Xét nguyên nhân vì sao học sinh phải học thêm?
Có 3 nguyên nhân chính khiến học sinh phải học thêm được nhận định. Trong đó, hoàn toàn có thể đưa việc học thêm trở thành phương pháp gia tăng kiến thức cho học sinh.
Cần nói ngay rằng việc dạy thêm, học thêm không phải là "vấn nạn" như nhiều người nghĩ và không hoàn toàn dẫn tới các hệ lụy xấu như dư luận phàn nàn.
Xét về bản chất, học thêm là hoạt động truyền đạt và lĩnh hội kiến thức giữa giáo viên và học sinh, ra đời và tồn tại do quy luật cung cầu là chính. Có thể đúc kết ở bậc trung học phổ thông hiện nay, có 3 nguyên nhân chính khiến học sinh phải học thêm như sau:
Nhu cầu học thêm là có
Nhu cầu của học sinh là có thật, chính đáng, nhất là học sinh cuối cấp. Ở các thành phố lớn, học sinh lớp 9 không tham gia học thêm thì khó có cơ hội nắm vững kiến thức để thi vào những trường công lập tốp đầu. Tương tự, học sinh lớp 12 không học thêm cũng khó trúng tuyển vào những trường đại học có chất lượng.
Đơn cử như hằng năm, Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh đều tổ chức kì khảo sát vào lớp 6. Năm 2022, bài khảo sát gồm 2 phần: Phần trắc nghiệm gồm 20 câu trắc nghiệm (làm trong thời gian 30 phút).
Phần tự luận (làm trong thời gian 60 phút) gồm 3 nội dung: Khảo sát năng lực tiếng Anh (nghe hiểu, đọc hiểu, viết), phần này học sinh làm bài bằng tiếng Anh. Khảo sát năng lực toán học và tư duy logic, phần này học sinh làm bài bằng tiếng Việt. Khảo sát năng lực đọc hiểu và làm văn, phần này thí sinh cũng làm bài bằng tiếng Việt. Các câu hỏi được biên soạn theo hướng kiểm tra năng lực và khả năng vận dụng kiến thức đã học ở bậc tiểu học vào việc giải quyết các tình huống của cuộc sống.
Trong 5 năm gần đây, tỉ lệ "chọi" vào lớp 6 của Trường Trần Đại Nghĩa thường ở mức 1 "chọi" 8. Nếu học sinh không học thêm thì rất khó có thể trúng tuyển vào ngôi trường duy nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh theo hình thức này. Thậm chí, học trò lớp 5 ôn thi vào trường này như luyện thi đại học", - thầy Phan Anh - giáo viên phổ thông trung học tại Thành phố Hồ Chí Minh thông tin.
Chương trình học còn nặng, hàn lâm
Thầy Phan Anh nhận định, học sinh đi học thêm vì chương trình còn nặng, hàn lâm, kể cả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Minh chứng là, Chương trình mới môn Ngữ văn, ở phần văn bản, một số văn bản khá dài và khó đối với học sinh lớp 6. Ví dụ: "Cô bé bán diêm" (An-đéc-xen), "Cửu Long Giang ta ơi" (Nguyên Hồng). Hay bài thơ "Mây và Sóng" (R.Tagore) ở chương trình lớp 9 được đưa xuống cho lớp 6 là không phù hợp vì kiến thức nặng và khó.
"Về phần thực hành tiếng Việt, nhiều bài trong sách giáo khoa không cung cấp nhiều phần lý thuyết (thậm chí không dạy lí thuyết) nhưng yêu cầu học sinh phải thực hành. Ví dụ, bài học biện pháp tu từ so sánh có hai tiết lý thuyết và thực hành. Như vậy, một tiết lý thuyết có 4 đơn vị kiến thức rất là khó để triển khai hết mục đích của hoạt động dạy học.
Cùng với đó, thể loại du ký mới được đưa vào sách giáo khoa cũng khiến học sinh 12 tuổi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nội dung văn bản. Có thể nhận thấy, một tiết học 45 phút, học sinh lớp 6 không tiếp thu hết những phạm vi kiến thức như đã dẫn. Đây cũng là lí do khiến học sinh đi học thêm", thầy Phan Anh phân tích.
Chuyện học thêm là thỏa thuận không hề ép buộc
Ở các thành phố lớn, rất nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con học thêm để có thời gian làm việc. Và thầy cô cũng có thêm một khoản thu nhập chính đáng từ việc dạy thêm bên cạnh đồng lương còn eo hẹp. Như thế, chuyện học thêm ở đây là thỏa thuận giữa phụ huynh và thầy cô, không hề có chuyện ép buộc.
"Tôi tham gia dạy buổi 2 một trường trung học phổ thông công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều năm và thấy rằng, phụ huynh phải đóng học phí buổi 2 cho con em học thêm khá thấp. Mỗi tháng phụ huynh đóng dưới 300.000 đồng theo quy định của ngành giáo dục Thành phố. Nhưng học sinh được học thêm các môn: Toán; Vật lí; Hóa học; Tiếng Anh; Ngữ văn, Sinh học – mỗi môn học 2 tiết/tuần". thầy Phan Anh nêu mặt tích cực của việc học thêm ở trường.
"Học sinh được chính thầy cô mình giảng dạy nên các em gặp khó chỗ nào là được giúp đỡ ngay. Hơn nữa, học sinh được học trong trường với không gian thoáng mát, sạch sẽ, cơ sở vật chất đảm bảo và an toàn. Học sinh học ở các trung tâm có thể sẽ chọn được giáo viên giỏi hơn, nhưng chắc chắn chắc chi phí cho học thêm sẽ cao gấp nhiều lần, trong khi không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế khá giả", một phụ huynh chia sẻ.
Như vậy, nếu giáo viên dạy thêm đúng luật, không vi phạm đạo đức nhà giáo và học sinh tham gia học thêm theo nhu cầu thì không thể cấm được. Ngành Giáo dục xử lí nghiêm tình trạng giáo viên o ép, trù dập nếu học sinh không học thêm thì việc học thêm sẽ ngày càng được chấn chỉnh, nghiêm túc trong mối quan hệ thầy trò, giáo viên và phụ huynh học sinh.