Xét xử tội diệt chủng của Kunti Kamara
Sáng thứ Hai, ngày 10/10/2022, Kunti Kamara, kẻ cầm đầu Phong trào thống nhất giải phóng Liberia vì dân chủ (viết tắt là ULIMO) đã bị tòa án tội ác chiến tranh ở Paris, Pháp, đưa ra xét xử với các tội danh diệt chủng, tra tấn, ăn thịt người, cưỡng bức lao động và đồng lõa với tội ác chống lại loài người trong cuộc nội chiến diễn ra ở Liberia từ 1989 đến 2003 khiến 250.000 thường dân thiệt mạng…
Trước đó, Charles Taylor, cựu Tổng thống Liberia cũng đã ra tòa với những tội danh tương tự và đã bị kết án 50 năm tù giam…
Bối cảnh của cuộc nội chiến ở Liberia
Năm 1997, phái đoàn Liên hợp quốc ở Liberia đã chứng kiến một cuộc bầu cử kỳ lạ nhất lịch sử. Cử tri của quốc gia này đi bầu cho người không phải vì tài năng hay được yêu mến mà là người họ sợ hãi nhất. Toàn bộ cuộc bầu cử gói gọn trong khẩu hiệu được dân chúng truyền tai nhau: “He killed my ma, he killed my pa, but I will vote for him - Ông ấy giết mẹ tôi, ông ấy giết cha tôi, nhưng tôi sẽ bầu cho ông ấy”.
“Ông ấy” ở đây là Charles Taylor, đắc cử tổng thống Liberia sau bầu cử và cũng là nhân vật trung tâm trong cuộc chiến đẫm máu ở Liberia, cuộc chiến không chỉ các bên tàn sát lẫn nhau mà còn là hãm hiếp, diệt chủng, cướp bóc và ăn thịt người!
Nằm ở Tây Phi, bên bờ Đại Tây Dương, Liberia có diện tích hơn 100.000km2, dân số 4 triệu người, giành độc lập bởi những nô lệ da đen Mỹ sau khi được tự do đã quay về nước. Trong Thế chiến II, Liberia đứng về phe Đồng minh nhưng không tham chiến, chỉ cung cấp cao su thiên nhiên cho nhu cầu quân sự. Liberia cũng là 1 trong 4 nước châu Phi đầu tiên gia nhập Liên hợp quốc cùng với Ai Cập, Nam Phi và Ethiopia.
Là quốc gia có đội tàu cho thuê lớn thứ 2 thế giới, thu nhập bình quân đầu người Liberia cao nhất châu Phi, đồng USD được sử dụng rộng rãi nhưng đến 1980, Tổng thống Krahn ra lệnh xóa bỏ loại tiền này khỏi nền kinh tế. Khi đó, Charles Taylor, viên chức Bộ Tài chính ôm 1 triệu USD kiếm được từ tham nhũng chạy sang Mỹ nhưng bị chính quyền Liberia nhờ Mỹ bắt giữ. Tuy nhiên năm 1985, lúc đang nằm trong nhà giam ở bang Massachusetts, Mỹ, Charles Taylor cưa song sắt vượt ngục rồi bằng nhiều con đường, hắn ta có mặt ở Libya.
Tại đây, Taylor thuyết phục Tổng thống Libya là Muammar Gaddafi rằng hắn sẽ giúp Libya mở rộng ảnh hưởng từ vành đai Sahel đến bờ Đại Tây Dương. Vì thế, Gaddafi đã để Taylor tập hợp những người Liberia lưu vong rồi cho ra đời cái gọi là “Mặt trận yêu nước quốc gia Liberia - gọi tắt là NPFL” với mục đích lật đổ chính quyền Liberia lúc ấy do Tổng thống Samuel Doe lãnh đạo.
