Xét tuyển đại học năm 2023: Điểm chuẩn từ 'thượng vàng' đến 'hạ cám'
Điểm chuẩn học bạ Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2023 có ngành lên tới 30,30 điểm, trong khi nhiều ngành một số trường của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chỉ lấy 500 điểm (thang điểm 1200).
Điểm xét tuyển học bạ lên tới 30,30 điểm
Đến thời điểm này, theo thống kê, đã có tới 81 trường đại học công bố điểm chuẩn xét tuyển học bạ. Có trường lấy mức vượt ngưỡng quá 30 điểm (thang điểm 10) nhưng cũng có trường chỉ lấy 500 điểm (thang điểm 1200).
Theo đó, điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2023 dao động từ 22,43 đến 30,30 điểm. Ngành luật kinh tế tổ hợp A01 lấy điểm chuẩn cao nhất là 30,30 điểm, tổ hợp A00: 29,73 điểm; tổ hợp D01, D02, D03, D05, D06: 29,73 điểm; tổ hợp C00: 29,67 điểm.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng đã công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm 50 mã ngành. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là 29,23 điểm - ngành Công nghệ thông tin. Kế tiếp là ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa 28,94 điểm.
Điểm chuẩn học bạ Trường Đại học Cần Thơ năm nay dao động từ 18-29,25 điểm. Ngành Sư phạm Toán học có điểm chuẩn xét tuyển cao nhất với 29,25 điểm, Sư phạm Hóa học lấy 29,10 điểm, Công nghệ thông tin là 29 điểm.
Trường Đại học Quy Nhơn xét tuyển sớm theo phương thức xét học bạ. Điểm chuẩn cao nhất là 29,25 điểm, đối với ngành sư phạm toán học. Thí sinh trúng tuyển cần đáp ứng điều kiện học lực lớp 12 đạt loại giỏi.
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố kết quả xét tuyển và điểm chuẩn đại học chính quy năm 2023 diện tuyển thẳng và các phương thức tuyển sinh sớm (ưu tiên xét tuyển và xét tuyển thí sinh là học sinh lớp chuyên; xét tuyển sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông và phương thức sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông kết hợp thi đánh giá năng lực chuyên biệt).
Trong đó, ngành Sư phạm Hóa lên tới 29,73 điểm. Các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Vật lí, Sư phạm Tin học đều trên 29 điểm.
Trước đó, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã công bố điểm chuẩn các phương thức xét tuyển sớm 50 mã ngành. Trong đó, ngành có điểm chuẩn cao nhất là ngành Công nghệ thông tin 29,23 điểm, kế tiếp là ngành Công nghệ kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa 28,94 điểm, ngành Khoa học máy tính 28,76 điểm.
Điểm đánh giá năng lực nhiều ngành chỉ từ 500 điểm
Hiện có khoảng 30 trường đại học phía Nam đã công bố điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực năm 2023 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Lần đầu tiên Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) có hai ngành điểm chuẩn ở mức trên 1.000 điểm (tổng điểm bài thi 1.200 điểm).
Tại Khoa Y (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), điểm chuẩn xét kết quả thi đánh giá năng lực từ 641 đến 934 điểm, trong đó ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất. Các ngành còn lại: Răng hàm mặt 902 điểm, Dược học 884 điểm, Y học cổ truyền 780 điểm và Điều dưỡng 641 điểm.
Với các trường ngoài công lập, điểm chuẩn xét kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thấp, thậm chí những ngành "hot" điểm cũng không cao.
Điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) dao động từ 610 đến 910 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Truyền thông đa phương tiện với 910 điểm.
Bên cạnh đó còn có 8 ngành điểm chuẩn từ 800 trở lên, gồm Tâm lý học (855 điểm), Ngôn ngữ Anh (chương trình chuẩn 850, chất lượng cao 830 điểm), Quan hệ quốc tế (chuẩn 840, chất lượng cao 835), Báo chí (chuẩn 835 điểm, chất lượng cao 820 điểm), Ngôn ngữ Trung Quốc (chuẩn: 800 điểm).
Đáng chú ý, tại Trường đại học Nguyễn Tất Thành, ngành Y khoa có điểm chuẩn phương thức này cao nhất cũng chỉ 650 điểm; ngành dược, giáo dục mầm non 570 điểm. Nhiều ngành ở một số trường điểm chuẩn chỉ từ 500.
Điểm chuẩn tuyển sinh "thượng vàng" hay "hạ cám" cũng đều rất đáng lo ngại
Kì tuyển sinh đại học năm 2022 cũng có tình trạng điểm chuẩn tăng chóng mặt, nhiều trường lấy ngưỡng 29, thậm chí vượt 30 điểm. Lý giải về tình trạng điểm chuẩn tăng chóng mặt trong mùa tuyển sinh năm ngoái và năm nay nhiều chuyên gia đã nêu ra 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, do số lượng trường sử dụng phương thức xét học bạ tăng, tác động đến tâm lý giáo viên các trường cấp trung học phổ thông. Thầy cô cố gắng giúp đỡ các em nên có xu hướng nới lỏng, nâng điểm cho học sinh, khiến điểm học bạ tăng.
Thứ hai, các trường đại học có xu hướng xét tuyển theo nhiều phương thức, khiến chỉ tiêu dành cho phương thức này giảm, tạo sự cạnh tranh cao.
Thứ ba, do sự thay đổi quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, yêu cầu các trường và thí sinh đăng kí xét tuyển trên cổng thông tin chung. Như vậy các trường không dám gọi nhập học nhiều hơn chỉ tiêu bình thường. Đây cũng là một trong những tác nhân khiến điểm chuẩn tăng lên".
Điều băn khoăn là, năm 2023 điểm thi đánh giá năng lực ngành Y khoa của Trường đại học Nguyễn Tất Thành lấy mức chỉ 640 điểm (thang điểm 1200) – tức là chỉ ở mức 5,33 nếu quy ra thang điểm 10. Không biết sau khi tốt nghiệp đại học thì các cử nhân ngành sức khỏe sẽ hành nghề như thế nào?
Năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào của nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề trình độ đại học là từ 19,0 đến 22,0 điểm, tùy từng ngành. Theo kế hoạch dự kiến, ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào ngày 20/7/2023.
Có thể nhận thấy, điểm chuẩn tuyển sinh đại học "thượng vàng" hay "hạ cám" cũng đều rất lo ngại. Có lẽ đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm thống kê đánh giá tổng thể, nếu thấy điểm học bạ trong những năm gần đây có sự tăng cao bất thường thì cần có đánh giá, tính toán để có thông tin giúp các trường đại học có cơ sở đưa ra giải pháp phù hợp với hình thức xét tuyển học bạ.