Xét xử vụ Gang thép Thái Nguyên: Viện kiểm sát không chấp nhận việc chuyển đổi tội danh
Sáng 17-4, phiên tòa xét xử 19 bị cáo trong vụ gây thiệt hại 830 tỷ đồng, xảy ra tại Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) chuyển sang phần đối đáp. Chiều cùng ngày, các bị cáo sẽ được nói lời sau cùng.
Không thực hiện quyền và trách nhiệm được giao
Đối với nhóm bị cáo nguyên là thành viên Hội đồng quản trị TISCO (Nguyễn Chí Dũng, Hoàng Ngọc Diệp, Đoàn Thu Trang) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quá trình tranh luận, 3 bị cáo và luật sư bào chữa cho rằng các bị cáo không phạm tội như truy tố nên không phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Về ý kiến này, đại diện Viện kiểm sát (VKS) nêu quan điểm, 3 bị cáo nói trên là thành viên Hội đồng quản trị, có quyền quyết định cao nhất tại TISCO; có quyền quyết định phương án đầu tư, dự án đầu tư trong thẩm quyền và giới hạn theo quy định; đại diện cho TISCO để quyết định mọi vấn đề liên quan đến mục đích, quyền lợi của TISCO.
Do vậy, khi thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ được giao, các bị cáo phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và Điều lệ của TISCO để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của TISCO và Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS). Tuy nhiên, khi nhận được Tờ trình số 405/Tr-GTTN ngày 4-11-2009 của TISCO đề nghị phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của phần C Hợp đồng EPC (tăng 15,57 triệu USD), các bị cáo chỉ căn cứ vào Văn bản số 1343/VNS-ĐTPT của VNS để cho ý kiến đồng ý với nội dung Tờ trình số 405.
Ba bị cáo nêu trên đã không thực hiện quyền của thành viên Hội đồng quản trị TISCO để yêu cầu lãnh đạo công ty cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để có các thông tin, tài liệu nghiên cứu, xem xét việc điều chỉnh tăng chi phí 15,57 triệu USD cho phần C của hợp đồng EPC. Thay vào đó, các bị cáo đã đồng ý với việc tăng giá cho phần C không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật về hợp đồng EPC, dẫn đến gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.
Các bị cáo phạm tội với lỗi có ý
Quá trình tranh luận, một số luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” cho rằng thân chủ của mình không có lỗi cố ý. Hành vi của bị cáo là buộc phải thực hiện theo ý kiến đã được phê duyệt thực hiện từ cơ quan chủ quản và từ ý kiến tham vấn của các bộ ngành… Trên cơ sở đó, các luật sư đề nghị chuyển đổi tội danh sang tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đối đáp với quan điểm trên, đại diện VKS khẳng định, các bị cáo thuộc TISCO và VNS đều biết giá trị hợp đồng EPC là giá trọn gói, không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng. Mặt khác, quá trình thực hiện hợp đồng, các bị cáo này cũng biết rõ Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm nhiều nội dung…
Thế nhưng Trần Trọng Mừng (nguyên Tổng giám đốc TISCO), Mai Văn Tinh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNS) và các cá nhân có liên quan của TISCO, VNS đã không dừng hợp đồng mà lại chỉ đạo, bàn bạc, trao đổi, đề xuất, thống nhất để tiếp tục ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh chi phí (dự toán) phần C hợp đồng EPC. TISCO cũng tham gia ký hơp đồng thầu phụ theo hình thức đơn giá, trực tiếp nghiệm thu, thanh toán cho nhà thầu phụ, tự chịu mọi rủi ro…
Đại diện VKS xác định, đề xuất này là không có căn cứ, làm phá vỡ nguyên tắc thực hiện hợp đồng theo hình thức trọn gói của hợp đồng EPC, gây bất lợi cho TISCO khi nhà thầu phụ không hoàn thành phần C thì không ràng buộc được trách nhiệm của MCC, tạo điều kiện để MCC có lý do chối bỏ trách nhiệm thực hiện hợp đồng EPC.
TISCO chấp thuận không có căn cứ Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) không đủ năng lực để thực hiện phần C của hợp đồng, dẫn đến hậu quả VINAINCON không thể hoàn thành các phần việc theo thời hạn và hợp đồng đã ký.
Hệ quả của việc này là VINAINCON đã phải trả lại các phần việc chưa khởi công, chưa thi công cho TISCO và TISCO phải ký tiếp 13 hợp đồng thầu phụ với 13 nhà thầu phụ khác nhằm tiếp tục thực hiện phần C dưới hình thức hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Nhưng đến thời điểm hết hạn hợp đồng (ngày 31-5-2011) vẫn không thể hoàn thành công việc của phần C và dự án đã phải dừng thi công.
VKS kết luận, đây chính là nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh tăng lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước. Do vậy, có đủ căn cứ xác định các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” với lỗi cố ý. Không có căn cứ chuyển đổi tội danh cho các bị cáo như quan điểm của luật sư.
Sau phần đối đáp của đại diện VKS, luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục tranh luận. Trong đó, phần lớn các luật sư tập trung nêu và phân tích thêm nhiều luận điểm xoay quanh nội dung các bị cáo thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, việc ký Tờ trình số 405, trách nhiệm trong việc thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên…