Xét xử vụ Ethanol Phú Thọ: Bị cáo Đinh La Thăng vẫn 'xảo biện' về việc chỉ định thầu

Đại diện Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí PVB thừa nhận việc dừng thi công Dự án đã gây thiệt hại hơn 543 tỉ đồng, đúng như cáo trạng đã nêu. Trong khi, bị cáo Đinh La Thăng vẫn 'xảo biện' về việc chỉ định thầu.

PVB thừa nhận thiệt hại do dừng thi công dự án Ethanol Phú Thọ

Phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ được tiếp tục với phần xét hỏi.

Theo cáo trạng, do nhà thầu không đủ năng lực nên trong quá trình thực hiện, Dự án liên tục bị chậm tiến độ, PVC sau đó có báo cáo thừa nhận nhà thầu không đủ năng lực để thực hiện dự án.

Từ tháng 3/2013, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án và chưa có hạng mục nào hoàn thành. PVC đưa ra lý do dừng dự án là vì đơn vị gặp nhiều khó khăn về tài chính, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm quản lý và kết nối các giao diện về công nghệ... Hậu quả đã gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỉ đồng.

 Đại diện Viện kiểm sát tại phiên xét xử sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên xét xử sơ thẩm.

Trình bày tại Tòa, đại diện Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí PVB thừa nhận việc dừng thi công dự án này đã gây thiệt hại đúng như cáo trạng đã nêu.

Trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, đại diện Công ty PVB cho biết, dự án Ethanol Phú Thọ được thi công từ cuối năm 2009, đến tháng 3/2013 phải tạm dừng vì nhà thầu không đủ năng lực để tiếp tục triển khai dự án.

Hiệu quả đầu tư của dự án chưa được phát huy, chi phí đào tạo nhân lực lãng phí, hàng trăm kỹ sư, công nhân, lao động rơi vào tình trạng không có việc làm, trang thiết bị máy móc bị “đắp chiếu,” gây lãng phí cho Nhà nước...

Đinh La Thăng vẫn “xảo biện” về việc chỉ định thầu

Trở lại phòng xét xử sau thời gian bị cách ly, bị cáo Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề nghị HĐXX cho bị cáo tham gia quá trình tố tụng để nắm được nội dung, khi HĐXX hỏi sẽ trả lời đúng vào trọng tâm. Chủ tọa giải thích việc cách ly các bị cáo để đảm bảo tính khách quan trong lời khai. Bị cáo chỉ bị cách ly trong quá trình xét hỏi, còn phần tranh tụng sẽ được tham gia như bình thường.

Đại diện VKS đặt câu hỏi: Vì sao bị cáo chỉ đạo trong năm 2009 PVC tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ tập đoàn giao, trong đó có Dự án Ethanol Phú Thọ?

Bị cáo Thăng cho rằng, nội dung trên được đưa ra trong cuộc họp nội bộ của PVN về kế hoạch sản xuất kinh doanh PVC năm 2009, không liên quan gì đến chỉ định thầu hay các việc khác liên quan Ethanol Phú Thọ. Bởi vì, trong kế hoạch hằng năm, đơn vị có cả công việc có sẵn cũng như công việc sẽ đấu thầu, hoặc chỉ định thầu nên bị cáo có kết luận như vậy.

 Bị cáo Đinh La Thăng.

Bị cáo Đinh La Thăng.

Đại diện VKS hỏi: Chủ trương chung của PVN ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong ngành Dầu khí, khi thực hiện trên thực tế có phải tuân thủ quy định pháp luật? Bị cáo Thăng khai, trước hết là phải thực hiện quy định pháp luật, nhưng đồng thời trong nền kinh tế thị trường và đặc biệt là việc phát huy nội lực thực hiện Kết luận 41 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ là do sản lượng dầu khí Việt Nam có hạn nên phải đẩy mạnh tăng trưởng doanh thu dịch vụ dầu khí từ 10-15% lên 20-25% năm 2015.

Do vậy để thực hiện chủ trương đó, Chính phủ cho phép PVN được chỉ định các đơn vị thành viên thực hiện các dự án mang tính chất đặc thù ngành Dầu khí, trong đó, vốn đầu tư Tập đoàn chiếm trên 50% và dự án các đơn vị thành viên chiếm trên 50% thì sẽ được chỉ định thầu.

Bị cáo Thăng giải thích, ngoài ra, các đơn vị có vốn góp của Tập đoàn hoặc đơn vị thành viên mà không có vốn chi phối thì Tập đoàn sẽ có văn bản giới thiệu đơn vị của PVN tham gia dự án đó.

Bị cáo bao biện, đây là một chủ trương, đương nhiên phải thực hiện quy định pháp luật, nhưng trong nền kinh tế thị trường điều kiện đặc biệt thời kỳ đó thì thực hiện cả văn bản chỉ đạo cá biệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bị cáo triển khai đúng chủ trương, không phải bằng chỉ đạo cá biệt của bị cáo, mà bằng Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng ủy Tập đoàn và Nghị quyết của HĐQT để triển khai.

Trước lời khai trên, đại diện VKS viện dẫn nội dung văn bản của Chính phủ nói rằng đồng ý về nguyên tắc cho Tập đoàn được chỉ định các đơn vị thành viên cung cấp dịch vụ nhằm phát huy nội lực và kích cầu dịch vụ trong nước, nhưng nhấn mạnh yêu cầu Tập đoàn thực hiện đúng quy định pháp luật về chỉ định thầu.

Bị cáo Thăng thừa nhận nội dung VKS đưa ra .

Bị cáo Thăng còn khai về nội dung, trong quy chế hoạt động, Ban chỉ đạo đôn đốc về mặt tiến độ thực hiện chứ không làm thay chủ đầu tư, HĐQT không có nghị quyết nào, chỉ đạo nào với chủ đầu tư và PVC. Tôi chỉ chỉ đạo với tư cách Trưởng ban chỉ đạo, chỉ có nhiệm vụ đôn đốc về mặt tiến độ sớm hoàn thành.

Theo bị cáo Thăng, PVN chỉ chỉ đạo được đối với dự án thông qua người đại diện vốn của PVN tại các đơn vị thành viên và PVB chỉ có 39% vốn của các đơn vị thành viên, do đó, không có quyền quyết định đối với dự án mà quyền là của các cổ đông PVB.

Hà Nhân

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/ky-an/xet-xu-vu-ethanol-phu-tho-bi-cao-dinh-la-thang-van-xao-bien-ve-viec-chi-dinh-thau-102514.html