Xét xử vụ án tại BIDV: Cựu lãnh đạo BIDV khai bị cấp trên o ép
Ngày 26-10, phiên tòa xét xử đại án Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thiệt hại khoảng 1.664 tỷ đã dành gần hết buổi chiều để đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng. Đến gần 17 giờ, phiên tòa bắt đầu phần thẩm vấn.
Ngày 26-10, phiên tòa xét xử đại án Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thiệt hại khoảng 1.664 tỷ đã dành gần hết buổi chiều để đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng. Đến gần 17 giờ, phiên tòa bắt đầu phần thẩm vấn.
Là người trả lời xét hỏi đầu tiên, bị cáo Trần Lục Lang, cựu phó tổng giám đốc BIDV, cho biết mình là người ký duyệt trên các báo cáo của ban quản lý rủi ro liên quan hợp đồng cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà. Theo lời khai tại tòa, từ khi nhận hồ sơ, báo cáo của tổ thẩm định chung bị cáo đã thấy dự án có nhiều rủi ro, thiếu tài sản đảm bảo nên yêu cầu phải bổ sung tài sản bảo đảm và kiểm soát chặt vốn tự có.
"Bị cáo thấy khách hàng phải có 30% vốn tài sản tự có nên cần bổ sung, nhưng khi đưa lên thì ông Trần Bắc Hà không đồng ý và đe dọa nếu đề xuất như vậy sẽ cách chức bị cáo. Ông Hà còn nói việc phê duyệt dự án thuộc HĐQT chứ không phải do bị cáo", cựu phó tổng giám đốc BIDV phân trần. Bị cáo Lang khai báo cáo của tổ thẩm định chung đã nêu ra 8 rủi ro nhưng vẫn đề xuất cho Công ty Bình Hà vay vốn. Báo cáo của ban quản lý rủi ro cũng đề xuất cho công ty này vay vốn. Bị cáo ghi một câu vào báo cáo là trình HĐQT chứ không có ý kiến.
"Bị cáo đề xuất cần phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo. Ông Hà đã yêu cầu bị cáo lên và không cho bị cáo đề xuất như này. Ông Hà chửi rất tục, là đề xuất thế này đ. ai làm được mà máy cũng đ. làm được. Bị cáo sau đó cũng không đề xuất lại", ông Lang nói và tiếp tục khai phải chịu sức ép từ ông Trần Bắc Hà.
Quá trình điều tra, bị cáo Trần Lục Lang cũng khai từng đề xuất yêu cầu doanh nghiệp bổ sung vốn tự có và tài sản đảm bảo đáp ứng điều kiện của BIDV nhưng từ sức ép của ông Trần Bắc Hà, khi ký duyệt báo cáo thẩm định bị cáo đã bỏ các điều kiện này. Ban đầu bị cáo chỉ biết Công ty Bình Hà là sản phẩm liên danh giữa Công ty CP Tập đoàn An Phú và Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đến giữa năm 2018 mới biết đây là "sân sau" do ông Hà và con trai lập ra để thực hiện dự án. Ông Lang cho rằng mình "có vai trò mờ nhạt", chỉ tham gia một khâu và có một phần trách nhiệm trong vụ án.
Trả lời xét hỏi, bị cáo Đoàn Ánh Sáng, cựu phó tổng giám đốc BIDV nói cũng bị ông Trần Bắc Hà nhiều lần thúc ép và chỉ đạo ráo riết nên buộc phải ký.
Khi HĐXX đặt vấn đề dù cơ chế nào thì bản chất cho vay phải là tài sản đảm bảo, tại sao tài sản đảm bảo không có, vốn tự có không có mà vẫn cấp tín dụng thì ông Sáng lặng im không trả lời.
Đáng chú ý, tại tòa bị cáo Kiều Đình Hòa, cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, khai trong quá trình giải ngân đã phát hiện Công ty Bình Hà không thực hiện đúng cam kết, không đáp ứng điều kiện theo ủy nhiệm nên đề xuất ngừng giải ngân. Tuy nhiên, ông Hòa cho biết sau đó Công ty Bình Hà đã có đơn phản ánh trực tiếp đến chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà. "Ông Hà khi đó yêu cầu chi nhánh Hà Tĩnh phải thực hiện, nếu không sẽ cách chức giám đốc chi nhánh. Do sức ép nên chi nhánh BIDV Hà Tĩnh sau đó đã có đề xuất đến hội sở sửa đổi một số điều kiện về hồ sơ pháp lý, tỷ lệ vốn tự có... theo đề nghị của Công ty Bình Hà", bị cáo Hòa khai.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV) đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - chi nhánh Hà Tĩnh, chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà (là công ty "sân sau" của Trần Bắc Hà) và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền đặc biệt lớn là 1.664 tỷ đồng.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/78_233596_xet-xu-vu-an-tai-bidv-cuu-lanh-dao-bidv-khai-bi-c.aspx