Xét xử nữ 'đại gia' lĩnh vực khoáng sản lừa một doanh nhân người nước ngoài hàng triệu USD
Ngày 16/4, TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên sơ thẩm xét xử Trương Thị Kim Soan (SN 1974, Giám đốc Công ty TNHH Khoáng sản Thiên Ân, Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Thiên Bình) về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.
Theo cáo trạng, từ năm 2010 đến năm 2017, Trương Thị Kim Soan là người chuyên môi giới đầu tư khai thác khoáng sản đã môi giới, dẫn dắt ông Jonh Koon, quốc tịch Úc, chuyên kinh doanh trong lĩnh vực khoáng sản tại Việt Nam thực hiện các giao dịch mua bán mỏ, mua bán cổ phần các công ty để thực hiện việc khai thác quặng Titan, trực tiếp nhận tiền của ông Jonh Koon và các đối tác của ông Jonh Koon, trong đó có hành vi ký kết các hợp đồng mua bán cổ phần Công ty Cổ phần Khoáng sản và Thương mại Sao Mai (Công ty Sao Mai), để chiếm đoạt 3,2 triệu USD (tương đương hơn 67 tỷ đồng) của ông Jonh Koon trong việc đầu tư, mua cổ phần.
Trong quá trình thực hiện việc mua cổ phần mỏ Sao Mai, ông John Koon thống nhất với Soan chuyển nhượng mỏ Sao Mai cho Công ty Yue Da với giá 34 triệu USD.
Tuy nhiên, tại thời điểm thỏa thuận mua cổ phần, mỏ Sao Mai chưa được cấp giấy phép khai thác. Vì vậy, Soan đề nghị ông Jonh Koon chuyển tiền để chi trả chi phí cấp phép khai thác mỏ, khoan thăm dò và các chi phí khác.
Ngày 11 và 14/6/2013, ông John Koon đã chuyển 1,6 triệu USD cho Soan. Doanh nhân người Australia cũng chỉ đạo thư ký chuyển 3 lần (ngày 14/11/2013, 4/12/2013, 9/12/2013) tổng cộng 350.000 USD vào tài khoản cá nhân của Soan.
Để tạo lòng tin cho ông Jonh Koon, Trương Thị Kim Soan, đã thực hiện các hành vi gian dối, như trực tiếp đưa ông Jonh Koon đi gặp ông Nguyễn Văn Hởi, Giám đốc Công ty Sao Mai và khảo sát mỏ Sao Mai để thực hiện việc mua mỏ thông qua mua cổ phần Công ty Sao Mai. Nại lý do, nếu ông Jonh Koon trực tiếp thỏa thuận thì sẽ bị tăng giá, Soan đề nghị để mình đứng ra mua cổ phần của Công ty Sao Mai, sau đó bán lại cho ông Jonh Koon và người đàn ông ngoại quốc này đã đồng ý.
Sau khi sử dụng pháp nhân Công ty Thiên Bình do Soan và ông Lê Quốc Sơn sở hữu mua được 100% cổ phần Công ty Sao Mai, Soan tiếp tục đại diện Công ty Thiên Bình, cùng ông Lê Quốc Sơn, ký 2 Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp từ Công ty Thiên Bình sang Công ty Happy Town, tiến hành làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh, xác định Công ty Happy Town sở hữu 90% cổ phần tại Công ty Thiên Bình; thuê Luật sư lập sơ đồ cấu trúc nhóm doanh nghiệp sở hữu cổ phần Công ty Sao Mai để ngày 10/4/2015, đứng tên Công ty Luật TNHH GCI và các cộng sự, để chứng minh Công ty Fortune Come Development (thuộc nhóm công ty của ông Jonh Koon) đã sở hữu thực tế 60% cổ phần Công ty Sao Mai.
Sau đó , Soan sử dụng 2 hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn đề ngày 17/4/2015, có chữ ký giả của bà Wang Di, Giám đốc Công ty Happy Town (thư ký của ông Jonh Koon, chủ sở hữu Công ty Happy Town) và trực tiếp ký giả chữ ký của bà Lê Thị Sa trên hợp đồng chuyển nhượng, làm thủ tục chuyển nhượng phần góp vốn từ Công ty Happy Town sang cho Soan và bà Lê Thị Sa, rồi làm thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp, loại trừ phần vốn góp của Công ty Happy Town tại Công ty Thiên Bình.
Ngày 20/4/2015, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp Giấy phép thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 2 cho Công ty Thiên Bình, xác nhận Soan sở hữu 90%, bà Lê Thị Sa sở hữu 10% cổ phần Công ty Thiên Bình, nhưng ông Jonh Koon không biết.
Để nhận tiếp số tiền 350 ngàn USD còn lại theo thỏa thuận, Soan cung cấp Văn bản sơ đồ cấu trúc nhóm doanh nghiệp sở hữu cổ phần Công ty Sao Mai đề ngày 10/4/2015 cho ông Jonh Koon và yêu cầu ông Jonh Koon chuyển tiền để xin giấy phép khai thác mỏ Sao Mai. Trước đó, từ ngày 11/6/2013 - 30/12/2014, Soan đã 7 lần nhận của ông Jonh Koon với tổng sổ tiền hơn 2,8 triệu USD để thực hiện việc mua bán cổ phần Công ty Sao Mai. Tổng số tiền Soan đã nhận từ ông Jonh Koon là 3,2 triệu USD.
Sau khi hoàn tất, Soan đại diện Công ty Sao Mai ký hợp đồng và ký giả chữ ký của ông Lê Quốc Sơn trên hợp đồng, chuyển nhượng toàn bộ 100% cổ phần Công ty Sao Mai cho các ông Võ Văn Bé, Nguyễn Đức Minh Giao, Phan Thành với tổng số tiền 50 tỷ đồng, mà không thông báo cho ông Jonh Koon.
Như vây, bằng các phương thức thủ đoạn gian dối nêu trên, Soan đã chiếm đoạt 3,2 triệu USD (tương đương hơn 67 tỷ VNĐ), là tiền ông Jonh Koon chuyển để đầu tư mua cổ phần Công ty Sao Mai.
Tại tòa, bị cáo Trương Thị Kim Soan không thừa nhận cáo trạng nêu và khẳng định số tiền 3,2 triệu USD là của 3 công ty nước ngoài đầu tư để giúp đỡ, không phải là tiền của bị hại.
Phía bị hại, ông Jonh Koon, cho biết bản thân rất sốc, mãi đến năm 2021, khi vụ án được điều tra, ông mới biết mình không có quyền sở hữu mỏ Sao Mai và mỏ này đã được chuyển nhượng cho người khác.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong hai ngày 16 và 17/4