Xét xử phúc thẩm vụ nguyên Bí thư Bến Cát kêu oan
Theo dự kiến, hôm nay (24/5), TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên xét xử phúc thẩm nguyên Bí thư Thị xã Bến Cát (Bình Dương) Nguyễn Hồng Khanh bị cáo buộc giúp sức cho hai cán bộ ngân hàng là ông Nguyễn Huy Hùng (Giám đốc Chi nhánh BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn) và ông Nguyễn Quang Lộc (Phó Trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp Chi nhánh Tây Sài Gòn) về tội: 'Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí'.
Tại phiên sơ thẩm, ông Khanh bị tuyên 10 năm tù, ông Hùng 12 năm tù và ông Lộc 11 năm tù. Cả ba đều kháng cáo kêu oan, đề nghị cấp phúc thẩm tuyên không phạm tội. Ông Khanh bị buộc tội với vai trò cá nhân khi mua tài sản thế chấp, không liên quan tới chức vụ quản lý mà ông từng nắm giữ.
Theo hồ sơ, năm 2008, bà Hồ Thị Hiệp - Giám đốc công ty TNHH An Tây mang tài sản của bà và con gái Nguyễn Hiệp Hảo là hơn 23ha đất tại xã An Tây, nhằm đảm bảo khoảng vay của Cty An Tây và một công ty khác do bà Hiệp đứng tên tại BIDV Chi nhánh Tây Sài Gòn. Do không có tiền trả gốc và lãi, khoản nợ của bà Hiệp trở thành nợ xấu.
Năm 2012, bà Hiệp xin ngân hàng cho bán tài sản thế chấp để trả nợ và được đồng ý. Thông qua môi giới, ông Khanh hỏi mua đất của bà Hiệp. Qua trao đổi, biết đất đang thế chấp tại ngân hàng, ông Khanh yêu cầu: Ngân hàng phải đồng ý bán và bà Hiệp có nhiệm vụ thực hiện việc xóa thế chấp, lấy sổ từ kho bảo quản của ngân hàng ra thì mới mua.
Bà Hiệp làm việc với ngân hàng và thông báo hai yêu cầu trên được ngân hàng chấp nhận. Để xác minh thông tin, ông Khanh gặp bà Hiệp và ông Nguyễn Quang Lộc (phụ trách xử lý hồ sơ của bà Hiệp).
“Ông Lộc nói ngân hàng đồng ý cho bà Hiệp bán tài sản bảo đảm thế chấp để trả nợ. Ba chúng tôi không bàn bạc, thỏa thuận gì thêm. Sau đó, bà Hiệp đưa cho tôi một hợp đồng mua bán, trong đó nêu rõ diện tích mua bán, số tiền và phương thức thanh toán. Trong hợp đồng này, ngân hàng có ký với tư cách là bên đang giữ GCNQSDĐ. Ký xong, tôi có đặt cọc theo yêu cầu của bà Hiệp” đơn kêu oan của ông Khanh nêu.
Ông Khanh thỏa thuận giá mua với bà Hiệp là 650 – 700 triệu đồng/ha (tùy thời kỳ mua). Bà Hiệp, yêu cầu ông Khanh trả tiền vào tài khoản ngân hàng của bà mở tại BIDV và một phần trả bằng tiền mặt. Từ năm 2012 đến 2015, ông Khanh mua đất của bà Hiệp với diện tích hơn 12,5ha. Bà Hiệp thực hiện giải chấp, xóa thế chấp, sau đó mang GCNQSDĐ đã xóa thế chấp đến Văn phòng công chứng để mua bán. Ông Khanh trả tiền theo thỏa thuận với bà Hiệp, trong đó có trả tiền mặt ở ngoài.
Cấp sơ thẩm cáo buộc ông Khanh đồng phạm giúp sức khi trả một phần tiền mặt cho bà Hiệp. Lập luận của cấp sơ thẩm đưa ra: Ông Khanh là cán bộ lâu năm, phải biết rõ quy định của ngân hàng. Theo đó, toàn bộ tiền bán tài sản thế chấp phải nộp vào tài khoản của người thế chấp mở tại ngân hàng để ngân hàng thu hồi nhưng ông Khanh lại trả tiền mặt cho bà Hiệp dẫn đến thất thoát, ngân hàng không thu hồi được để trừ nợ. Ngoài trách nhiệm hình sự, ông Khanh còn bị tịch thu 1/2 số tài sản dùng để mua 12,5ha đất, các hợp đồng mua bán bị vô hiệu.
Trong đơn kháng cáo, ông Khanh cho rằng, trong các văn bản đồng ý cho bà Hiệp bán đất, ngân hàng không đưa ra yêu cầu người mua phải mua với giá tối thiểu là bao nhiêu, phương thức thanh toán là chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản của bà Hiệp mở tại ngân hàng. Do đó, ông phải tuân thủ theo thỏa thuận với bà Hiệp về số tiền mua, phương thức thanh toán.
Mặt khác, ông thanh toán tiền cho bà Hiệp theo đúng trách nhiệm của người mua. Việc bà Hiệp không trả tiền cho ngân hàng hoặc ngân hàng không có chế tài để thu hồi nợ thì bà Hiệp, ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Ông Khanh cũng khẳng định không quen biết, không bàn bạc, không thỏa thuận, không nhận hoặc đưa ra bất cứ lợi ích nào cho ông Hùng, ông Lộc thì không thể là đồng phạm giúp sức cho ông Hùng, ông Lộc.
Hai bị cáo khác là ông Lộc và ông Hùng cũng kêu oan, khẳng định không phạm tội. Theo ông Lộc, thời điểm cho bà Hiệp bán đất, giá đất đóng băng, khi có thông tin người mua trả giá 650 – 700 triệu/ha, ông đã đi khảo sát giá xung quanh và thấy hợp lý nên mới đồng ý cho bà Hiệp bán. Ông Lộc thừa nhận mình có sai sót trong quá trình xử lý nợ của bà Hiệp nhưng chỉ sai phạm nguyên tắc trong hoạt động của ngân hàng chứ không tới mức phải xử lý hình sự. Việc bà Hiệp bán tài sản cho bị cáo Khanh là giao dịch ngay tình không có sự ép buộc và giá mua bán phù hợp với giá trị thực tế trên thị trường.
Ông Hùng cho rằng trong vụ án này bị cáo không có động cơ vụ lợi, bị cáo đồng ý cho bà Hiệp bán tài sản đảm bảo nhằm mục đích thu hồi nợ cho ngân hàng. Từ đó, đề nghị HĐXX xem xét lại bối cảnh phạm tội cũng như hành vi của bị cáo.