Xét xử án điểm bắt cá bằng xung điện ở U Minh hạ

Hành vi bắt cá bằng xung điện bị cáo buộc hủy hoại nguồn lợi thủy sản, một khi bị truy tố hình sự thường bị tuyên 'kịch khung' để góp phần lan tỏa mức răn đe, giáo dục.

Xét xử lưu động công khai án điểm đầu tiên trên địa bàn huyện U Minh liên quan hành vi “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Xét xử lưu động công khai án điểm đầu tiên trên địa bàn huyện U Minh liên quan hành vi “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Trưa 23/1, sau khoảng 2 giờ đưa ra xét xử công khai, Hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án nhân dân huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) đã tuyên phạt bị cáo Lê Văn Niệm (sinh năm 1990, ngụ xã Khánh Thuận, huyện U Minh) 9 tháng tù giam về tội “hủy hoại nguồn lợi thủy sản” theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 242 của Bộ luật Hình sự.

Bị cáo cùng các bên có liên quan còn bị tuyên tịch thu toàn bộ công cụ phạm tội (bộ kích điện tự chế; máy nổ công suất 2.5Hp, vỏ lãi composite…) để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bị cáo Lê Văn Niệm bị truy tố tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” vì tái phạm hành vi bắt cá bằng xung điện.

Bị cáo Lê Văn Niệm bị truy tố tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” vì tái phạm hành vi bắt cá bằng xung điện.

Vụ án trên được đưa ra xét xử lưu động công khai tại xã Khánh Thuận vào sáng 23/1 cũng là án điểm đầu tiên trên địa bàn huyện U Minh liên quan đến hành vi bắt cá bằng xung điện, gây hủy hoại nguồn lợi thủy sản.

Bị cáo cùng các bên có liên quan còn bị tuyên tịch thu toàn bộ công cụ phạm tội (bộ kích điện tự chế; máy nổ công suất 2.5Hp, vỏ lãi composite…) để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ án trên được đưa ra xét xử lưu động công khai tại xã Khánh Thuận vào sáng 23/1 cũng là án điểm đầu tiên trên địa bàn huyện U Minh liên quan đến hành vi bắt cá bằng xung điện, gây hủy hoại nguồn lợi thủy sản.

Theo cáo trạng, khoảng 20 giờ ngày 8/11/2024, Niệm rủ Lâm Bá Đ. (sinh ngày 30/10/2009, ngụ ấp 1, xã Khánh Thuận) đi xuyệt cá làm thức ăn trong gia đình và nếu có dư nhiều sẽ bán để lấy tiền chia nhau tiêu xài.

Sau đó, Đ. bơi vỏ composite để Niệm rảnh tay sử dụng bộ công cụ xung điện tự chế để bắt cá trên tuyến sông Kênh 20 thuộc ấp 1 (xã Khánh Thuận) và các khu vực lân cận. Đến 2 giờ ngày 9/11, Công an xã Khánh Thuận tuần tra phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện U Minh cho rằng, việc truy tố và đưa vụ án Lê Văn Niệm ra xét xử lưu động thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh chống lại tình trạng khai thác nguồn lợi thủy sản có tính chất hủy diệt nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Cũng theo cơ quan truy tố, hành vi sử dụng xung điện khai thác thủy sản của bị cáo Niệm đã bị nghiêm cấm trong Luật Thủy sản 2007. Hành vi này không những gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái dưới nước mà còn gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác và chính bản thân người sử dụng.

Tuy số lượng thủy sản mà bị cáo bắt được có giá trị không lớn nhưng trước đó bị cáo đã bị Đồn Biên phòng Khánh Tiến (thuộc Bộ đội Biên phòng Cà Mau) xử phạt về cùng hành vi, vẫn chưa được xóa tiền sự nhưng vẫn cố ý tái phạm.

Do vậy, bên truy tố đề nghị Hội đồng xét xử phạt ở mức cao nhất trong khung hành vi về “hủy hoại nguồn lợi thủy sản”, quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 242 của Bộ luật Hình sự (mức từ 6-9 tháng tù).

Hàng loạt biển cấm không được khai thác thủy sản bằng xung điện, kích điện được phổ biến tại các vùng nông thôn Cà Mau.

Hàng loạt biển cấm không được khai thác thủy sản bằng xung điện, kích điện được phổ biến tại các vùng nông thôn Cà Mau.

Đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU, về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong ngăn chặn khai thác nguồn lợi thủy sản có tính hủy diệt trên địa bàn toàn tỉnh, từng bước hướng đến việc “nói không với xung điện, kích điện”, “nói không với khai thác thủy sản có tính hủy diệt”, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản trước nguy cơ ngày càng cạn kiệt.

Sau gần 1 năm thực hiện, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh chủ động giao nộp hơn 1.860 bộ dụng cụ xung điện, kích điện; lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh tịch thu, tiêu hủy gần 580 bộ xung điện, kích điện; xử phạt hành chính gần 700 trường hợp vi phạm có liên quan. Trong số này, có vài trường hợp tái phạm, bị truy tố hình sự và hầu hết đều bị tuyên "kịch khung" trong khung hình phạt về tội “hủy hoại nguồn lợi thủy sản”.

Cà Mau là địa phương đi đầu và có những hành động quyết liệt, kiên quyết trong việc xử lý các hành vi liên quan đến “hủy hoại nguồn lợi thủy sản”. Quan điểm của tỉnh này là xử lý một vài trường hợp điển hình nhằm lan tỏa tính răn đe, giáo dục, để mọi công dân tuân thủ đúng pháp luật.

HỮU TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xet-xu-an-diem-bat-ca-bang-xung-dien-o-u-minh-ha-post857486.html