Xét xử vụ 200 triệu lít xăng giả: Phan Thanh Hữu khai nhiều lần 'gọi xin cán bộ'
Bị cáo Phan Thanh Hữu - 1 trong 3 kẻ cầm đầu khai nhiều lần gọi xin cán bộ Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và Cảng vụ để các tàu chở xăng lậu không bị xử lý.
Chiều 28/10, phiên tòa xét xử vụ án làm giả 200 triệu lít xăng bước sang ngày làm việc thứ 4, HĐXX tiếp tục phần xét hỏi bị cáo Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh) - 1 trong 3 kẻ cầm đầu đường dây làm xăng giả.
Ngoài Phan Thanh Hữu, 2 kẻ cầm đầu còn lại là Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi, ngụ Vĩnh Long); Đào Ngọc Viễn (54 tuổi), Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Phan Thanh Hữu cho biết, khi tàu Pacific Ocean và Western Sea từ Singapore về Việt Nam, bị cáo sẽ liên hệ với lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng và Cảng vụ.
Để thực hiện việc vận chuyển xăng từ 2 tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea của Đào Ngọc Viễn từ khu vực phao số 0 vào các cảng của Việt Nam, Phan Thanh Hữu đã có đội tàu Nhật Minh 06, 07, 08, 09. Số thuyền trưởng và tiền nhân công cho các con tàu này đều do Hữu chịu trách nhiệm quản lý và chi trả.
Khi HĐXX hỏi việc ra biển tiếp nhận xăng lậu, cập mạng bơm xăng ra sao?
Bị cáo Phan Thanh Hữu khai: "Mọi việc bị cáo gọi cho thuyền trưởng hai tàu Pacific Ocean, Western Sea. Bị cáo phải xin được thì hai tàu này mới được vào và bị cáo mới đưa tàu Nhật Minh ra nhận xăng lậu".
Bị cáo còn khai thêm, trong quá trình nhập xăng có bị kiểm tra một lần nhưng không bị xử lý. Quá trình buôn lậu xăng, bị cáo đều báo cho cán bộ Cảnh sát biển, Cảng vụ, và một số lực lượng khác để không bị xử lý, khi 2 thuyền trưởng có trục trặc gì, Hữu sẽ liên hệ với các thuyền trưởng để xác định tọa độ nhằm hỗ trợ.
Việc liên hệ với các thuyền trưởng còn để xem nếu thấy xăng trên tàu có màu trắng quá, Hữu sẽ mang hóa chất ra tàu để trực tiếp pha chế làm cho xăng có màu hợp với màu xăng bán tại thị trường Việt Nam.
Theo cáo trạng, từ năm 2019, Phan Thanh Hữu cùng Đào Ngọc Viễn và 3 người khác góp tổng cộng 53,4 tỷ đồng để mua xăng lậu từ Singapore về Việt Nam bán, ăn chia theo tỷ lệ Hữu 40%, Viễn và những người còn lại hưởng 60%.
Về nhiệm vụ, Hữu trực tiếp đứng ra giao dịch, còn Viễn điều tàu sang chở hàng về Việt Nam và neo đậu ở phao số 0. Lúc này Hữu cho tàu của mình ra lấy hàng rồi chở qua kho chứa nổi đặt ở sông Hậu (thuộc tỉnh Vĩnh Long).
Do xăng nhập lậu từ Singapore có màu trắng, trong khi xăng tại thị trường Việt Nam có màu vàng. Để không bị phát hiện, Hữu mua phụ gia về pha chế cho ra màu vàng. Công thức là 1kg bột màu vàng hòa với 5 lít dung môi rồi đổ vào 100m3 xăng, sau đó mang đi tiêu thụ tại hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía nam.
Đêm 6/2/2021, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an huy động hơn 500 cán bộ, chiến sĩ triệt phá đường dây buôn lậu này.
Cũng theo cáo trạng, từ tháng 3/2020 - tháng 2/2021, nhóm Hữu và Viễn đã vận chuyển 48 chuyến tàu với tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Trong đó đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít xăng, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng hơn 105 tỷ đồng.
Trong quá trình buôn lậu, Hữu đã cử Tứ tiếp cận Ngô Văn Thụy, là đội trưởng thuộc Cục điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) để hối lộ, nhờ Thụy giúp đỡ.
Tứ đã đưa cho Thụy phong bì chứa 10.000 USD và 1 thẻ ATM có 100 triệu đồng. Sau đó, Hữu trực tiếp gặp Thụy và đưa thêm 500 triệu đồng.
Ngoài việc hối lộ Ngô Văn Thụy, Hữu và Tứ còn có hành vi đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã chuyển tài liệu, chứng cứ sang CQĐT hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.