Nhằm chuẩn bị cho cuộc đảo chính, Gaddafi bố trí các căn cứ ở Ghana, Burkina Faso và Bờ Biển Ngà (là những nước mà các lãnh đạo nhận tiền viện trợ của Gaddafi) để NPFL ém quân. Đêm Giáng sinh 1989, hàng chục nghìn chiến binh của NPFL, trong đó có Phong trào thống nhất giải phóng Liberia vì dân chủ (ULIMO) do Kunti Kamara cầm đầu, âm thầm băng qua biên giới Bờ Biển Ngà vào Liberia. Được giao phụ trách mũi tiến công ở phía bắc, Kunti Kamara ra lệnh cho thuộc cấp của mình “giết tất cả những thứ gì đi bằng 2 chân trên mặt đất”. Hậu quả là khoảng 1.200 người, phần lớn là dân thường đã bị quân NPFL dồn vào những căn nhà rồi đổ xăng thiêu sống.
Mãi đến tháng 8-1990, quân chính phủ mới tập hợp đủ lực lượng, kéo lên phía bắc tiêu diệt ULIMO thì NPFL do Prince Johnson chỉ huy bất ngờ mượn đường Sierra Leone ở phía tây đánh vào thủ đô Monrovia. Chỉ sau vài tuần, Monrovia thất thủ, Tổng thống Samuel Doe cùng hàng trăm nhân viên chính phủ chạy đến trụ sở đội quân gìn giữ hòa bình Nigeria xin được bảo vệ nhưng quân NPFL buộc lính Nigeria phải giao Samuel Doe cho họ. Trên truyền hình, cả thế giới nhìn thấy hình ảnh tổng thống bị lột quần áo và bị đánh đập. Chưa hết, trước ống kính, quân NPFL xẻo một bên tai ông rồi đổ phân và nước tiểu lên người. Sau gần 12 tiếng hành hạ, Tổng thống Samuel Doe cùng 80 tùy tùng bị dẫn ra đường rồi bị bắn chết, quăng xác lên xe tải.
Thành công trong việc chiếm Monrovia khiến Johnson nghĩ mình là “ông trời”. Vì thế, khi Taylor về thủ đô để chuẩn bị nắm chính quyền thì Johnson phản đối, cho rằng mình xứng đáng làm tổng thống. Bị Taylor từ chối, Johnson tách ra thành lập Mặt trận yêu nước quốc gia Liberia độc lập (INPFL). Cuộc nội chiến giữa INPFL và NPFL kéo dài suốt 2 năm thì Charles Taylor chiến thắng nhưng cái giá phải trả là hơn 45.000 thường dân thiệt mạng.
Và mặc dù Taylor chiến thắng nhưng từ đó cho đến năm 1996, không nơi nào xứng đáng với hai chữ “địa ngục” hơn là thủ đô Monrovia của Liberia. Những thước phim của Hãng thông tấn AP cho thấy những đứa trẻ cầm súng AK chạy quanh đường phố, bắn bất cứ người nào mà chúng muốn bắn nhưng kinh hủng hơn cả là đoạn phim ghi lại cảnh lính ULIMO ăn thịt người. Nạn nhân bị mổ bụng, moi tim, moi gan rồi nấu trong những cái chảo, vây quanh là đám đông chỉ mới 16, 17 tuổi, giương mắt thèm thuồng. Theo cáo trạng của Tòa án tội ác chiến tranh Paris, chỉ riêng năm 1996, hơn 200.000 người Liberia đã thiệt mạng, chiếm 1/5 dân số của quốc gia này.
Tội ác chiến tranh
Bước sang năm 1997, một lần nữa Taylor lại tiếp tục giữ ghế tổng thống với 76% phiếu bầu, đánh bại các ứng cử viên khác nhưng nội chiến không vì thế mà chấm dứt. Với sự ra đời của Liên minh hòa giải và dân chủ Liberia (viết tắt là LURD) thành lập ở miền Bắc Liberia và Phong trào dân chủ Liberia (viết tắt là MODEL) ở miền Nam chống lại Taylor, cuộc chiến dai dẳng kéo dài đến 2003 khiến có thêm 700.000 người chết.
