Xét xử vụ 'hét giá' đất 30 tỷ đồng/m2; Sóc Sơn đấu giá lại khu đất từng bị 'thổi giá'
Bộ Xây dựng: Nghiên cứu mô hình để chuyển đổi số, liên thông trong giao dịch nhà, đất; Hầu hết chủ đầu tư âm dòng tiền hoạt động; Hưng Yên liên tục mở đấu giá đất, giá khởi điểm cao nhất lên tới 6,2 tỷ đồng/lô.
Dưới đây là các thông tin bất động sản nổi bật trong tuần:
Bộ Xây dựng: Nghiên cứu mô hình để chuyển đổi số, liên thông trong giao dịch nhà, đất
Mới đây, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm lành mạnh hóa thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng đề xuất đề án thí điểm mô hình trung tâm giao dịch bất động sản do Nhà nước quản lý. Ảnh: Thanh Vũ
Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nghiên cứu đề xuất đề án thí điểm mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý. Mô hình này sẽ hướng đến việc giao dịch qua hình thức điện tử, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và tăng cường tính công khai, minh bạch của giao dịch bất động sản trên thị trường.
Bên cạnh đó, trung tâm thông tin của Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Công an cập nhật, hoàn thiện, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà ở và thị trường bất động sản kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công chứng, đất đai, đầu tư, hoạt động xây dựng.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các Bộ Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu mô hình giao dịch chứng khoán, từ đó thực hiện chuyển đổi số liên thông các thủ tục giao dịch bất động sản, công chứng, thuế và đăng ký giao dịch đất đai trên môi trường điện tử.
Hầu hết chủ đầu tư bất động sản vẫn trong cảnh âm dòng tiền hoạt động
Báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh cả năm 2024 của 30 chủ đầu tư bất động sản nhà ở niêm yết lớn nhất theo doanh thu do VIS Rating thực hiện cho thấy, trong quý IV/2024, các chủ đầu tư ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đáng kể, lên đến 183% so với cùng kỳ năm 2023, góp phần làm tăng 8% doanh thu cho cả năm 2024.

Dòng tiền của nhiều doanh nghiệp bất động sản trở nên suy yếu trong năm 2024. Ảnh: Lê Toàn
Tuy nhiên, tổng lợi nhuận ròng vẫn giảm 7% do chi phí lãi vay cao hơn cũng như khoản lỗ hoạt động của các chủ đầu tư đang phải đối mặt với các vấn đề pháp lý, bao gồm NRC, NBB và LDG.
Ngược lại, các chủ đầu tư lớn như DXG - công ty mẹ của Hà An (BBB, ổn định), NLG và VHM, ghi nhận biên lợi nhuận cao hơn sau khi hoàn thành các dự án quan trọng của họ, chủ yếu ở phân khúc thấp tầng.
Đáng chú ý, nguồn tiền mặt của ngành đã tăng 46% so với cùng kỳ trong năm 2024, đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, nhờ vào dòng tiền mạnh mẽ từ hoạt động đầu tư và tài chính.
Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động vẫn âm đối với hầu hết các chủ đầu tư trong năm 2024, khi nhiều chủ đầu tư đã gia tăng giải ngân để đẩy nhanh phát triển dự án sau khi nhận được phê duyệt pháp lý và dự kiến sẽ mở bán dự án vào năm 2025 (ví dụ: VHM, KDH, PDR). Một số chủ đầu tư khác vẫn đang vướng tình trạng chậm trả gốc, lãi trái phiếu và các vấn đề pháp lý dự án (ví dụ: NVL, NBB).
"Mặc dù có sự cải thiện trong việc ghi nhận doanh thu và nguồn tiền mặt nhưng lợi nhuận và dòng tiền hoạt động của các chủ đầu tư tiếp tục suy yếu vào năm 2024. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, năm 2025 sẽ là một năm có hiệu quả hoạt động tốt hơn cho các chủ đầu tư”, ông Dương Đức Hiếu, Giám đốc, chuyên gia phân tích cao cấp, VIS Rating nhận định.
Sóc Sơn đấu giá lại khu đất từng bị trả giá 30 tỷ đồng/m2
Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân vừa ra thông báo đấu giá quyền sử dụng 36 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Diện tích các lô đất dao động từ 90 - 220,6 m2. Mức giá khởi điểm là hơn 9,1 triệu đồng/m2, cao hơn hơn gần 7 triệu đồng so với phiên đấu giá trước.

