Xét xử vụ án Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Cổng Vàng: 14 năm tù cho Bạch Thị Thu Hường

Mua hơn 10.000m2 đất nông nghiệp không giấy tờ, rồi tự ý phân lô, bán nền với lời cam kết sẽ chuyển đổi mục đích sử dụng, bàn giao sổ đỏ đàng hoàng, Bạch Thị Thu Hường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Cổng Vàng cùng đồng phạm đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 60 tỷ đồng của 70 bị hại bằng những lời có cánh.

Ôm trái đắng vì buôn đất

Sáng 7-7-2022, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử bị cáo Bạch Thị Thu Hường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Cổng Vàng (viết tắt Công ty Cổng Vàng) và 3 bị cáo đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Khoản 4 Điều 174 BLHS. Sau gần 3 năm, kể từ ngày bị cáo Bạch Thị Thu Hường bị Cơ quan CSĐT khởi tố, bắt tạm giam (ngày 20-9-2019), vụ án đã sắp đến hồi kết nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong việc thu hồi tài sản cho 70 bị hại.

Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo tại phiên tòa

Theo cáo trạng, khoảng tháng 4-2019, bị can Hường cùng Phạm Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổng Vàng bàn bạc thỏa thuận với Nguyễn Thanh Hải (sinh năm 1968), mua 10.000 m2 đất nông nghiệp của vợ chồng Hải và bà Ngô Thị Chanh tại khu Suối Ốc, thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Lô đất thuộc thửa đất số 148-2a tờ bản đồ số 9, có diện tích 20.486,8m2 (trong đó 12.333,9m2 đất trồng cây lâu năm và 8.152m2 đất nuôi trồng thủy sản). Hải cam kết sẽ phân lô, tách thửa, xây dựng cơ sở hạ tầng thửa đất và làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc.

Ngày 4-5-2019, Hường ký hợp đồng đặt cọc 1 tỉ đồng cho vợ chồng Hải để mua 10.000 m2 đất nông nghiệp nêu trên. Ngày 23-5-2019, Hải ký hợp đồng ủy quyền cho Hường với nội dung: “Vợ chồng Hải ủy quyền cho Hường được quyền giao dịch môi giới, tìm kiếm khách hàng; thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở theo quy định; sau khi chuyển đổi có quyền xây dựng các công trình trên đất…”.

Sau khi ký hợp đồng đặt cọc, Hường thuê Phạm Văn Toản vẽ sơ đồ phân lô thửa đất theo bản vẽ phác thảo của Hải thành 101 lô đất, tổng diện tích là hơn 11.000 m2, đặt tên là Khu dân cư Golden Lake.

Ngày 9-5-2019, Hường thỏa thuận ký hợp đồng cho Công ty Grand Realty của Nguyễn Văn Phương được độc quyền quảng cáo bán các lô đất theo bản đồ phân lô, với phí hoa hồng là 15% giá trị các lô đất bán được theo bảng giá của Công ty Cổng Vàng. Nếu bán được giá cao hơn giá Công ty Cổng Vàng, thì Phương sẽ hưởng thêm 60% số tiền chênh lệch. Phương đã liên kết với các công ty môi giới để quảng cáo bán đất nền dự án Golden Lake cho khách hàng.

Từ ngày 17-5 đến 1-7-2019, có 70 khách hàng tin tưởng vào các thông tin quảng cáo của Công ty Cổng Vàng và các công ty môi giới bất động sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nên ký hợp đồng với Hường để mua 78 lô đất trong tổng số 101 lô đất theo bản đồ phân lô do Toản vẽ và chuyển cho bị can hơn 60 tỉ đồng và bị chiếm đoạt.

Sau đó, khách hàng biết không có dự án Golden Lake nên đòi lại tiền. Hường đã trả được cho 5 khách hàng hơn 4 tỉ đồng. Hường cũng chuyển cho Hải 8 tỉ, Phương gần 11 tỉ đồng. Vào cuộc điều tra, cơ quan công an đã thu giữ, phong tỏa và trả lại cho khách hàng là hơn 24,5 tỉ đồng. Các bị hại yêu cầu Hường trả số tiền đã chiếm đoạt còn lại.

