Xét xử vụ gian lận thi cử ở Hòa Bình: Lời sau cùng, các bị cáo nói gì?
Ngày 16-5, phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi xảy ra tại Hòa Bình kết thúc phần tranh luận. Trước khi tòa tuyên án, các bị cáo được nói lời sau cùng.
Nói lời sau cùng, bị cáo Khương Ngọc Chất, cựu Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, CA tỉnh Hòa Bình cho rằng, bị oan và vẫn đề nghị được triệu tập điều tra viên, 2 cán bộ CA cấp dưới đến đối chất. "Nếu HĐXX vẫn tuyên án, tôi sẽ kêu oan đến cùng để được xem xét khách quan và tuyên vô tội. Đời tôi chưa xong thì đến đời con, đời cháu tôi cũng phải kêu oan để chứng minh tôi không phạm tội" - lời bị cáo Khương Ngọc Chất.
Bị cáo Nguyễn Thị Thu Loan, giáo viên trường THPT Lạc Long Quân, TP Hòa Bình, thừa nhận là người có lỗi và đáng trách khi đã để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình. Bị cáo mong HĐXX độ lượng để thấy mình đáng thương nhiều hơn đáng trách. Trong 13 tháng bị tạm giam, bị cáo đã đi đến tận cùng của nỗi đau cả về vật chất và tinh thần. Chỉ vì sự sai lầm nhất thời, bị cáo mất hết công việc, niềm tin với mọi người. Loan nhận "là một tấm gương mờ" và xin được mở cánh cửa trở về cuộc đời. Nói xong lời sau cùng, bị cáo Loan đã ngất xỉu.
Trước HĐXX, bị cáo Nguyễn Quang Vinh, cựu Trưởng phòng khảo thí, Sở GD&ĐT Hòa Bình, cũng bật khóc và cho rằng, không lợi dụng chức vụ như cáo buộc mà chỉ sai về quy chế. Trước kỳ thi, nhiều người nhờ xem điểm nhưng ông đều từ chối. Bị cáo Vinh cho rằng, do chủ quan, tin tưởng những người làm cùng nên mới phải "trả giá như bây giờ", bị cáo mong HĐXX có phán quyết khách quan, công bằng.
Đối với bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn, cựu Hiệu phó trường Dân tộc nội trú huyện Lạc Thủy, đã gửi lời xin lỗi đến toàn ngành giáo dục, các học sinh, phụ huynh vì ông mà bị ảnh hưởng. Nói rằng không biết dùng lời nào để bào chữa cho hành vi sai phạm của mình nên ông thành khẩn để thể hiện sự ăn năn, hối cải. Theo bị cáo Tuấn, trong phiên tòa này đã phải nhận nhiều cáo buộc của các luật sư và bị cáo khác cho rằng, Tuấn nói không đúng sự thật, vu oan để có lợi cho mình. Bị cáo không giải thích về điều đó mà chỉ khẳng định đã khai chính xác. Tuấn giãi bày, trải qua mọi thăng trầm của ngành giáo dục, chứng kiến nhiều cô giáo vì sự khó khăn mà bỏ nghề nhưng chưa bao giờ nghĩ phải ra hầu tòa với tư cách người thầy giáo có vi phạm trong lĩnh vực giáo dục như bây giờ. "Mọi sai phạm của bị cáo chỉ vì sự lôi kéo của người khác" - lời Tuấn.
Diệp Thị Hồng Liên thể hiện sự ăn năn hối hận về hành vi của mình vì đã gây hệ lụy cho ngành giáo dục. Bị cáo đã đặt gánh nặng tinh thần lên cho chồng con. Liên mong HĐXX cho bị cáo cơ hội sớm làm lại cuộc đời để nhanh quay lại xã hội.
Các bị cáo còn lại đều gửi lời xin lỗi đến mọi người, mong được hưởng khoan hồng của pháp luật để có một bản án nhân văn và hợp lý. Bên cạnh sự ăn năn, hối hận của hầu hết các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi này, vẫn có bị cáo Đào Ngọc Thuật kêu oan.
HĐXX quyết định kéo dài thời gian nghị án và sẽ tuyên án vào ngày 21-5.
Bị cáo Loan bị VKSND tỉnh Hòa Bình đề nghị tuyên phạt 2 - 2 năm 6 tháng tù về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì trực tiếp yêu cầu các cán bộ chấm thi nâng điểm môn Ngữ văn cho 10 thí sinh. Trình bày lý do phạm tội, tại tòa, bị cáo Loan cho biết, đã nhận thông tin các thí sinh từ bị cáo Diệp Thị Hồng Liên – nguyên Trưởng phòng khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình sau đó yêu cầu giáo viên trong tổ mình nâng điểm. Bị cáo trình bày, chấm lệch điểm vì nghĩ đó là hành vi có lợi và: “Không gây tổn hại cho học sinh nên đã cần mẫn làm một việc sai trái”. Tuy nhiên, việc phạm tội là do nể nang, tình cảm lấn át lý trí... Bị cáo Loan cũng cho hay, chưa khi nào nghĩ đi tù vì chấm thi, nếu biết đã bỏ nghề. Đến giờ, bị cáo rất ân hận và không ngờ sự năng nổ nhiệt tình của mình lại trở thành tình tiết buộc tội bản thân.