Khu đất đấu giá bị "thổi" lên 30 tỷ đồng/m2 tại Sóc Sơn. Ảnh: Phan Thiên
Như vậy, mỗi lô đất sẽ có giá khởi điểm từ 821 triệu - 2 tỷ đồng. Khoản tiền đặt cọc tương ứng sẽ từ 164 - 400 triệu đồng/thửa.
Thay vì đấu giá tối thiểu 6 vòng với bước giá 3 triệu đồng/m2 như trước, phiên đấu giá mới sẽ được tổ chức theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp trong một vòng, bước giá là 100.000 đồng/m2.
Hạn cuối tiếp nhận hồ sơ đăng ký đấu giá là ngày 5/3. Thời điểm tổ chức phiên đấu giá là ngày 8/3.
Vào tháng 12/2024, phiên đấu giá đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến đã gây xôn xao dư luận khi có người trả giá lên tới 30 tỷ đồng/m2. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP. Hà Nội đã tạm giữ, điều tra 5 đối tượng liên quan về hành vi Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.
Xét xử vụ "thổi giá" 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn
Mới đây, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội ra quyết định mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 6 bị cáo trong vụ án “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, theo Điều 218 Bộ luật Hình sự.
Vụ án sẽ được xét xử lưu động vào ngày 6/3/2025, tại Hội trường UBND xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn). Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Trần Nam Hà.

Các đối tượng trong vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 đất tại huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.
Đây là vụ án được dư luận hết sức quan tâm, đặc biệt là các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực kinh doanh, môi giới bất động sản.
Liên quan tới vụ án, Phạm Ngọc Tuấn (sinh năm 1991) bị đưa ra xét xử về tội “vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”. Cùng tội danh, các bị cáo khác là lao động tự do, gồm: Ngô Văn Dương (sinh năm 1994); Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1992); Nguyễn Thị Quỳnh Liên (sinh năm 1981); Nguyễn Thế Trung (sinh năm 1994); Nguyễn Thế Quân (sinh năm 1994).
Trước đó, các bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội truy tố theo khoản 2, Điều 218 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Cáo trạng xác định, tháng 11/2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn đã ký hợp đồng với Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân để tổ chức đấu giá 58 thửa đất có diện tích từ 90 m2 đến 224 m2 tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Theo quy chế đấu giá do Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân đưa ra, hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp qua 6 vòng bắt buộc từng thửa đất theo phương thức giả giá lên, bước giá là 3 triệu đồng/m2.
Tại vòng 2 trở đi, người tham gia đấu giá có thể viết nội dung “không tiếp tục trả giá”. Từ vòng này, mức giá khởi điểm là mức giá trả cao nhất tại vòng trước liền kề.
Người trả giá tại vòng 6 là người trúng đấu giá; song nếu khách hàng ghi vào phiếu là “không tiếp tục trả giá”, thì thửa đất đó không được bán.
Sau khi biết được thông tin trên, từ ngày 26/11/2024 đến ngày 29/11/2024, Phạm Ngọc Tuấn rủ Ngô Văn Dương cùng chung vốn và nhờ Dương tìm thêm 5 người khác để đăng ký tham gia đấu giá 58 thửa đất.
Tuấn sau đó mua 58 bộ hồ sơ và hướng dẫn các đồng phạm hoàn thiện hồ sơ, nộp tiền đặt cọc đăng ký tham gia đấu giá các thửa đất này.
Do có kinh nghiệm trong thẩm định giá, đấu giá đất nên Tuấn tìm hiểu thông tin các thửa đất, xác định giá trị từng thửa, nghiên cứu quy chế đấu giá và các quy định liên quan, sau đó tự soạn bảng thống kê thông tin chi tiết các thửa đất, tên 6 người đăng ký từng thửa đất, giá tối đa cần trả từng thửa.
Theo cách tính của Tuấn, giá có thể mua được các thửa đất thấp nhất là gần 23,5 triệu đồng/m2 và cao nhất là 32,5 triệu đồng/m2.
Tiếp đó, Tuấn hướng dẫn các bị cáo đồng phạm, thống nhất cách thức thực hiện. Cụ thể, từ vòng thứ nhất đến vòng thứ 4 sẽ đấu giá theo trình tự, trả giá dưới mức giá mà Tuấn ấn định từ trước. Kết quả đấu giá ở vòng thứ 4, nếu thấy những người tham gia đấu giá khác trả giá vượt mức tối đa mà Tuấn đã ấn định thì đến vòng thứ 5, các bị cáo sẽ trả giá cao bất thường.
Trong trường hợp tới vòng thứ 6, các bị cáo sẽ không trả giá nhằm mục đích để phiên đấu giá không thành công, buộc phải tổ chức đấu giá lại.
Cơ quan tố tụng xác định, trong phiên đấu giá này, có 36/58 thửa đất bị nhóm trên thông đồng, cố ý nâng giá các thửa đất ở vòng thứ 5 với giá cao bất thường từ 59.488.000/m2 đến 30.002.488.000 đồng/m2.
Đến vòng thứ 6, tất cả 6 bị cáo trên đều không bỏ giá, nên phiên đấu giá đã không tổ chức thành công.
Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại tổng cộng gần 420 triệu đồng, trong đó gây thiệt hại cho Công ty Đấu giá hợp danh Thanh Xuân hơn 252 triệu đồng; gây thiệt hại cho 230 người mua hồ sơ tham gia đấu giá với số tiền hơn 165 triệu đồng.
Hà Nội giao hơn 1,9 ha đất cho huyện Thường Tín đấu giá
UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 802 về việc giao 19.389,8 m2 đất tại xã Hà Hồi cho UBND huyện Thường Tín để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất.
UBND Thành phố yêu cầu UBND huyện Thường Tín liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện thủ tục bàn giao đất tại thực địa theo quy định. Tổ chức thực hiện dự án đầu tư đảm bảo quy hoạch tổng thể, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu vực.
Từ tháng 8 đến tháng 10/2024, huyện Thường Tín đã tổ chức nhiều phiên đấu giá đất. Dù không phải phiên nào cũng ghi nhận tỷ lệ trúng đấu giá 100% nhưng địa phương vẫn thu về hàng chục đến cả trăm tỷ đồng sau mỗi lần tổ chức. Trong cả năm 2024, huyện ước tính đã thu ngân sách hơn 700 tỷ đồng từ việc đấu giá đất.
Hưng Yên liên tục mở đấu giá đất, giá khởi điểm cao nhất lên tới 6,2 tỷ đồng/lô
Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam đã phát thông báo đấu giá 41 lô đất tại xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu.
Diện tích các thửa dao động từ 73,5 - 133 m2. Với mức giá khởi điểm từ 25 - 48,75 triệu đồng/m2, tổng giá trị của mỗi lô từ 1,9 - 6,2 tỷ đồng. Số tiền đặt cọc tương ứng sẽ từ 380 triệu - 1 tỷ đồng.
Phiên đấu giá sẽ diễn ra theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng, bước giá là 200.000 đồng. Hạn cuối nộp hồ sơ tham gia đấu giá là ngày 28/2. Thời điểm tổ chức dự kiến là ngày 5/3 tại khu trung tâm thương mại Dân Tiến.

