Xét xử kỳ án 'từ người tố giác biến thành... bị cáo' tại Hậu Giang': Tòa yêu cầu điều tra làm rõ bốn điểm mấu chốt

Sau phần tranh tụng, đối đáp kéo dài, đến 18 giờ ngày 1/6/2020, HĐXX thấy rằng cần trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ các tình tiết vụ án trước khi mở lại phiên tòa xét xử.

HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung

HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung

Vụ án hy hữu liên quan đến ông Nguyễn Hữu Thảo (nguyên Quyền phó giám đốc Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, Chi nhánh tỉnh Hậu Giang, gọi tắt là Nguyễn Kim Hậu Giang) bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản” từng được Công lý & Xã hội phản ánh. Hồ sơ thể hiện từ tháng 2 đến tháng 9/2018, ông Thảo bán hàng cho ông Đỗ Tuấn Phong (nguyên Trưởng phòng kinh doanh Nguyễn Kim, Chi nhánh tỉnh Kiên Giang). Do ông Phong chiếm hơn 2 tỷ đồng tiền hàng nên bị ông Thảo tố giác.

Ông Phong lập cam kết thanh toán công nợ nhưng đến ngày 12/12/2018, Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố, bắt Phong về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ông Nguyễn Hữu Thảo kiến nghị Công an tỉnh Hậu Giang phối hợp Công an tỉnh Kiên Giang làm rõ, thu hồi số tiền Phong đã cam kết thanh toán. Đến ngày 1/2/2019, “người tố giác” Nguyễn Hữu Thảo bất ngờ bị Công an tỉnh Hậu Giang khởi tố, bắt tạm giam về tội “Tham ô tài sản”. Gia đình ông Thảo kêu oan khắp nơi.

Ngày 1/6/2020, TAND tỉnh Hậu Giang mở phiên tòa xét xử kỳ án này. Cáo trạng xác định từ tháng 8 đến tháng 9/2018, ông Thảo chỉ đạo nhân viên bán 184 sản phẩm không đúng quy định gồm: Chỉ đạo ông Hoàng Văn Hải, Trưởng phòng kho vận xuất 135 sản phẩm bán cho Đỗ Tuấn Phong trị giá 1,628 tỷ đồng để ngoài sổ sách kế toán. Để hợp thức số hàng bán cho Phong, ngày 13/9/2018, ông Thảo chỉ đạo Trưởng phòng kinh doanh Khuê Khúc Tam Kỳ, nhân viên kế toán Phạm Văn Thành, lập hợp đồng mua bán “khống” hàng hóa trị giá hơn 1,67 tỷ đồng với Công ty Phú Thạnh (trụ sở tại TP. Vị Thanh).

Ông Thảo chỉ đạo ông Hải xuất 49 máy lạnh bán cho ông Trần Chiến Thắng và bà Trần Thị Loan (cùng ngụ TP.HCM) với giá 430,4 triệu đồng, nhưng không nộp lại cho Nguyễn Kim, chiếm đoạt sử dụng cá nhân. Từ đó, Cáo trạng quy kết ông Thảo về hai tội: “Tham ô tài sản” đối với khoản 430,4 triệu đồng; “Vi phạm quy định về kế toán” đối với khoản 1,628 tỷ đồng còn lại.

Tại tòa, bị cáo Thảo liên tục kêu oan về hai tội danh VKS quy kết. Về hành vi tham ô, ông Thảo khẳng định bản thân không “tư túi”, không vụ lợi cá nhân, điều này thể hiện rõ trên hồ sơ về “đường đi” các khoản tiền trong vụ án.

Về hành vi vi phạm kế toán, ông Thảo thừa nhận việc bán hàng chưa tuân thủ theo quy định của Công ty Nguyễn Kim nhưng chỉ là vi phạm về hành chính. Mục đích việc bán hàng là nhằm hoàn thành chỉ tiêu doanh số cũng như duy trì sự tồn tại và phát triển của Nguyễn Kim Hậu Giang. Thời điểm ông Thảo tiếp quản, Chi nhánh mới được thành lập với gần 60 nhân viên. Việc bán hàng như cáo trạng nêu, các nhân viên đều biết, đồng tình. Số lượng hàng bán được, ông Thảo giao Phòng kinh doanh chia đều cho nhân viên bán hàng để được hưởng năng suất (tiền thưởng) từ 0,4 - 0,9%/sản phẩm.

Sau sự cố ông Phong mua hàng rồi không thanh toán tiền, cả 7 nhân viên của trung tâm đều thừa nhận và chịu trách nhiệm về khoản nợ 2,058 tỷ đồng. Trong đó, ông Thảo chịu 72%; Hoàng Văn Hải chịu 10%; Khuê Khúc Tam Kỳ và Phạm Văn Thành mỗi người chịu 5%...

