Xét xử phúc thẩm đại án Đăng kiểm trong 11 ngày

Phiên tòa phúc thẩm đại án Đăng kiểm được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 139 bị cáo và kháng nghị của VKSND Tp.HCM đề nghị tăng mức hình phạt đối với 18 bị cáo.

Hôm nay (6/1), TAND Cấp cao tại Tp.HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với 139 bị cáo trong vụ án xảy ra Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Tp.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà và các đồng phạm tại tòa.

Cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà và các đồng phạm tại tòa.

Phiên tòa được mở do có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của 139 bị cáo và kháng nghị của VKSND Tp.HCM đề nghị tăng mức hình phạt đối với 18 bị cáo.

Phiên tòa sẽ được xét xử trực tiếp tại trụ sở TAND Cấp cao ở Tp.HCM, kết hợp với điểm cầu tại Trại tạm giam T30 Công an Tp.HCM (huyện Củ Chi).

Phiên tòa phúc thẩm do thẩm phán Hoàng Thanh Dũng làm chủ tọa, kéo dài đến ngày 17/1.

Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo là cựu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, buông lỏng quản lý, đưa ra nhiều chủ trương trái quy định để nhận hối lộ, chia tiền hối lộ từ các đơn vị trực thuộc cục, các chi cục, trung tâm đăng kiểm và doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn cả nước với số tiền lớn trong quá trình duyệt, cấp mã số thành lập các trung tâm đăng kiểm tư nhân; thẩm định thiết kế cải tạo phương tiện xe cơ giới; đăng kiểm định kỳ phương tiện cơ giới đường bộ và thủy nội địa…

Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) là tổ chức trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, thực hiện chức năng tham mưu giúp Cục trưởng quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước.

Trong các nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, VAR có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu hành.

Các đăng kiểm viên Phòng VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ.

Từ tháng 3/2019, bị cáo Trần Anh Quân, cựu quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới được các đăng kiểm viên báo cáo về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ.

Lợi dụng điều này, Quân thống nhất với các đăng kiểm viên việc sẽ chia cho Quân 700.000 đồng/hồ sơ. Quân sẽ dùng một phần chia lại cho bị cáo Trần Kỳ Hình. Các Phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ; nhân viên văn phòng mỗi người 50.000 đồng/hồ sơ, phần còn lại các đăng kiểm viên được hưởng.

Đến tháng 8/2021, ông Trần Kỳ Hình nghỉ hưu. Ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. Trong cuộc họp với lãnh đạo Phòng VAR, bị cáo Hà yêu cầu phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, phải bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất.

Sau khi thống nhất, lãnh đạo Phòng VAR và các đăng kiểm viên đưa cho bị cáo Đặng Việt Hà 400.000 đồng/hồ sơ. Đến tháng 10/2022, khi cơ quan công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm nên các bị cáo không nhận tiền hối lộ trong hoạt động thẩm định hồ sơ thiết kế nữa.

Quá trình cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, bị cáo Đặng Việt Hà sợ liên lụy nên trả lại 5 tỷ đồng đã nhận trước đó cho Trần Anh Quân. Sau đó, Hà lấy lại số tiền này đưa cho Lại Thái Phong (nguyên Phó Chánh văn phòng Cục Đăng kiểm Việt Nam) và Nguyễn Văn Chung để "nghe ngóng thông tin từ cơ quan điều tra".

Theo cơ quan tố tụng, bị cáo Đặng Việt Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ là hơn 40 tỷ đồng; trong đó có 31 tỷ đồng nhận của phòng kiểm định xe cơ giới và hơn 9 tỷ đồng từ các trung tâm đăng kiểm và các giám đốc trung tâm đăng kiểm khác.

Bị cáo Trần Kỳ Hình ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền đã nhận từ Phòng VAR và các trung tâm đăng kiểm, còn phải chịu trách nhiệm về số tiền hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD là tiền nhận hối lộ từ 63 cơ sở đóng tàu để bỏ qua các sai phạm trong quá trình kiểm định, duyệt cấp đủ năng lực hoạt động.

Trước đó, hồi tháng 8/2024, TAND Tp.HCM xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) 19 năm tù về tội Nhận hối lộ và 6 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt là 25 năm tù.

Tuyên phạt bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) 19 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Với cáo buộc phạm tội Nhận hối lộ, bị cáo Trần Anh Quân (cựu quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới) bị tuyên phạt 14 năm tù.

Đối với nhóm bị cáo còn lại, HĐXX tuyên phạt nhiều mức án khác nhau từ cho hưởng án treo đến tù giam về các tội danh bị truy tố. Trong đó, có 73 bị cáo được hưởng án treo.

HĐXX tuyên buộc các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp lại số tiền do hưởng lợi và tiền do phạm tội mà có để sung ngân sách Nhà nước; tuyên tịch thu, sung quỹ Nhà nước hơn 86 tỷ đồng và 99.000 USD do các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp khắc phục hậu quả.

Võ Công Thư

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xet-xu-phuc-tham-dai-an-dang-kiem-trong-11-ngay-204250106143110356.htm