Xét xử đường dây làm chứng chỉ nghề giả

Ngày 3-3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Vũ Tiến Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội 5 năm tù về tội 'Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ'.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Cùng tội danh trên, Lê Thị Nhạn, nguyên cán bộ Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội bị tuyên phạt 4 năm tù; Mai Hiền Quế bị xử phạt 3 năm tù và Phạm Thị Thanh Phương, cùng trú ở tỉnh Hà Nam, bị xử phạt 2 năm tù.

Theo Tòa án nhân dân thành phố, Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội được thành lập năm 2004 với cơ chế hạch toán độc lập và được Sở Lao động - Thương binh và xã hội Hà Nội cấp phép hoạt động đào tạo nghề từ năm 2008. Theo chức năng, nhiệm vụ, trường được tổ chức đào tạo, thi, kiểm tra và cấp các loại chứng chỉ sơ cấp nghề như: Vận hành máy xây dựng, vận hành máy đóng cọc, kỹ thuật xây dựng, kế toán doanh nghiệp... Tháng 8-2010, trường không còn được phép hoạt động, do không thực hiện một số quy định trong đào tạo nghề. Tuy nhiên, Vũ Tiến Hiệp vẫn tiếp tục được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức Hiệu trưởng, kéo dài đến năm 2015.

Từ cuối năm 2010, Hiệp chỉ đạo Lê Thị Nhạn đưa ra các thông tin là Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Mỗi chứng chỉ như vậy, Hiệp và Nhạn thu 300.000 - 500.000 đồng. Ngoài chứng chỉ sơ cấp nghề ký khống đem bán, hai người này còn làm và bán cả chứng chỉ nâng bậc thợ với giá 50.000 đồng/chiếc. Chưa dừng lại, Hiệp, Nhạn còn câu kết với Mai Hiền Quế và Phạm Thị Phương Thanh để gia tăng lượng khách hàng mua chứng chỉ nghề.

Kết quả điều tra đã chứng minh, từ năm 2015, biết Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng Hà Nội làm và bán chứng chỉ mà không cần qua đào tạo, sát hạch, Quế và Thanh đã sử dụng tài khoản mạng xã hội để quảng cáo, rao bán chứng chỉ nghề. Mỗi chứng chỉ bán cho khách, Quế, Thanh thu từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. Thậm chí, khi có việc vướng bận không thể đi lại được, các đối tượng này còn huy động cả người thân giao dịch giúp.

Từ năm 2011 đến tháng 7-2017, Vũ Tiến Hiệp và Lê Thị Nhạn đã ký hợp đồng dịch vụ đào tạo đối với 27 công ty, doanh nghiệp và cấp cho 857 trường hợp, bán cho 127 người các chứng chỉ sơ cấp nghề, thu về tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng.

Với vai trò trung gian, Mai Hiền Quế và Phạm Thị Phương Thanh cũng đã bán chứng chỉ sơ cấp nghề cho 30-40 người, tương ứng với số tiền lên đến 35 triệu đồng, thu lợi bất chính hơn 10 triệu đồng.

Chu Dũng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phap-dinh/960040/xet-xu-duong-day-lam-chung-chi-nghe-gia