Nhiều tình tiết quan trọng chưa được cáo trạng đề cập hoặc làm rõ, đơn cử việc quy kết bị cáo bán 49 sản phẩm cho ông Thắng, bà Loan, ông Thảo khai rõ: Ông không bán và cũng không biết ông Thắng, bà Loan là ai. Ông chỉ bán hàng cho ông Châu Đức Thanh (ngụ Quận 10, TP.HCM).

Đối khoản tiền 430,4 triệu đồng cáo trạng quy kết bị cáo “chiếm đoạt của Công ty để sử dụng cá nhân”, trên thực tế, bà Lưu Thị Ngọc Nguyên (kế toán Nguyễn Kim Hậu Giang) đã quyết toán vào công nợ cuối tháng 8/2018 cho các sản phẩm xuất bán cho của Phong nhưng chưa trả tiền. Bà Nguyên đã lập danh sách chi tiết cùng các chứng từ thu tiền theo dõi, thể hiện rõ trong hồ sơ. Điều đó cho thấy cáo trạng có nhiều thiếu sót nghiêm trọng.

Trong phần luận tội, kiểm sát viên Phạm Chi Lăng đề nghị phạt ông Thảo 23 năm tù cho cả 2 tội danh bị quy kết. Các luật sư Phan Văn Bé, Trần Hải Đức và Nguyễn Minh Tường bào chữa cho bị cáo Thảo nêu nhiều luận cứ pháp lý xác định việc quy kết bị cáo phạm hai tội đều thiếu căn cứ, có dấu hiệu oan sai. Mặt khác, nếu quy ông Thảo như truy tố sẽ đặt ra vấn đề bỏ lọt tội phạm đối với ông Hoàng Văn Hải và nhiều nhân viên khác… Việc Công ty Nguyễn Kim có đơn “xin không xử lý trách nhiệm hình sự” một số nhân viên và được Cơ quan điều tra cho “toại nguyện” là rất bất thường.

Ngoài ra, các luật sư nêu ra nhiều mâu thuẫn, thiếu sót trong hồ sơ, đề nghị kiểm sát viên Phạm Chi Lăng đối đáp để làm rõ. Tuy nhiên, kiểm sát viên tranh luận lúng túng, thậm chí có một số vấn đề không tranh luận lại. Từ đó, các luật sư kiến nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Các Luật sư trao đổi với bị cáo tại phiên tòa

Các Luật sư trao đổi với bị cáo tại phiên tòa

Sau khi nghị án, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Hậu Giang điều tra bổ sung bốn vấn đề mâu chốt lộ ra qua tranh tụng công khai:

Thứ nhất, làm rõ trách nhiệm của ông Hoàng Văn Hải trong vụ án để làm căn cứ xác định Hải có đồng phạm với ông Thảo hay không ?

Thứ hai, tại phiên tòa, ông Thảo khai nhận số tiền 430,4 triệu đồng bán hàng, bị cáo đã nhận đủ. Do công nợ cuối tháng 8/2018 đã quá hạn nên bị cáo thống nhất với kế toán sử dụng toàn bộ số tiền này trả trước cho các đơn hàng xuất bán cho Đỗ Tuấn Phong. Kế toán cũng thừa nhận có nhận tiền của Thảo để quyết toán công nợ cho Nguyễn Kim Hậu Giang nhưng không xác định được cụ thể là công nợ nào. Do đó, cần điều tra làm rõ để xác định ý thức và hành vi chiếm đoạt tài sản của bị cáo đối với 430,4 triệu đồng để truy tố tội “Tham ô tài sản”.

Thứ ba, tại phiên tòa bị cáo Thảo cho rằng không xuất bán hàng cho bà Thắng, bà Loan, chỉ giao dịch với ông Châu Đức Thanh. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa làm rõ, do đó cần đưa Châu Đức Thanh vào tham gia tố tụng để làm rõ Thảo xuất bán hàng 430 triệu đồng cho ai cũng như vai trò của đối tượng đó trong vụ án.

Thứ tư, kết luận giám định ngày 13/1/2020 số tiền 2,05 tỷ đồng không nằm trong hệ thống sổ sách của Nguyễn Kim Hậu Giang; cần giám định bổ sung làm rõ hệ thống sổ sách này có phải là sổ kế toán theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 221, BLHS 2015 hay không, để làm căn cứ kết luận hành vi phạm tội của bị cáo.

Việc trả hồ sơ là quyết định cần thiết nhằm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, tránh việc làm oan, đồng thời không bỏ lọt hành vi phạm tội.

An Dương

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/toa-an/xet-xu-ky-an-tu-nguoi-to-giac-bien-thanh-bi-cao-tai-hau-giang-toa-yeu-cau-dieu-tra-lam-ro-bon-diem-mau-chot-46422.html