Xét nghiệm có chọn lọc để thích ứng an toàn với dịch bệnh

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động

Với ý nghĩa vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tỉnh thay đổi chiến lược xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đối với tất cả các trường hợp người lao động (NLĐ) có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, khó thở… hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan thì xét nghiệm 100% các trường hợp. Đặc biệt, trong chiến lược này, tỉnh không thực hiện xét nghiệm đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin (2 mũi), người đã tiêm 1 mũi ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, nếu có xét nghiệm chỉ khuyến khích, không bắt buộc. Với những NLĐ còn lại thực hiện xét nghiệm định kỳ.

Cụ thể, đối với nhóm lao động có nguy cơ cao như tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty, lễ tân… tại các địa phương có nguy cơ rất cao phải xét nghiệm hàng tuần tối thiểu cho 20% NLĐ; tại các địa phương có nguy cơ cao và có nguy cơ thì xét nghiệm 2 tuần/lần tối thiểu cho 5 - 10% NLĐ. Với người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh như cung cấp suất ăn, thực phẩm, nguyên vật liệu, dịch vụ bảo vệ, vệ sinh… tại các địa phương có nguy cơ rất cao, xét nghiệm hàng tuần cho toàn bộ NLĐ; tại các địa phương có nguy cơ cao và có nguy cơ xét nghiệm 2 tuần/lần cho toàn bộ NLĐ.

Bình Dương khuyến khích người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Trong ảnh: Người dân phường Phú Chánh, TX.Tân Uyên tự test Covid-19 tại nhà. Ảnh: ĐỖ TRỌNG

Với những quy định này, doanh nghiệp (DN), NLĐ phấn khởi, đồng thuận cao. Chị Vũ Thị Hạnh Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty Triệu Phú Lộc, TX.Tân Uyên cho biết: “Tôi cho rằng chiến thuật xét nghiệm của tỉnh trong tình hình mới rất khoa học, linh hoạt, tạo điều kiện cho DN sản xuất, NLĐ làm việc. Nổi bật hơn là tỉnh đã trao quyền cho DN tự tổ chức xét nghiệm cho NLĐ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm”.

Ngoài việc không bắt buộc xét nghiệm đối với NLĐ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, hoặc 1 mũi ít nhất 14 ngày và F0 đã khỏi bệnh thì Bình Dương tạo điều kiện tối đa cho NLĐ đến tỉnh làm việc. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “NLĐ về Bình Dương làm việc nếu chưa được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1 sẽ được ưu tiên tiêm và sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2, bảo đảm đủ điều kiện cho NLĐ trở lại DN làm việc. Ngoài ra, NLĐ cũng sẽ được DN tổ chức test nhanh kháng nguyên”.

Xét nghiệm theo cấp độ dịch

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế cho biết, để chung sống an toàn với dịch bệnh Covid-19, phải đổi mới chiến lược xét nghiệm. Xét nghiệm để tránh bỏ sót, lọt F0 trong cộng đồng. Vì nếu bỏ lọt các ca dương tính trong cộng đồng sẽ hình thành các ổ dịch lây lan nguy hiểm. Theo đó, tỉnh tiến hành 3 giải pháp xét nghiệm gồm: Xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, xét nghiệm tại cơ sở y tế và xét nghiệm trong DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Đối với xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cấp huyện, thị, thành phố xây dựng kế hoạch theo cấp độ dịch của từng địa phương. Trong xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, điều quan trọng là tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đúng đối tượng, đặc biệt rà soát lấy mẫu 100% các đối tượng có các triệu chứng nghi ngờ mắc Covid-19 như ho, sốt, mệt mỏi, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác.

“Đối tượng xét nghiệm sàng lọc cộng đồng được thực hiện ngẫu nhiên, định kỳ cho các địa bàn có nguy cơ cao, tập trung đông người (chợ, siêu thị, bến xe, nhà trọ, chung cư…) và đối tượng có nguy cơ (có biểu hiện sốt ho, khó thở, lái xe, giao hàng, bán vé số, hàng rong…). Không chỉ định xét nghiệm đi lại với người dân, người tiêm đủ 2 liều vắc xin, 1 liều đủ 14 ngày hoặc người đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ. Ở khu vực có cập độ 1 (nguy cơ thấp), địa phương lấy mẫu đại diện 5% hộ gia đình hoặc phòng trọ, chung cư và cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) lấy 10% đại diện với định kỳ 2 tuần/1 lần. Riêng khu vực cấp độ 3, cấp độ 4 (nguy cơ cao và rất cao) lấy đại diện 20% hộ gia đình, khu nhà trọ và 100% đối tượng nguy cơ, tần suất 1 tuần/1 lần”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương cho biết.

Điểm mới trong chiến lược xét nghiệm lần này là phát huy vai trò của người dân với phương châm “Mỗi người dân là chiến sĩ phòng, chống dịch bệnh”, khuyến khích người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo. Người dân phải tự theo dõi sức khỏe bản thân, khi có các biểu hiện liên quan đến Covid-19 phải báo với chủ nhà trọ, Tổ Covid cộng đồng hoặc trạm y tế lưu động để được hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, chiến lược có quy định cụ thể những người dân sinh sống tại các khu nhà trọ, chung cư hoặc đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài lấy mẫu tầm soát định kỳ, ngẫu nhiên tại nơi cư trú còn phải chấp hành lấy mẫu tại nơi làm việc.

Tỉnh tiến hành 3 giải pháp xét nghiệm gồm: Xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, xét nghiệm tại cơ sở y tế và xét nghiệm trong DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Điểm mới trong chiến lược xét nghiệm lần này là phát huy vai trò của người dân với phương châm “Mỗi người dân là chiến sĩ phòng, chống dịch bệnh”, khuyến khích người dân tự lấy mẫu xét nghiệm để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo.

HOÀNG LINH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/xet-nghiem-co-chon-loc-de-thich-ung-an-toan-voi-dich-benh-a259558.html