Xét xử đối tượng lừa đảo chạy dự án chiếm đoạt hàng tỷ đồng
Là lao động tự do nhưng Chu Thịnh Vượng đã đưa ra nhiều thông tin gian dối về việc mình có khả năng giải quyết việc trúng thầu, thi công các dự án để chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều người.
Ngày 12/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Chu Thịnh Vượng (sinh năm 1968; ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, Vượng là lao động tự do, không có chức năng, nhiệm vụ giải quyết việc trúng thầu, thi công các dự án. Tuy nhiên, từ năm 2018 - 2019, Vượng đưa ra nhiều thông tin gian dối, như: Giới thiệu bản thân có quen biết lãnh đạo các cơ quan, có khả năng giúp doanh nghiệp trúng thầu dự án của Bộ Quốc phòng, dự án xây dựng bệnh viện…
Đầu năm 2018, bà B, khi đó là Phó Tổng Giám đốc một công ty, quen biết Vượng. Khi nói chuyện, Vượng tự giới thiệu là cán bộ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), có nhiều mối quan hệ trong ngành Công an, Quân đội.
Ít lâu sau, bà B biết thông tin Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng) được phê duyệt làm Chủ đầu tư Dự án “San lấp khu vực còn lại thuộc khu đất xây dựng Nhà máy đóng tàu Ba Son mới”, tổng mức đầu tư của dự án khoảng 300 tỷ đồng. Nhận thấy công ty mình có năng lực thi công dự án trên nên bà B đã nhờ Vượng cho mình được gặp các lãnh đạo Bộ Quốc Phòng để xin dự thầu thi công dự án này.
Vượng nhận lời và nói Vượng có quan hệ với một người đàn ông là anh trai của nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, có thể xin cho bà B trúng thầu dự án. Vượng yêu cầu bà B chuẩn bị trước 2 tỷ đồng. Do không có sẵn tiền, phía bà B đã hỏi vay doanh nghiệp khác 80.000 USD. Sau khi nhận tiền, Vượng cất lên ô tô của mình và bảo bà B đi theo Vượng đến khu vực cổng Bộ Quốc phòng.
Do xe của bà B không được cảnh vệ cho vào, Vượng bảo hai người họ đợi ở bên ngoài. Sau đó, Vượng đi qua cổng, vào phía trong trụ sở Bộ Quốc phòng.
Đến khoảng 18h cùng ngày, bà B không thấy Vượng đi ra nên đã gọi điện cho Vượng. Qua điện thoại, Vượng nói đã đến Bộ Công an để tiếp khách, bảo bà B về nhà đợi. Sau đó, bà B nhiều lần liên hệ với Vượng thì bị Vượng lấy lý do đang liên hệ với các lãnh đạo, bảo tiếp tục chờ.
Từ ngày 29/1/2018 đến ngày 31/10/2018, bà B nhiều lần gọi điện cho Vượng để hỏi về việc trúng thầu dự án nhưng Vượng lấy nhiều lý do khác nhau để trì hoãn. Bà B yêu cầu Vượng trả lại tiền nhưng Vượng không trả. Đến ngày 31/10/2018, bà B đã làm đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Chu Thịnh Vượng.
Quá trình điều tra, Vượng thừa nhận quen biết bà B nhưng không thừa nhận hành vi trên. Vượng khai, chiều 29/1/2018 có gặp bà B và nhận túi quà, nhưng không phải là 80.000 USD.
Ngoài hành vi trên, Vượng còn chiếm đoạt 80.000 USD và hơn 1,4 tỷ đồng của ông N.V.T (ở tỉnh Vĩnh Phúc). Tương tự, khi gặp ông T, Vượng giới thiệu bản thân có khả năng “chạy” các dự án, trong đó có dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Nếu ông T đồng ý, Vượng sẽ xin cho ông T được tham gia gói thầu san lấp mặt bằng dự án với điều kiện “lót tay” 80.000 USD. Tin tưởng Vượng, ông T đã giao số tiền trên.
Ngày 22/1/2019, Vượng yêu cầu ông T đưa thêm 250 triệu đồng để làm thủ tục nhanh. Gần 1 tháng sau, Vượng liên hệ, nói đã xin được dự án cải tạo, sửa chữa Quốc lộ 2C, ông T đưa thêm cho Vượng 1,2 tỷ đồng. Việc giao nhận tiền không có giấy tờ biên nhận.
Sau khi đưa tiền, ông T thấy không trúng thầu. Khi tìm hiểu, ông T mới vỡ lẽ là Vượng không phải là cán bộ Bộ Tài chính. Ông T đòi lại tiền nhưng Vượng đều trì hoãn, khất lần.
Bị đưa ra tòa xét xử, bị cáo khai nhận hành vi của mình. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Chu Thịnh Vượng mức án 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.