Những nạn nhân có mặt tại phiên tòa

Những nạn nhân có mặt tại phiên tòa

Nỗi đau người trong cuộc

Phiên tòa sau hai lần hoãn với nhiều lý do cuối cùng cũng được đưa ra xét xử công khai trong 2 ngày từ 7-7 đến 8-7-2022. Trong phiên xét xử này, các bị hại cũng như những người có liên quan đều có mặt tại phiên tòa từ rất sớm bởi sau hai lần hoãn, cũng như nhiều năm chờ đợi, họ đều mong chờ một bản án thích đáng dành cho kẻ lừa đảo.

Từ 8 giờ sáng, các bị hại và người liên quan đã có mặt đầy đủ, thế nhưng một sự việc hi hữu xảy ra khi luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Mạnh Cường 8 rưỡi mới thông báo vắng mặt vì lý do mắc COVID-19. Hội đồng xét xử buộc phải chỉ định luật sư mới cho bị cáo Cường.

Chờ đến 10 giờ, luật sư mới đến phòng xử án khiến nhiều bị hại bức xúc khi phải đến từ sớm sau nhiều lần bị triệu tập, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, gia đình. Dù đã được thư kí phiên tòa nhắc nhở nhưng quá bức xúc, nhiều bị hại có lời lẽ, hành động thiếu chuẩn mực. Điều đó cũng dễ hiểu bởi họ phải bỏ công bỏ việc, chờ đợi theo đuổi phiên tòa nhiều lần, trong khi tiền mất, tật mang, nhiều gia đình lục đục chỉ vì chồng hoặc vợ “ném tiền” vào dự án “ma” của các đối tượng lừa đảo.

Bị cáo Bạch Thị Thu Hường

Bị cáo Bạch Thị Thu Hường

Khi luật sư bào chữa cho bị cáo Cường có mặt tại tòa thì bị cáo Cường lại xin dừng phiên tòa với lý do không đồng ý luật sư do tòa chỉ định. Thế nhưng đại diện Viện Kiểm sát vẫn đề nghị tiếp tục phiên tòa vì nhận thấy việc thiếu một số bị hại và một số người có liên quan không làm ảnh hưởng đến phiên tòa, luật sư bào chữa của Cường cũng đã được chỉ định. Trong quá trình điều tra xét hỏi, Cường nhiều lần từ chối luật sư mà tự bào chữa cho mình và cam kết khai đúng sự thật.

Trong danh sách 70 nạn nhân thì chỉ hơn nửa có mặt tại phiên tòa. Có những hoàn cảnh, số phận khiến tôi phải chạnh lòng. Trong số những bị hại, có những người có nhiều tiền đem đi đầu tư, mất chỗ này họ vẫn được chỗ khác, nhưng có những người dốc hết vốn liếng, của cải, mong muốn được đổi đời khi đã ở tuổi xế chiều. Nhà ở tận Bắc Ninh, nhưng từ sáng sớm, bà H., mẹ của một bị hại đã theo chân con gái đến tòa. Bà đi cùng con gái, đứa cháu và một luật sư cũng ở Bắc Ninh. Cả 4 người thuê xe xuống Hà Nội tham dự phiên tòa sau hai lần hoãn đột suất. Năm nay đã 83 tuổi, chồng bà vừa mất được 50 ngày, thấy con gái mất tiền, bà H. xót nên đòi theo bằng được để xem tình hình thế nào bởi trong số tiền con gái bị mất có một phần tiền tích cóp bao năm của ông bà.

Bà H. kể, con gái bà làm nghề buôn bán bất động sản. Thấy con làm ăn được, có chút tiền tiết kiệm, ông bà dồn hết cho con. Ai ngờ lãi không thấy đâu chỉ thấy mất một khoản lớn khiến bà xót xa, tiếc của. Chồng mất khi gánh nặng nợ nần vẫn đè nặng lên vai bà cùng cô con gái.

Từ sáng sớm, mình bà lọ mọ vào phòng xét xử. Đói rồi mệt mỏi, tụt huyết áp, bà phải nhờ mấy cán bộ cảnh sát bảo vệ đổi cho chỗ ngồi cạnh tường để được dựa lưng. Một nữ cảnh sát bảo vệ cũng ngỏ ý muốn mua đồ ăn thức uống cho bà nhưng bà từ chối vì bảo dưới xe ô tô có sẵn rồi. Nhưng cô con gái đi đâu từ sáng bà không biết, bà cũng chẳng nhớ số điện thoại để gọi. Vậy là ngồi đến gần 11 giờ bà lại lọ mọ xuống cổng tìm con không thấy, bà lại leo lên tầng 2 ngồi phòng xét xử. Sau đó chúng tôi phải vào xin số điện thoại của vị luật sư đi cùng bà để gọi cô con gái tới đón, đồng thời an ủi bà không phải lo lắng vì số tiền đã mất vì kiểu gì cũng lấy lại được, khuyên bà từ sau không theo con gái đi dự tòa nữa. Bà lại rơm rớm nước mắt gật đầu, bảo “tôi đi lần này cho biết thôi, mai tôi lại ở nhà”. Và quả thật ngày hôm sau và ngày tuyên án, tôi không còn thấy bà H. xuất hiện tại phiên tòa nữa.

