Xét nghiệm chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường (đái tháo đường) là một bệnh gây mất thị lực, thậm chí có thể gây mù. Bệnh ảnh hưởng đến những bệnh nhân đái tháo đường, nhất là những bệnh nhân không kiểm soát tốt đường huyết.
Đa số bệnh nhân không có triệu chứng cho tới khi bệnh đã diễn tiến nặng, không còn cứu vãn được thị lực. Vì vậy, việc tầm soát bệnh võng mạc tiểu đường là rất quan trọng để phát hiện bệnh sớm và bảo vệ mắt trước khi mất thị lực.
Nguyên nhân gây bệnh võng mạc tiểu đường
Khi người mắc tiểu đường không kiểm soát lượng đường máu tốt sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Người bệnh tiểu đường type 1 hay type 2 đều có nguy cơ mắc bệnh. Tỷ lệ bệnh võng mạc tiểu đường thường tăng theo thời gian bị tiểu đường và mức độ kiểm soát bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, bệnh võng mạc tiểu đường dễ xuất hiện nếu người bị tiểu đường kết hợp với: Thai nghén, cao huyết áp, bệnh lý thận, thiếu máu, tăng lipid máu, béo phì, hút thuốc lá.
Triệu chứng bệnh võng mạc tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường ở giai đoạn đầu có thể không có biểu hiện cụ thể, nhưng khi bệnh tiến triển thì bạn có thể gặp một số triệu chứng sau:
- Thấy các đốm hoặc các sợi màu đen trôi nổi (hiện tượng ruồi bay)
- Nhìn mờ.
- Thị lực thay đổi.
- Thấy những vùng trống hoặc tối.
- Mất thị lực.
Bệnh nhân đái tháo đường: Khám mắt ngay khi được chẩn đoán đái tháo đường và theo dõi tái khám ít nhất 1 lần mỗi năm.
Nếu bệnh nhân thấy giảm thị lực đột ngột hoặc thấy chấm đen, nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Xét nghiệm chẩn đoán bệnh võng mạc tiểu đường
Để phát hiện sớm bệnh võng mạc tiểu đường, có 2 xét nghiệm chủ yếu gồm:
- Nhỏ giãn đồng tử soi đáy mắt: Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc làm tròng đen giãn ra để khám thần kinh phía sau mắt (gọi là võng mạc), vùng bị tổn thương do bệnh tiểu đường, nhược điểm là chỉ khám được phần võng mạc nông phía trước chứ không xem sâu hơn được.
- Chụp cắt lớp vi tính đáy mắt: Bác sĩ sẽ chụp hình mắt bằng một máy chụp cắt lớp hiện đại (OCT: Ocular Computerized Tompgraphy) để xem được toàn bộ vùng thần kinh (võng mạc) phía sau mắt, cả vùng nông và vùng sâu.
Đây là một trong những phương pháp hiện đại nhất để phát hiện bệnh võng mạc tiểu đường, có thể phát hiện sớm những biến đổi bệnh lý do bệnh đái tháo đường gây ra mà soi đáy mắt bình thường có thể bị bỏ sót.
Vì vậy, bệnh nhân đái tháo đường nên được chụp cắt lớp vi tính đáy mắt ít nhất một lần mỗi năm, để sớm phát hiện tổn thương mắt do bệnh tiểu đường bằng máy chụp cắt lớp vi tính đáy mắt hiện đại, tránh việc phát hiện quá trễ có thể gây chảy máu mắt, thậm chí gây mù lòa vĩnh viễn.
Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường
Giai đoạn sớm, bệnh nhân cần chủ động kiểm soát đường huyết và huyết áp trong giới hạn bình thường, đồng thời đi khám mắt ít nhất một lần mỗi năm. Nếu có điều kiện nên chụp cắt lớp vi tính đáy mắt để theo dõi diễn tiến bệnh tiểu đường lên mắt, sớm phát hiện các dấu hiệu nặng của bệnh.
Các phương pháp điều trị bệnh võng mạc tiểu đường bao gồm:
- Bắn laser: Dùng tia laser để niêm phong hoặc phá hủy các mạch máu bệnh lý có nguy cơ dễ vỡ gây chảy máu trong mắt, là một phương pháp hiện đại có thể dùng để phòng ngừa chảy máu trong mắt ngay từ giai đoạn sớm. Là một phương pháp rất quan trọng được triển khai ở các bệnh viện có khoa mắt phát triển mạnh và hiện đại.
- Thuốc chống tăng sinh mạch máu: Phương pháp dùng thuốc ngăn ngừa và phòng chống việc sản sinh ra các mạch máu bệnh lý dễ vỡ trong mắt gây ra do bệnh tiểu đường. Thuốc sẽ được chích trực tiếp vào trong mắt ngay khi bác sĩ phát hiện có sự xuất hiện của các mạch máu dễ vỡ do bệnh tiểu đường phát hiện sau khi chụp cắt lớp vi tính đáy mắt.
- Cắt dịch kính: Phẫu thuật lấy khối máu chảy phía sau mắt trong trường hợp chảy máu nhiều do bệnh tiểu đường.
Phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường
Biện pháp phòng ngừa bệnh võng mạc tiểu đường tốt nhất là duy trì việc khám mắt thường xuyên, kiểm soát tốt lượng đường trong máu và huyết áp của bạn, đồng thời điều trị sớm các vấn đề về thị lực có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất thị lực nghiêm trọng.
Nếu mắc tiểu đường, hãy làm giảm nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường bằng những cách sau:
Kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên. Uống thuốc trị tiểu đường hoặc Insulin theo chỉ dẫn.
Theo dõi lượng đường huyết: Một số người bệnh có thể cần phải kiểm tra và ghi lại lượng đường huyết nhiều lần trong ngày, nên tư vấn cùng bác sĩ về số lần cần kiểm tra trong ngày.