnh, lợi thế về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực hàng đầu thế giới, giàu kinh nghiệm, Nga là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về năng lượng điện hạt nhân. Do đó, trong vòng một thập niên tới, nhiều nước sẽ còn pải phụ thuộc vào xứ sở bạch dương trong lĩnh vực này.