Các bị cáo trong buổi tuyên án

Các bị cáo trong buổi tuyên án

Ông V.T.D năm nay cũng đã ngoài 70 tuổi. Sức khỏe yếu, ngồi trong phòng xét xử, thi thoảng ông lại phải đi ra ngoài vì đau đầu. Có bao tiền tiết kiệm tuổi già ông cũng dồn vào mua hết dự án của Bạch Thị Thu Hường mà con cái không hề hay biết, số tiền lên đến gần 2 tỷ đồng. Tiếc của cộng với sự mệt mỏi của tuổi già, ông không muốn nói nhiều về sự việc, nhưng những bị hại đều cho biết, ông là một trong những người mất nhiều tiền nhất vì mua liền 2 lô đất của dự án.

Chưa kịp hết giờ xét xử buổi sáng, bà Lê Hồng Phương (sinh năm 1960), trú tại Hà Nội lại hớt hải vào viện chăm chồng. Chồng bà đang ung thư giai đoạn cuối. Cuộc sống của hai vợ chồng vô cùng khó khăn. Số tiền bà mới chuyển cho Hường là hơn 350 triệu đồng có thể là nhỏ với nhiều người, nhưng với ông bà là cả một tài sản lớn, nhất là lúc này chồng bà đang ốm đau bệnh tật. Bận rộn là thế nhưng bà vẫn nhiệt tình làm đại diện cho các bị hại lo mọi thủ tục, giấy tờ cần thiết để tố cáo các đối tượng lừa đảo. Bà bảo ông đang ốm trong viện không người chăm, bà sốt ruột không thể chờ đợi phiên tòa diễn ra trong hai ngày được nữa. Tranh thủ tham dự buổi sáng một chút rồi những ngày sau sẽ không đến dự vì còn phải chăm chồng.

Vì đây là vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều bị hại, nên sau hai ngày xét xử, phiên tòa nghị án đến ngày 11-7-2022 mới tuyên án. Bị cáo Bạch Thị Thu Hường chịu mức cao nhất là 14 năm tù. Bị cáo Nguyễn Thanh Hải chịu án 12 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Phương và Phạm Mạnh Cường cùng chịu mức án 10 năm tù. Các bị cáo có trách nhiệm phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại.

Tuyên mức án trên, HĐXX nhận định, các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, số lượng bị hại lớn, gây bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, các bị cáo có thái độ ăn năn, hối cải. Số tiền chiếm đoạt các bị cáo đã trả một phần cho các bị hại. Trong vụ án này, Hường phạm tội với vai trò chủ mưu, trực tiếp thu tiền và hưởng lợi. Bên cạnh đó, tòa án xác định các bị hại có một phần lỗi, tham gia vào chuyển nhượng bất động sản nông nghiệp, khi chưa có văn bản của cơ quan nhà nước nên không chấp nhận yêu cầu tính lãi và tổn thất tinh thần.

Trước khi bị dẫn giải ra xe, bị cáo Hường khóc như mưa, vội vã níu kéo người thân. Còn người nhà thì sướt mướt theo chân Hường xuống tận sân tòa Giá như Hường nhận thức được sai lầm ngay từ đầu thì đâu đến mức ngày hôm nay phải rơi nước mắt vì vướng vòng lao lý.

Đầu tư đất để làm giàu là không sai, thế nhưng chọn được dự án, chọn được chủ đầu tư đúng mới là điều đáng nói. Đây cũng là bài học cảnh giác cho những ai đã, đang và muốn đầu tư vào đất để làm giàu. Phải tìm hiểu thật kỹ về dự án trước khi xuống tiền kẻo có ngày phải ôm hận vì dính phải dự án “ma”.

Ngọc Trâm

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/xet-xu-vu-an-cong-ty-co-phan-dau-tu-bat-dong-san-cong-vang-14-nam-tu-cho-bach-thi-thu-huong-i660505/