Xét xử đại án liên quan ông Trần Bắc Hà: Nhiều sai phạm trong giải ngân, quản lý vốn vay

Ngoài khoản vay của Công ty Bình Hà, khoản vay của Công ty Trung Dũng gây thiệt hại 865 tỷ đồng.

Các bị can Đoàn Ánh Sáng, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam

Các bị can Đoàn Ánh Sáng, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam

Các bị can Đoàn Ánh Sáng, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam

Các bị can Đoàn Ánh Sáng, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam

Công ty Trung Dũng thành lập năm 2000, do Đoàn Hồng Dũng làm Giám đốc, chủ yếu kinh doanh buôn bán tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng, đại lý mua bán, ký gửi hàng hóa.

Từ năm 2007 đến 2011, BIDV – chi nhánh Hà Thành đã cấp tín dụng cho Công ty Trung Dũng dưới 3 hình thức: bảo lãnh phát hành, bảo lãnh thanh toán trái phiếu để đầu tư vào CTCP Gang thép Thái Nguyên (Công ty Tisco), cho vay ngắn hạn theo hạn mức, cấp tín dụng qua L/C.

Quá trình thẩm định, đánh giá tình hình tài chính, BIDV nhận thấy Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV... Tuy nhiên, tháng 8/2011, các bị cáo Ngô Duy Chính – nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Thành , Nguyễn Xuân Giáp – nguyên Phó giám đốc chi nhánh Hà Thành vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Ngô Duy Chính thừa nhận có sai phạm, có trách nhiệm trong việc BIDV mất vốn. Bị cáo khai thực hiện theo chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà và tin tưởng vào cấp dưới.

Bị cáo Nguyễn Xuân Giáp khai chịu áp lực thực hiện theo chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà vì ông Hà buộc Giám đốc chi nhánh điều chuyển công tác của các phó giám đốc.

Chi nhánh Hà Thành đã giải ngân 26 khoản cho Công ty Trung Dũng, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.

Đối với tất cả 26 khoản vay trên, các bị cáo đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép, dẫn đến dư nợ lớn, gây thiệt hại cho BIDV 865 tỷ đồng.

Lợi nhuận giảm vẫn đánh giá hoạt động hiệu quả

Báo cáo tài chính kiểm toán của Công ty Trung Dũng có thể hiện lợi nhuận sau thuế năm 2008 là hơn 13 tỷ đồng, năm 2009 là hơn 10 đồng, năm 2010 là 3,3 tỷ đồng.

Vốn đầu tư vào kinh doanh của Công ty Trung Dũng ngày một tăng cao, hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và chiếm dụng, nhưng chi nhánh Hà Thành vẫn đánh giá doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đề xuất cấp hạn mức tín dụng 700 tỷ đồng khi khách hàng không đủ tỷ lệ tài sản bảo đảm theo chính sách tín dụng của BIDV.

Cụ thể, tại thời điểm đề nghị cấp hạn mức, giá trị tài sản bảo đảm của Công ty Trung Dũng chỉ đạt 23% trên hạn mức đề nghị cấp 700 tỷ đồng, không đáp ứng tỷ lệ tài sản bảo đảm tối thiểu theo quy định của BIDV.

Tại thời điểm đề xuất phát hành L/C, Công ty Trung Dũng gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ tín dụng tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 8/2011, không bổ sung được tài sản bảo đảm, các chỉ tiêu tài chính càng ngày càng xấu nhưng Chi nhánh vẫn đánh giá Công ty Trung Dũng có khả năng tài chính để trả nợ khi đến hạn, đề xuất phát hành L/C là thiếu cơ sở.

Cơ quan công tố nhận định, quá trình cho vay theo hạn mức, phát hành L/C, BIDV đã có nhiều sai phạm trong việc giải ngân, quản lý vốn vay.

Chi nhánh Hà Thành đã giải ngân cho khách hàng vay khi khách hàng không đủ điều kiện cho vay (không đủ tỷ lệ tài sản bảo đảm trên dư nợ thực tế), vi phạm điều kiện tín dụng được BIDV phê duyệt.

Tại thời điểm giải ngân các khoản vay cụ thể, Công ty Trung Dũng không bổ sung tài sản bảo đảm để đạt tỷ lệ 50%/dư nợ theo quy định về chính sách tín dụng của BIDV. Sau khi giải ngân cho vay, BIDV chi nhánh Hà Thành không có biện pháp kiểm soát dòng tiền của khách hàng nên không thu nợ đúng hạn, dẫn đến dư nợ như hiện nay.

Đối với khoản phát hành L/C theo món, chi nhánh Hà Thành không thực hiện đúng các điều kiện tín dụng đã được BIDV phê duyệt, không kiểm tra, giám sát hàng hóa để Công ty Trung Dũng tự ý bán tài sản mà không biết; không quản lý các khách hàng có liên quan và không quản lý được dòng tiền về tài khoản để thu nợ.

Hội sở BIDV đã yêu cầu chi nhánh Hà Thành thực hiện nhiều điều kiện tín dụng chặt chẽ để đảm bảo tính an toàn đối với các khoản vay, nhưng chi nhánh Hà Thành đã không thực hiện đúng các điều kiện tín dụng mà Hội sở yêu cầu, dẫn đến hậu quả làm mất vốn của BIDV.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/xet-xu-dai-an-lien-quan-ong-tran-bac-ha-nhieu-sai-pham-trong-giai-ngan-quan-ly-von-vay-post253516.html