Xét xử 'đại án' Việt Á: Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thừa nhận sai phạm

Sáng 4/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử 38 bị cáo trong vụ án liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Tại phiên tòa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã thừa nhận cáo trạng truy tố ông là xác đáng.

Theo cáo buộc, ông Phạm Xuân Thăng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn là người đứng đầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ra chủ trương và can thiệp, chỉ đạo trái pháp luật đến các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, giúp cho Công ty Việt Á được độc quyền cung cấp sau đó mở rộng phạm vi, tăng công suất xét nghiệm để tiêu thụ được nhiều test xét nghiệm và vật tư, sinh phẩm y tế khác trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng tại Tòa.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng tại Tòa.

Quá trình Công ty Việt Á và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương thông đồng hợp thức thủ tục, hồ sơ đấu thầu để thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, bị cáo Phạm Xuân Thăng tiếp tục chỉ đạo ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký quyết định phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, làm căn cứ để CDC thanh toán tiền đợt 3 cho Công ty Việt Á.

Hành vi của ông Thăng đã tạo điều kiện cho Công ty Việt Á thu lời bất chính, gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 73 tỷ đồng.

Quá trình can thiệp, chỉ đạo trái pháp luật giúp Công ty Việt Á, bị cáo Phạm Xuân Thăng được Phan Quốc Việt đưa "cảm ơn" số tiền 100.000 USD; Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương đưa cảm ơn 600 triệu đồng và 50.000 USD từ nguồn tiền Công ty Việt Á chi % ngoài hợp đồng. Tổng số tiền ông Phạm Xuân Thăng đã nhận là hơn 4 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn tại Tòa, bị cáo Phạm Xuân Thăng khai được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy vào tháng 10/2020, khi Hải Dương bùng phát 2 đợt dịch. Khi Hải Dương bùng phát dịch đợt 3, ông đang tham dự Đại hội Đảng ở Hà Nội. Tại đây, ông Thăng được ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) gặp, bảo để Việt Á về chống dịch tại Hải Dương nên đồng ý.

Theo lời khai của cựu Bí thư Hải Dương, ông hoàn toàn không có tác động gì với các cơ quan tham mưu, chỉ trao đổi lại với bị cáo Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương) về việc ông Long trao đổi. Khi đó, ông Cường nói “như vậy thì tốt quá”.

Về việc tại sao Phan Quốc Việt được tham dự cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy, bị cáo Thăng khai mình không nhớ cơ quan hay cá nhân nào tham mưu mời Việt tham gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh chống dịch cấp bách, có thể mời các bên liên quan để tham khảo ý kiến.

"Khi đó công tác phòng chống dịch cấp bách, Việt Á được các cơ quan chuyên môn đề xuất, đồng thời có một người đứng đầu Bộ Y tế, có chuyên môn cao giới thiệu nên tôi tin tưởng”, bị cáo Thăng cho biết.

Bị cáo Phạm Xuân Thăng khai nhận 100.000 USD trực tiếp từ Phan Quốc Việt vào thời điểm sau Tết Nguyên đán 2021. Ngoài ra, bị cáo còn nhận 3 lần tiền của Phạm Duy Tuyến. Trong đó, 2 lẫn mỗi lần 300 triệu đồng, 1 lần 50.000 USD. Số tiền đã nhận bị cáo sử dụng vào chi tiêu cá nhân.

Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến.

Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến.

Cùng với cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, tại phiên tòa cựu Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến thừa nhận việc được Công ty Việt Á chuyển 3 lần tiền, tổng số 27 tỷ đồng. Tiền nhận từ Việt Á được chuyển vào tài khoản cá nhân vì nếu tiền vào tài khoản Nhà nước phải báo cáo giải ngân, không rút ra được.

Bị cáo Tuyến khai, sau khi cầm tiền của Việt Á, bị cáo đã đưa ông Phạm Xuân Thăng (khi đó là Bí thư tỉnh Hải Dương) 2 lần, mỗi lần 300 triệu đồng và lần thứ 3 là 50.000 USD; đưa cho bị cáo Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) 6 lần, tổng cộng 7 tỷ đồng.

Bị cáo cũng đưa cho cán bộ, nhân viên CDC Hải Dương khoảng 1,8 tỷ đồng. Số tiền còn lại khoảng 16,5 tỷ đồng, bị cáo sử dụng tiêu dùng cá nhân.

Theo trình bày của bị cáo Tuyến, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở Hải Dương, Bộ Y tế cử 4 đơn vị y tế uy tín về địa phương này để chống dịch. Tuy nhiên, 4 đoàn công tác đã không đáp ứng đươc yêu cầu chống dịch tại Hải Dương lúc bấy giờ. Sau đó, theo chỉ đạo của cấp trên, Công ty Việt Á được đề xuất đưa về để hỗ trợ chống dịch.

"Trong các cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Hải Dương có chỉ đạo đưa Công ty Việt Á về. Theo chỉ đạo từ Tỉnh ủy là Bí thư chỉ đạo, sau đó là Ban Thường vụ Tỉnh ủy", bị cáo Tuyến khai.

Tuyến cũng khai bản thân là người ký 4 hợp đồng với Việt Á, tổng số tiền hơn 147 tỷ đồng. Bị cáo là người chuyển tiền thanh toán cho Công ty Việt Á.

Sau khi quyết toán lần 1, bị cáo không nhận được gì từ Việt Á. Tuy nhiên, sau khi quyết toán lần 2 và 3, Việt Á đề nghị trích % chia sẻ lợi nhuận cho CDC Hải Dương và những người trực tiếp chống dịch.

"Việt Á nói chia sẻ lợi nhuận nên bị cáo nghĩ tiền này không vi phạm pháp luật, sau khi bị bắt mới nhận thấy là vi phạm pháp luật", cựu Giám đốc CDC Hải Dương lý giải.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/xet-xu-dai-an-viet-a-cuu-bi-thu-tinh-uy-hai-duong-thua-nhan-sai-pham-164716.html