Xét xử nhóm cho vay nặng lãi: Thu hồi nợ bằng cách chửi bới, cắt ghép ảnh

Ngày 26-8, tiếp tục phiên xét xử 135 bị cáo trong vụ án cho vay lãi nặng xuyên quốc gia với mức lãi suất lên tới 2.190%/năm và đòi nợ kiểu xã hội đen, hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo để làm rõ động cơ phạm tội.

Như Báo SGGP đã thông tin, tháng 10-2017, Li Zhao Qiang (người Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam và tạo lập các ứng dụng có tên "Cash Vn", "Vaynhanhpro"… với máy chủ đặt tại Hồng Công. Các ứng dụng trên được tạo ra với mục đích cho khách là người Việt Nam vay tiền, lãi suất từ 43.000 đồng đến 60.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.

Đường dây cho vay này hoạt động chủ yếu ở Hà Nội, sau này mở rộng ra các tỉnh lân cận. Để tổ chức hoạt động, Li Zhao Qiang bàn bạc và thuê các đối tượng người Việt Nam tổ chức vận hành các doanh nghiệp liên quan để cho vay và đòi nợ. Các khách hàng đồng ý vay tiền, những nhân viên được thuê làm việc yêu cầu người vay tải ứng dụng trên và đăng ký tài khoản, cung cấp các thông tin nhân thân, địa chỉ…

Để thu hồi tiền vay, các bị cáo chia nợ theo từng nhóm để áp dụng phương pháp đòi. Với nhóm quá hạn 4-9 ngày, các bị cáo sẽ gọi điện chửi bới, lăng mạ, đe dọa; nhóm quá hạn 10-17 ngày, sẽ đăng ảnh của khách hàng vào các tài khoản Facebook của khách hàng hoặc ghép ảnh khách hàng khỏa thân, quan tài, làm tình, truy nã… Nếu nhóm quá hạn 18-25 ngày, các đối tượng đăng ảnh cắt ghép lên các trang mạng xã hội, khu vực quanh nhà, trực tiếp đến nhà riêng để đe dọa…

 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: GIA KHÁNH

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: GIA KHÁNH

Từ tháng 1-2019 đến tháng 5-2022, các bị cáo đã thực hiện việc cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, trốn thuế, thu lợi bất chính hơn 732 tỷ đồng thông qua việc cho hơn 120.000 khách hàng vay tiền.

Tại phiên tòa ngày 26-8, bị cáo Nghiêm Đức Giang (37 tuổi, trú quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), phụ trách bộ phận truy thu nợ khai, việc truy thu nợ đối với các khách hàng trả chậm được chia làm 4 cấp (cấp 1, cấp 2, cấp 3, cấp 4). Trong đó, từ cấp 1 đến cấp 2 là gọi điện cho khách hàng nhắc nhở trả nợ đúng hạn, công ty có kịch bản để hướng dẫn cho nhân viên.

Việc đòi nợ từ cấp 3 đến cấp 4 (gọi điện chửi bới, cắt ghép hình ảnh khách hàng) là do nhân viên tự học trên mạng internet và học hỏi nhau, công ty không hướng dẫn việc này. Bị cáo Giang khẳng định, bị cáo Zhang Min (38 tuổi, quốc tịch Trung Quốc là quản lý bộ phận truy nợ) biết rõ việc các nhân viên cấp dưới cắt ghép hình ảnh của khách hàng trả chậm để đòi tiền.

Quá trình thẩm vấn, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội tham gia xét hỏi bị cáo Zhang Min để làm rõ việc truy thu nợ đối với các khách hàng trả chậm. Tại phiên tòa, bị cáo Zhang Min khai sang Việt Nam năm 2021, khi đó hệ thống các công ty cho vay và đòi nợ của Li Zhao Qiang đã vận hành được một thời gian, bị cáo chỉ tiếp tục quản lý.

Quá trình làm quản lý, bị cáo Zhang Min cho biết, nếu phát hiện nhân viên đòi nợ kiểu giang hồ sẽ nhắc nhở và nghiêm cấm, đồng thời xử phạt nhân viên. Bị cáo Zhang Min cũng trình bày, nhân viên truy thu nợ của công ty có chế độ lương cứng 3,9 triệu đồng và hoa hồng 5-10% số tiền đòi được. Zhang Min cho rằng nhân viên đòi nợ kiểu phi pháp là do ham tiền hoa hồng, bất chấp thủ đoạn.

Sau phần lời khai của bị cáo Zhang Min, đại diện viện kiểm sát giải thích, bị cáo là người quản lý, nhân viên dưới quyền làm việc trái pháp luật, bị cáo biết việc này nên bị cáo là đồng phạm. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng phạm là cùng thực hiện một tội phạm, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xet-xu-nhom-cho-vay-nang-lai-thu-hoi-no-bang-cach-chui-boi-cat-ghep-anh-post755779.html