Xét xử sơ thẩm lần 2 vụ lừa đảo tại Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu: Tòa trả hồ sơ do điều tra sơ sài, truy tố chưa đủ căn cứ
TAND tỉnh Bạc Liêu vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lần hai vụ án Ngô Chí Dũng bị truy tố về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'. Qua tranh tụng cho thấy điều tra còn sơ sài, truy tố chưa đủ căn cứ, HĐXX đã quyết định trả hồ sơ.
Quy kết các bị cáo lừa đảo là thiếu căn cứ
Vụ án Ngô Chí Dũng gây xôn xao dư luận từng được Công lý & Xã hội phản ánh trong nhiều bài viết về các dấu hiệu hình sự hóa dân sự, TAND cấp cao tại TPHCM xác định không đủ căn cứ buộc tội, có nhiều vi phạm tố tụng nên hủy án để giải quyết lại. Sau khi điều tra, VKSND tỉnh Bạc Liêu ban hành cáo trạng số 20 ngày 16/7/2020, giữ quan điểm tiếp tục truy tố ông Dũng và đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần hai ngày 12/4/2021, đại diện VKS xác định: Ngày 21/7/2010, ông Ngô Chí Dũng (Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu, viết tắt là Công ty Minh Hiếu) ký Hợp đồng số 1626 vay của Ngân hàng BIDV Bạc Liêu 11,4 tỷ đồng (làm tròn số) để đầu tư thiết bị lạnh, hệ thống xử lý nước thải. Công ty thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai là hệ thống máy móc, thiết bị trị giá 18,2 tỷ đồng, mua từ tiền giải ngân của hợp đồng tín dụng.
Cáo trạng quy kết để đạt được mục đích chiếm đoạt, ông Dũng cung cấp cho BIDV Bạc Liêu Hợp đồng mua bán số 20/HĐTB/2009 trị giá 903.595 USD do ông Dũng ký với ông Huỳnh Văn Long (Giám đốc Công ty Điện lạnh Sài Gòn). Sau đó, ông Dũng thỏa thuận với ông Long điều chỉnh giảm giá trị hợp đồng từ 903.595 USD xuống 421.355 USD nhưng vẫn giữ nguyên số ngày tháng năm của hợp đồng trước.
BIDV Bạc Liêu đã giải ngân 11,1 tỷ đồng vào tài khoản Công ty Điện lạnh Sài Gòn. Ông Dũng trả cho Công ty Điện lạnh hết 8 tỷ, riêng 3 tỷ còn lại thì ông Dũng thỏa thuận trả khoản tiền công ty nợ trước đó với ông Huỳnh Văn Long. Các cơ quan tố tụng tỉnh Bạc Liêu quy kết ông Dũng sử dụng khoản vay không đúng mục đích chiếm đoạt 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, các bị cáo còn bị quy kết về hành vi lập 19 hóa đơn GTGT khống với tổng giá trị 21 tỷ đồng (làm tròn số). Dựa vào đó, BIDV cho vay, giải ngân 13 hợp đồng tín dụng, trong đó đã tất toán được 5 hợp đồng. Hiện còn 23 hợp đồng chưa tất toán, trong đó có 8 hợp đồng có sử dụng hóa đơn khống để chiếm đoạt 10,8 tỷ đồng.
Ông Dũng bị quy kết vai trò chủ mưu, cầm đầu, chiếm đoạt 13,9 tỷ đồng của BIDV Bạc Liêu. Bà Nguyễn Thị Út (SN 1983, Tổng giám đốc) và ông Huỳnh Thanh Đoàn (Kế toán trưởng) được xác định là đồng phạm giúp sức.
Với hành vi trên, năm 2018, ông Dũng từng bị các cơ quan tố tụng Bạc Liêu khởi tố, truy tố và bị phạt 20 năm tù, bà Út và ông Đoàn mỗi người 14 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo đồng loạt kêu oan, tại bản án phúc thẩm số 69/2019/HS-PT của TAND cấp cao tại TPHCM, đại diện VKSND cấp cao và HĐXX đều nhận định, việc quy kết các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt 3 tỷ đồng đồng là thiếu căn cứ, chưa thỏa mãn dấu hiệu gian dối và chiếm đoạt tài sản của tội lừa đảo. Về việc cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo chiếm đoạt 16,1 tỷ đồng liên quan đến 06 hóa đơn GTGT khống và 2 hóa đơn GTGT, cấp phúc thẩm nhận định cũng không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo, thiếu căn cứ kết tội. Cùng với nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng, TAND cấp cao tại TPHCM tuyên hủy án để điều tra lại.
Ngày 31/12/2019, TANDTC có văn bản khẳng định, tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại là cần thiết. Để xác định các bị cáo có hành vi chiếm đoạt tiền vay của BIDV hay không thì cần xem xét giá trị toàn bộ tài sản thế chấp còn lại so với số nợ gốc và lãi của ngân hàng có đảm bảo nghĩa vụ trả nợ hay không?