Bị LURD và MODEL vây hãm cộng với áp lực quốc tế, tháng 7-2003 Charles Taylor tuyên bố chấp nhận rời bỏ quyền lực. Ngay lập tức, các nước Tây Phi gửi hàng nghìn quân đến thủ đô Monrovia để giữ gìn trật tự và lần đầu tiên, Hải quân Mỹ cùng Hải quân Italy, Hy Lạp…, cũng lên đường đến Liberia, tái lập hòa bình. Hàng trăm nghìn người dân thủ đô Monrovia tràn ra đường nhảy múa ăn mừng trong nước mắt, chào đón đội quân đa quốc gia.
Ngày 11-8-2003, Charles Taylor từ chức rồi đề nghị được cư trú ở Nigeria. Điều đáng ngạc nhiên là quốc gia này lại đồng ý! Theo trang tin Africa Today, Taylor đã hối lộ chính phủ Nigeria bằng kim cương - thứ mà ông ta đã chiếm được trong những năm cầm quyền để đổi lấy việc họ không trao ông ta cho tòa án xét xử tội phạm chiến tranh. Tuy nhiên, năm 2006 Liên hợp quốc tuyên bố sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt nếu Nigeria không giao nộp Taylor.
Nhận thấy nguy cơ bị bắt, Charles Taylor cùng gia đình trốn khỏi Nigeria. Sai lầm cuối cùng của ông ta là dùng chiếc Land Rover làm phương tiện đào tẩu bởi lẽ lính biên phòng Nigeria dễ dàng phân biệt chiếc xe hạng sang trong một đất nước nghèo đói. Taylor bị bắt tại cửa khẩu và bị giải về Liberia.
Năm 2012, Charles Taylor ra tòa. Bất chấp lời kêu gọi kết án tử hình, Tòa án Công lý quốc tế ở La Hay (Hà Lan) chỉ xử Taylor 50 năm tù nhưng đồng ý cho thụ hình ở nước Anh theo đề nghị của ông ta mặc dù người Mỹ muốn dẫn độ ông ta về Mỹ. Cùng bị kết án với Taylor còn có Alieu Kosiah, một trong những chỉ huy của NPFL, bị bắt tại Thụy Sĩ và bị đưa ra xét xử tại Tòa án tội ác chiến tranh ở Thụy Sĩ vì luật hình sự Thụy Sĩ cho phép truy tố những tội phạm nghiêm trọng được thực hiện ở bất cứ đâu theo nguyên tắc thẩm quyền chung.
Alieu Kosiah nhận bản án 20 năm với các tội danh hãm hiếp, cướp của, giết người và ăn thịt đồng loại. Còn nếu kể thêm thì Thomas Smith, cựu Bộ trưởng Quốc phòng của NPFL, Jungle Jabbah, Martina Johnson, Michel Desaedeeler, Moise Thomas, tất cả là những chỉ huy các cấp của NPFL đều đã bị kết án tù từ 20 đến 30 năm hoặc đang chờ ngày ra tòa cũng với những tội danh trên.
Công lý nào cho kẻ gây tội ác?
Về phía Kunti Kamara, kẻ cầm đầu ULIMO, trong lúc hỗn quân hỗn quan, hắn trốn sang Hà Lan vì có hộ chiếu của quốc gia này. Sau một thời gian ẩn náu dưới lớp vỏ nhà buôn, Kunti sang Bồ Đào Nha rồi tiếp theo là Bỉ. Điểm cư trú cuối cùng của Kunti trước khi bị cảnh sát Pháp bắt hôm thứ Ba, ngày 4-10-2022 là căn nhà của một người quen ở ngoại ô Bobigny, đông bắc Paris.
