Xét xử vụ án liên quan ông Trần Bắc Hà: Đưa cháu họ lên làm Giám đốc 'hờ'
Cháu họ của ông Trần Bắc Hà được nhờ đứng tên giám đốc công ty đối mặt với cáo buộc phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù giam hoặc chung thân.
Theo cáo buộc, CTCP Chăn nuôi Bình Hà do ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV chủ trương thành lập năm 2015. Công ty có 3 cổ đông gồm Trần Duy Tùng (con trai ông Hà, đang bỏ trốn), Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà) và Thái Thành Vinh (bạn Trần Duy Tùng, đang bỏ trốn).
Công ty Bình Hà đã lập dự án Đầu tư chăn nuôi bò giống, bò thịt tại Hà Tĩnh và được BIDV cấp tín dụng. Quá trình cho vay và trả nợ đã xảy ra nhiều sai phạm trong các khâu chấp thuận chủ trương tài trợ vốn, thẩm định khách hàng, thẩm định rủi ro, sửa đổi điều kiện cấp tín dụng, thế chấp tài sản... Việc này dẫn đến BIDV chịu thiệt hại 799 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Anh Quang là người có cổ phần tại Công ty Bình Hà. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo khai: “Bị cáo không biết việc cổ phần ở công ty Bình Hà. Năm 2016, khi bị cáo đang làm lái xe ở Bình Định thì chú họ của bị cáo là Trần Duy Tùng có nhờ bị cáo ra Hà Nội theo dõi việc bán bò của Công ty Bình Hà. Sau đó bị cáo về lại Bình Định vì bị cáo không có chuyên môn”.
Đến tháng 8, tháng 9/2016, bị cáo mới biết bị cáo là cổ đông. Khi đó, chú họ bị cáo nhờ đứng tên Tổng giám đốc của Công ty Bình Hà. Bị cáo đã từ chối vì không có trình độ nhưng Trần Duy Tùng nói bị cáo đã có tên cổ đông và thuyết phục bị cáo đứng tên giám đốc.
Giai đoạn từ khi công ty thành lập đến tháng 8, tháng 9/2016, bị cáo không có mặt tại công ty, không tham gia bất cứ hoạt động gì. Bị cáo cũng không nộp tiền góp vốn vào Công ty Bình Hà.
Ở Công ty Bình Hà, Trần Duy Tùng trực tiếp chỉ đạo, điều hành, có giấy tờ gì cần thì bị cáo ký.
Đến năm 2017, Đinh Văn Dũng làm Tổng giám đốc thay cho bị cáo Quang.
Theo kết quả điều tra, theo quy định tại hợp đồng hạn mức, tiền bán bò thu về từ các công ty môi giới và các lò mổ phải chuyển về tài khoản của công ty Bình Hà tại chi nhánh Hà Tĩnh, để ngân hàng kiểm soát và đối trừ công nợ.
Các cổ đông Công ty Bình Hà cũng phải có vốn đối ứng/ tự có theo tỷ lệ. Do không có tiền góp vốn, theo chỉ đạo của con trai Trần Bắc Hà, bị cáo Quang, bị cáo Đinh Văn Dũng và các bị cáo khác đã chiếm đoạt tiền bán bò để góp vốn vào Công ty Bình Hà.
Cụ thể, khi nhận tiền bán bò từ các công ty môi giới gồm Công ty Vĩnh Phát, Công ty Hantechco và các lò mổ, các bị cáo yêu cầu công ty môi giới chuyển tiền vào tài khoản cá nhân các cổ đông trong đó có bị cáo Quang sau đó sử dụng tiền này để nộp tiền góp vốn.
Tổng số tiền bán bò được đưa vào góp vốn cổ phần là 128 tỷ đồng.
Bị cáo Quang cũng thừa nhận, từ năm 2011, Trần Duy Tùng có nhờ bị cáo đứng tên pháp nhân Công ty An Phú (sau này đổi thành Tập đoàn An Phú). Nguyên nhân là vì ông Trần Bắc Hà (ông họ của bị cáo) là Chủ tịch HĐQT BIDV thì công ty của con ông Hà không được phép giao dịch vay ngân hàng. Tuy bị cáo đứng tên nhưng mọi việc đều do Trần Duy Tùng chỉ đạo, điều hành.
Liên quan đến Công ty An Phú, bị cáo Quang còn liên quan hành vi có dấu hiệu rửa tiền 10,4 triệu USD của Trần Duy Tùng tại Lào.
Sau khi phạm tội, Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh đã bỏ trốn nên Cơ quan điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế; đồng thời ra Quyết định tách vụ án hình sự và Quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can đối với Trần Duy Tùng và Thái Thành Vinh, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.