Xét xử cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ: Đề nghị nào của bị cáo Phùng Anh Lê vừa bị HĐXX không chấp nhận?
Với lý do kiểm sát viên không khách quan, bị cáo Phùng Anh Lê- cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ đã đề nghị HĐXX thay đổi người này. Tuy nhiên, yêu cầu của bị cáo đã không được tòa chấp nhận.
Sáng 12/8, TAND Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Phùng Anh Lê về tội "Nhận hối lộ". Mặc dù trời mưa nặng hạt nhưng cũng có rất đông người nhà của các bị cáo túc trực từ sáng sớm trước cổng tòa. An ninh phiên tòa được thắt chặt, chỉ những người có giấy triệu tập mới được vào khu vực xét xử.
Các bị cáo Nguyễn Đức Châu (SN 1973, cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự); Vũ Công Ngọc (SN 1980, cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự) và Lê Đình Trung (SN 1977, cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) bị xét xử về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù".
Được biết, có 7 luật sư đăng ký bào chữa cho bị cáo Phùng Anh Lê; 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Châu. Trong phiên tòa này, HĐXX triệu tập hai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 12 người làm chứng. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày, kể cả ngày nghỉ.
Hội đồng xét xử gồm 3 người (một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân), do thẩm phán Trần Nam Hà (Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND Hà Nội) làm chủ tọa. Hai kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và một kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa.
Trong phần thủ tục, Phùng Anh Lê đề nghị thay đổi kiểm sát viên với lý do trong quá trình điều tra bị cáo bị đe dọa, mớm cung. Luật sư bào chữa cho bị cáo Lê cũng đề nghị HĐXX hoãn phiên xét xử vì hai người làm chứng là chú họ của ông Lê và vợ của người được tha trái pháp luật vắng mặt. Luật sư cho rằng, đây là hai nhân chứng quan trọng nên cần thiết phải được triệu tập đến tòa.
Tuy nhiên, sau khi hội ý, HĐXX nhận định, các lý do bị cáo Lê và luật sư đưa ra là không có căn cứ nên tiếp tục xét xử. Việc các nhân chứng vắng mặt tại phiên xử nhưng đã có lời khai trong giai đoạn điều tra, nếu cần thiết tòa sẽ áp giải đến.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, ngày 19/9/2016, anh N.C.T (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Công an phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) tố cáo bị một nhóm người bắt giữ trái pháp luật. Sau đó, Nguyễn Hữu Tài cùng một số đồng phạm ra đầu thú do liên quan đến sự việc trình báo của anh T. Quá trình điều tra, Công an quận Tây Hồ tạm giữ Tài 4 ngày.
Sau khi Tài bị tạm giữ, người thân của Tài đã tìm gặp ông Phùng Văn B (chú họ của bị cáo Phùng Anh Lê) để nhờ giúp đỡ. Ông B đã đặt vấn đề và được Phùng Anh Lê đồng ý cho Tài ra về với điều kiện gia đình nghi phạm phải đưa cho Lê 110 triệu đồng.
Nhận được tiền, Phùng Anh Lê chỉ đạo thuộc cấp cho Tài về nhà. Hôm sau, Tài và anh T được gọi lên trụ sở Công an quận Tây Hồ để hòa giải.
Cáo trạng nhận định, bị cáo Phùng Anh Lê khi còn đương chức biết rõ Nguyễn Hữu Tài đang bị tạm giữ để phục vụ quá trình xác minh thông tin tội phạm. Tuy nhiên, khi nghe ông B đặt vấn đề, Lê đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, yêu cầu đưa 110 triệu đồng rồi chỉ đạo thuộc cấp thả người.
Quá trình điều tra, cựu Đại tá Phùng Anh Lê bị xác định là không thành khẩn khai báo, ngoan cố chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới. Bị cáo Lê cũng không thừa nhận việc nhận 110 triệu đồng. Dù vậy, trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu đã được thu thập, có đủ căn cứ khẳng định bị can này lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác chủ động gợi ý nhận hối lộ số tiền 110 triệu đồng và trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện thả người trái pháp luật đối với Nguyễn Hữu Tài.
Cơ quan tố tụng xác định, các bị can Châu, Ngọc, Trung thực hiện hành vi trái pháp luật theo chỉ đạo của ông Lê nhưng không biết động cơ, mục đích của cựu Trưởng Công an quận và không được hưởng lợi từ số tiền 110 triệu đồng đã nhận của Nguyễn Hữu Tài hối lộ.