Theo Cơ quan Điều tra tội ác chiến tranh, diệt chủng và tội ác chống lại loài người của Pháp (OCLCH), Kunti bị cáo buộc tra tấn, giết người, hiếp dâm, cướp của, cưỡng bức nô lệ, sử dụng binh lính trẻ em và ăn thịt đồng loại một cách quy mô, có hệ thống.
Một hồ sơ do OCLCH công bố cho thấy chỉ trong năm 1996 tại hạt Lofa, là một vùng chiến lược ở tây bắc Liberia, Kunti “đã thực hiện những hình thức tra tấn đặc biệt dã man”, và đã “ra lệnh cho quân của mình dùng dao găm, rìu, mổ bụng tù binh lấy tim, gan nấu thành món ăn”. Bên cạnh đó, hành vi giết chóc của Kunti “đã khiến làng Foya với dân số 6.300 người chỉ còn hơn 1.000 người. Những người còn sống, chủ yếu là phụ nữ đều bị bắt làm nô lệ”.
Ngày 10-10-2022, Kunti Kamara ra tòa. Đây là phiên tòa đầu tiên ở Pháp xét xử tội phạm chiến tranh kể từ sau Thế chiến II dựa theo Điều 689 của Bộ Luật tố tụng hình sự Pháp. Theo đó “các tội phạm bị cáo buộc, cụ thể là diệt chủng, tra tấn, khủng bố, buôn lậu hạt nhân, cướp biển, không tặc…, nếu bị bắt ở Pháp thì có thể được xét xử tại Pháp ngay cả khi chúng là người nước ngoài, thực hiện hành vi phạm tội bên ngoài lãnh thổ Pháp”.
Nhà quay phim Patrick Robert làm việc tại Liberia trong giai đoạn nội chiến, xuất hiện tại tòa với tư cách nhân chứng đã trả lời các câu hỏi của công tố viên rằng “chính mắt tôi nhìn thấy và quay được cảnh nội tạng người, chủ yếu là tim, gan, bị lấy ra khỏi cơ thể để ăn. Có nơi, họ còn ăn luôn cả đùi và sườn…”.
Phản bác lại, Kunti phủ nhận tất cả mọi cáo buộc. Hắn nói: “Tôi sẽ chứng minh rằng những kẻ gây ra tội ác vẫn đang ở Liberia và có những người đứng đằng sau họ thao túng họ để truy tố tôi. Tôi thừa nhận tôi là chỉ huy của ULIMO nhưng điều đó không có nghĩa là tôi đã giết người hay ăn thịt người. Tôi chỉ làm theo lệnh của Deku và Mohammed Tumuyah…”
Với Tarek Koraitem, luật sư của Kunti, ông này cho rằng: “Đây là một vụ án mà thân chủ của tôi đang bị phán xét về những sự kiện được thực hiện bởi những người lính, xảy ra hàng chục năm trước với những cáo buộc không rõ ràng từ những kẻ chẳng có mối liên hệ nào với Liberia. Đó không phải là công lý mà chỉ là một vở kịch. Mặc dù tất cả những người lính ULIMO đều nằm dưới quyền chỉ huy của Kunti nhưng không có gì chắc chắn họ đều tuân lệnh ông ta. Thân chủ của tôi chẳng có tội gì cả”.
Dự kiến phiên tòa xét xử Kunti sẽ kéo dài trong 4 tuần với hơn 30 nhân chứng, phần lớn đến từ Liberia. Đại tá Eric Emeraux, người đứng đầu OCLCH, Pháp, cho biết: “Điều quan trọng là các nạn nhân phải có tiếng nói. Ngay cả sau 30 năm, họ vẫn rất đau thương. Phụ nữ bị hãm hiếp, bị bắt làm nô lệ tình dục, bị đối xử như đồ vật chứ không phải con người. Vẫn rất khó để họ quên đi quá khứ…”.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/xet-xu-toi-diet-chung-cua-kunti-kamara-i671812/