Xét xử vụ án xảy ra tại BIDV: Các bị cáo nói gì về 'sức ép' của ông Trần Bắc Hà?
Gần cuối giờ chiều nay (26/10), đại diện VKS đã kết thúc phần công bố cáo trạng với 12 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), phiên tòa đã bước sang phần xét hỏi.
Là người đầu tiên trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trần Lục Lang, cựu Phó Tổng giám đốc BIDV phụ trách Ban Quản lý rủi ro tín dụng, thành viên Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư cho biết, với dự án Công ty Bình Hà, khi nhận hồ sơ, bị cáo thấy tài sản đảm bảo còn thiếu, cần bổ sung bởi đó là dự án mới, có nhiều rủi ro; bị cáo cũng yêu cầu bổ sung vốn tự có và tài sản đảm bảo đáp ứng điều kiện của BIDV nhưng không được ông Trần Bắc Hà đồng ý.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử
Vì vậy, bị cáo Lang cho rằng bản thân bị cáo không được quyền ý kiến mà chỉ ký duyệt Báo cáo thẩm định, bản thân bị cáo hiểu chữ ký của mình là đề xuất cho vay nhưng đó là “vô tình đề xuất cho vay”.
Với chức trách, nhiệm vụ của bản thân tại BIDV, bị cáo Lang cho rằng bản thân chỉ đóng vai trò mờ nhạt trong việc cho vay bởi việc cho vay phải được thẩm định, kiểm soát, nhưng bị cáo không tham gia vào giai đoạn thẩm định hay kiểm soát. Chữ ký của bị cáo là nhằm vào việc phân tích tính rủi ro, quyết định là của HĐQT. Bị cáo Lang nói: “Bị cáo chỉ là một công đoạn trong quy trình này và bị cáo cũng có một phần trách nhiệm trong quá trình này”.
Cũng trong phần xét hỏi, bị cáo Đoàn Ánh Sáng, cựu Phó Tổng giám đốc BIDV phụ trách Khách hàng doanh nghiệp, thành viên Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng khai, kết luận báo cáo của Tổ thẩm định chung là có đưa ra tính đặc thù của dự án, năng lực và đề xuất cho vay. Bị cáo không có ý kiến và chỉ ký thống nhất với đề xuất của Tổ thẩm định.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử
Theo cáo trạng, bị cáo Sáng đã ký đồng ý đề xuất cho vay và thay đổi điều kiện cấp tín dụng lần thứ nhất cho Công ty Bình Hà, dẫn đến việc mất vốn của BIDV. Bản thân bị cáo nhận thức do Công ty Bình Hà không đủ điều kiện cấp tín dụng nhưng ông Trần Bắc Hà đã cam kết hỗ trợ vốn vay, chỉ đạo việc vay nên Tổ thẩm định chung phải thực hiện.
Theo cáo buộc, bị cáo Trần Lục Lang, cựu Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rủi ro tín dụng, thành viên Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư đã phê duyệt trên các phiếu lấy ý kiến của Phân ban Quản ký rủi ro tín dụng, đầu tư để đề xuất cho vay và sửa đổi điều kiện cấp tín dụng.
Trên cơ sở quyết định của HĐQT, bị cáo Lang ký các văn bản chỉ đạo Chi nhánh cho vay, giải ngân, sửa đổi 8 lần điều kiện cấp tín dụng; ký đề xuất HĐQT gia hạn hợp đồng hạn mức năm 2016 và đề xuất cấp hạn mức ngắn hạn năm 2017 đối với Công ty Bình Hà, với các điều kiện ưu đãi trái quy định, gây thiệt hại cho BIDV hơn 799 tỷ đồng.
Bị cáo Đoàn Ánh Sáng, cựu Phó Tổng giám đốc phụ trách khách hàng doanh nghiệp, thành viên Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư bị cáo buộc đã ký quyết định thành lập Tổ thẩm định chung; Ký phê duyệt trên báo cáo của Tổ thẩm định chung đề xuất cấp tín dụng.
Bị cáo Sáng còn ký phê duyệt trên các phiếu lấy ý kiến của Phân ban đề xuất cho vay và Phân ban Quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư để đề xuất cho vay và thay đổi điều kiện cấp tín dụng lần thứ nhất trái quy định, gây thiệt hại cho BIDV hơn 799 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, bị cáo Kiều Đình Hòa, cựu Giám đốc BIDV, Chi nhánh Hà Tĩnh, Tổ phó Tổ thẩm định chung đã tiếp nhận, thẩm định, đề xuất phê duyệt tín dụng, cho vay và ký các công văn báo cáo về việc Công ty Bình Hà xin vay vốn.
Bị cáo Hòa đã ký báo cáo đề xuất tín dụng của Tổ thẩm định chung với vai trò Tổ phó; ký công văn và tờ trình đề nghị BIDV 8 lần sửa đổi điều kiện cấp tín dụng đối với dự án. Bị cáo còn ký hợp đồng tín dụng dài hạn, hợp đồng tín dụng hạn mức, đề xuất gia hạn hợp đồng hạn mức và hạn mức tín dụng năm 2017 để cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà vay với điều kiện ưu đãi trái quy định, gây thiệt hại cho BIDV hơn 799 tỷ đồng.
Quá trình giải ngân, cựu Giám đốc BIDV, Chi nhánh Hà Tĩnh Kiều Đình Hòa đã không thực hiện hoặc yêu cầu Công ty Bình Hà thực hiện đầy đủ các điều kiện như Hội sở chính đã phê duyệt..., dẫn đến việc các cổ đông của Công ty Bình Hà chiếm đoạt tiền giải ngân thông qua việc ký hợp đồng với các nhà thầu, chiếm đoạt tiền bán bò qua các công ty môi giới và các chủ lò mổ để dùng vào mục đích cá nhân.
Theo đó, trình bày trước HĐXX bị cáo Hòa cho biết, Chi nhánh có băn khoăn việc khách hàng không đủ điều kiện chung để vay, nhưng anh Trần Bắc Hà yêu cầu cho vay và nói, HĐQT chịu trách nhiệm chính nên Chi nhánh yên tâm.
Bị cáo Hòa tiếp túc cho biết, sau khi giải ngân, bộ phận quan hệ khách hàng đã kiểm tra và khẳng định vốn sử dụng đúng mục đích và đến cuối năm 2017 mới biết khách hàng dùng vốn sai mục đích.
Bị cáo có nhắc nhở bộ phận cho vay kiểm tra, nhưng khách hàng gian dối, cán bộ ngân hàng lại hạn chế kinh nghiệm.
Trước những lời khai trên, HĐXX đã đặt câu hỏi với bị cáo Hòa về việc: Có ai thúc ép bị cáo giải ngân? Bị cáo Hòa khai: Khách hàng gửi thư cho ông Trần Bắc Hà, ông Hà đòi cách chức bị cáo, yêu cầu bị cáo hỗ trợ khách hàng khi khách gặp khó khăn.
Phiên tòa sẽ tiếp tục được làm việc trở lại vào 8h sáng ngày mai (27/10).