Tuy nhiên, sau khi điều tra lại, CQĐT, VKSND tỉnh Bạc Liêu vẫn giữ nguyên quan điểm buộc tội. Số tiền chiếm đoạt được VKS xác định còn 13,9 tỷ đồng.
Bị hại không xác định được thiệt hại
HĐXX đã đặt nhiều câu hỏi làm rõ các vấn đề mấu chốt của vụ án. Bị cáo Ngô Chí Dũng xác định, Công ty Minh Hiếu có thực hiện nghĩa vụ đã trả một phần nợ gốc kèm lãi các hợp đồng tín dụng cho BIDV Bạc Liêu. Phần chưa thanh toán do Công ty Minh Hiếu chưa thực hiện xong hợp đồng thương mại với các đối tác. Hơn nữa, các hợp đồng tín dụng vẫn chưa đến hạn tất toán. Riêng số tiền hơn 3 tỷ đồng liên quan đến Hợp đồng số 20, Công ty Minh Hiếu đã hoàn trả.
HĐXX đặt ra nhiều câu hỏi với phía bị hại là Ngân hàng BIDV, cụ thể: Tài sản của Công ty Minh Hiếu có đảm bảo cho các khoản tiền vay của BIDV Bạc Liêu? Công ty có thực hiện nghĩa vụ trả nợ và lãi? Đến thời điểm hiện nay, BIDV Bạc Liêu có bị thiệt hại hay không?
BIDV xác định tài sản của Công ty Minh Hiếu đủ để đảm bảo cho các khoản tiền vay. Công ty Minh Hiếu đã trả một phần nợ và lãi. Quá trình thực hiện các hợp đồng tín dụng thì xảy ra tranh chấp, BIDV Bạc Liêu đã khởi kiện, yêu cầu Công ty Minh Hiếu trả nợ. TAND thị xã Giá Rai đã thụ lý và ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự ngày 31/10/2013. Điều gây ngạc nhiên là trong vụ án, đại diện BIDV tham dự với tư cách người bị hại nhưng lại chưa xác định được… thiệt hại.
Xem xét các tài liệu, chứng cứ, HĐXX quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh Bạc Liêu để điều tra bổ sung các vấn đề. Thứ nhất, có tồn tại các hình thức bảo đảm tiền vay bằng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay như quy định tại điều 11 của Hợp đồng tín dụng trung hạn ngày 21/7/2010 hay không? Nếu có thì giá trị của từng hình thức bảo đảm là bao nhiêu?
Thứ hai, theo yêu cầu trình duyệt giải ngân được đối với các Hợp đồng tín dụng theo món thì tất cả các hợp đồng này đều có biện pháp bảo đảm là quyền đòi nợ phát sinh trong tương lai đối với các hợp đồng xuất khẩu. Tại phiên tòa, đại diện BIDV thừa nhận Công ty Minh Hiếu có thực hiện các hợp đồng xuất khẩu. Cần điều tra làm rõ Công ty Minh Hiếu có thực hiện các hợp đồng xuất khẩu như hình thức đảm bảo cho từng hợp đồng hay không? Nếu có nguồn tiền thu về thì có được dùng để trả nợ cho các hợp đồng?
Thứ ba, về giá trị tài sản mà Công ty Minh Hiếu thế chấp theo các hợp đồng thế chấp với BIDV Bạc Liêu cùng với các hình thức đảm bảo tiền vay có đủ đảm bảo để Minh Hiếu trả các khoản nợ cho BIDV Bạc Liêu hay không?
Thứ tư, sau khi được giải ngân theo từng hợp đồng, Công ty Minh Hiếu đã trả được bao nhiêu tiền gốc, bao nhiêu tiền lãi cho BIDV Bạc Liêu?
Thứ năm, điều tra làm rõ thiệt hại cụ thể của BIDV do tại phiên tòa đại diện ngân hàng không xác định được thiệt hại là bao nhiêu?
Thứ sáu, định giá tài sản thế chấp theo giá thị trường để làm căn cứ xác định có đủ đảm bảo thanh toán các khoản nợ vay của Minh Hiếu tại BIDV Bạc Liêu?
Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) nhận định, với việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, HĐXX đã thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, sự cẩn trọng trước sinh mệnh chính trị của các công dân. TAND và VKSND cấp cao tại TPHCM đã làm rõ các bị cáo không có mục đích chiếm đoạt tài sản; Công ty Minh Hiếu Bạc Liêu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận tại các hợp đồng tín dụng, hoàn trả tiền vay và lãi vay thể hiện. Đây là các vấn đề mấu chốt phải xử lý toàn diện nhằm đảm bảo vụ án được giải quyết đúng quy định pháp luật, tuyệt đối tránh oan sai.