Xét nghiệm Covid-19 thực hiện thế nào?

Năng lực xét nghiệm của 13 đơn vị đã được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn TP HCM hiện nay là 8.000-9.000 mẫu/ngày

Những ngày gần đây, TP HCM đã triển khai khẩn cấp việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người rời TP Đà Nẵng từ ngày 1-7 đang sinh sống tại TP HCM.

Cần sự hợp tác của người dân

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), thực hiện chỉ đạo của UBND TP, các trung tâm y tế quận - huyện đã thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm cho người dân rời TP Đà Nẵng về TP từ ngày 1-7. Sau khi triển khai các điểm khai báo y tế và lấy mẫu ở các quận - huyện, người dân đến rất đông, không theo lịch hẹn lấy mẫu của y tế địa phương. Nhiều phản ánh cho rằng không biết khi nào mới được xét nghiệm. Còn có trường hợp trong gia đình chỉ có 1 người đi TP Đà Nẵng nhưng cả gia đình kéo tới khai báo y tế để được xét nghiệm. Trái ngược với tình trạng trên là một số người dân lại không khai báo y tế.

Để khắc phục những bất cập này, HCDC đã họp trực tuyến khẩn với 24 trung tâm y tế quận - huyện. Theo đó, trạm y tế sẽ lập danh sách người dân về từ TP Đà Nẵng trên địa bàn phường - xã, thực hiện điều tra dịch tễ, khai báo y tế. Danh sách này sẽ chuyển về trung tâm y tế để lên kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm, lên lịch xét nghiệm rồi hẹn người dân địa điểm, thời gian lấy mẫu.

Ngành y tế TP kêu gọi những người rời TP Đà Nẵng từ ngày 1-7 tự giác thực hiện khai báo y tế, cách ly tại nhà. Điều này rất quan trọng vì sẽ giúp kiểm soát nguồn lây nếu có. Ngành y tế sẽ tập trung lấy mẫu tại các địa điểm được thông báo, không lấy mẫu tại nhà. Sau khi đã có lịch hẹn từ y tế địa phương, khi đi đến nơi lấy mẫu, người dân cần đeo khẩu trang và di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Người dân không nên nghe theo những thông tin không chính xác, dẫn đến tập trung đông đúc về một địa điểm làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

"Đây là hoạt động giám sát nên xét nghiệm mang tính chất đánh giá tình hình dịch bệnh tại TP để có biện pháp xử lý dịch phù hợp. Do đó nếu những ai không rời TP Đà Nẵng từ ngày 1-7 thì không cần thực hiện xét nghiệm trong đợt giám sát này. Cần bình tĩnh, không quá hoang mang, làm theo đúng hướng dẫn của ngành y tế. Nếu chưa cách ly đủ 14 ngày thì dù có kết quả xét nghiệm âm tính, hãy tiếp tục cách ly đủ 14 ngày. Không nên chủ quan mà có thể dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh" - BS Đinh Thị Hải Yến, HCDC, lưu ý.

Nhân viên phòng chống dịch TP HCM đang làm công tác xét nghiệm (Ảnh: HCDC)

Nhân viên phòng chống dịch TP HCM đang làm công tác xét nghiệm (Ảnh: HCDC)

Nên hiểu đúng về xét nghiệm

Theo các chuyên gia, người đi từ vùng dịch về, kết quả xét nghiệm nhanh tìm kháng thể là âm tính nhưng vẫn có thể là người đang nhiễm bệnh, vẫn có khả năng lây nhiễm bệnh cho cộng đồng. Vì vậy, người dân cần hiểu đúng về giá trị của xét nghiệm để tránh gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện nay trên thế giới đang triển khai song song 2 phương pháp xét nghiệm xác định người dương tính với SARS-CoV-2 là xét nghiệm tìm gien virus (phương pháp PCR) và xét nghiệm kháng thể (thường sử dụng để xét nghiệm nhanh).

Phương pháp PCR có độ chính xác cao vì phát hiện trực tiếp gien của virus, nên tại thời điểm dương tính thì bệnh nhân chắc chắn đang có virus SARS-CoV-2 trong người. Tuy nhiên, phương pháp này đòi hỏi các khâu chuyên môn hóa cao, cần có chuyên gia thực hiện với nhiều máy móc phức tạp, thời gian cho kết quả lâu (vài giờ).

Trong khi đó, phương pháp xét nghiệm nhanh tìm kháng thể vận hành đơn giản, người làm xét nghiệm không cần phải được đào tạo chuyên biệt, không cần thiết bị đặc biệt kèm theo. Song phương pháp này có độ nhạy, độ đặc hiệu thấp hơn nhiều so với phương pháp PCR, nên dễ nhầm và bỏ sót.

Phối hợp cả 2 phương pháp xét nghiệm trên sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh, giảm tải áp lực y tế và tập trung nguồn lực vào điều trị những ca thực sự nhiễm SARS-CoV-2.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, cho biết: "Test nhanh là để tìm kháng thể, vốn chỉ xuất hiện trong cơ thể ít nhất 3-7 ngày sau khi thực sự bị bệnh, nhiều trường hợp dù âm tính (chưa có kháng thể) vẫn đã có thể phát tán virus vài ngày rồi. Vì vậy âm tính khi xét nghiệm nhanh thì không được chủ quan".

"Xét nghiệm PCR khi âm tính nghĩa là không có bệnh hoặc mới bệnh nhưng chưa thể lây vì virus này cần có thời gian để nhân lên trong cơ thể thì mới bắt đầu đủ để lây, còn ngay khi lây được là đã cho kết quả dương tính. Vì lý do đó, người âm tính lần 1 sau xét nghiệm PCR mà chưa đủ 14 ngày kể từ khi có yếu tố dịch tễ thì vẫn phải tiếp tục cách ly đủ, xét nghiệm lại sau đó. Tuy nhiên khi âm tính lần 1, chúng ta có thể an tâm dù sau đó có dương tính thì từ lần lấy mẫu đó trở về trước bệnh nhân sẽ chưa kịp lây cho ai cả. Xét nghiệm PCR còn xác định tải lượng virus, giúp đánh giá nguy cơ lây lan bệnh của người đó và nhiều ích lợi khác trong việc điều trị" - BS Khanh giải thích.

Theo Sở Y tế TP HCM, hiện có 13 đơn vị được Bộ Y tế công nhận đủ khả năng xét nghiệm Covid-19: Viện Pasteur TP HCM, HCDC, BV Chợ Rẫy, BV Thống Nhất, BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng Thành phố, Trường ĐH Y Dược TP HCM, BV FV, BV Quân y 175, BV Quân y 7A, Chi cục Thú y vùng 6, Chi cục Thú y vùng 7.

Hơn 35.700 người về từ Đà Nẵng đã khai báo y tế

Việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người rời TP Đà Nẵng từ ngày 1-7 đang sinh sống tại TP HCM sẽ ưu tiên cho người có nguy cơ cao: Tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19; đã đến 3 BV là BV C Đà Nẵng, BV Đà Nẵng, BV Chấn thương chỉnh hình; từng đến nơi được Bộ Y tế công bố (ngoài 3 BV trên và không tiếp xúc gần với bệnh nhân). Đến ngày 3-8, tại TP HCM đã có hơn 35.700 người về từ TP Đà Nẵng đã khai báo y tế.

NGUYỄN THẠNH - ANH THƯ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/xet-nghiem-covid-19-thuc-hien-the-nao-2020080321051899.htm