Ngay sau khi qua Tết Nguyên đán, nhiều địa phương đã tấp nập mở lại các phiên đấu giá đất. Ảnh: Thanh Vũ
Cũng tại huyện Khoái Châu, Công ty đấu giá hợp danh Sao Mai Group sẽ tổ chức đấu giá 68 lô đất tại khu dân cư nông thôn mới Xuân Đình, xã Phạm Hồng Thái.
Diện tích các thửa dao động từ 118 - 182 m2. Mức giá khởi điểm từ 20 - 26,4 triệu đồng/m2, tổng giá trị của mỗi lô từ 2,4 - 4,8 tỷ đồng. Với quy định mức đặt cọc bằng 20% giá khởi điểm, số tiền đặt trước tương ứng sẽ từ 480 - 961 triệu đồng/lô.
Phiên đấu giá sẽ diễn ra theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng, bước giá là 100.000 đồng. Hạn cuối nộp hồ sơ tham gia đấu giá là ngày 6/3. Thời điểm tổ chức dự kiến là ngày 11/3 tại nhà văn hóa xã Phạm Hồng Thái.
Một đơn vị tổ chức khác là Công ty Đấu giá hợp danh Lạc Việt cũng đã thông báo tổ chức đấu giá 4 thửa đất thuộc địa bàn thôn Ấp 12, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi. Dù số lượng lô đất không nhiều nhưng phiên đấu giá vẫn có “sức nóng” riêng vì huyện Ân Thi từng ghi nhận những lô đất được đấu trúng với giá lên tới 120 triệu đồng/m2.
Trong phiên đấu giá sắp tới, diện tích các thửa đất dao động từ 104 - 112 m2. Mức giá khởi điểm đều đồng loạt ở mức 16 triệu đồng/m2, tổng giá trị tương ứng sẽ từ 1,6 - 1,8 tỷ đồng/lô. Số tiền đặt trước cho mỗi thửa sẽ khoảng 335 - 361 triệu đồng.
Phiên đấu giá sẽ diễn ra theo hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng, bước giá là 100.000 đồng. Hạn cuối nộp hồ sơ tham gia đấu giá là ngày 26/2. Thời điểm tổ chức dự kiến là ngày 2/3 tại nhà văn hóa xã Bãi Sậy.
Trước đó, trong tháng 2/2025, huyện Ân Thi đã tổ chức đấu giá hơn 300 thửa đất. Trong đó, 273 thửa tọa lạc tại thị trấn Ân Thi, 32 thửa nằm tại xã Bãi Sậy.
TP.HCM: Rà soát quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội
Văn phòng UBND TP.HCM đã thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường tại cuộc họp chuyên đề về nhà ở xã hội.
Theo đó, đối với 953 căn hộ chung cư tại khu dân cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), UBND Thành phố giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát hồ sơ và thực hiện theo nội dung chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.

Trong năm 2025, TP.HCM dự kiến có thêm 4 dự án nhà ở xã hội với quy mô 2.874 căn hoàn thành. Đồng thời khởi công xây dựng 8 dự án với 7.945 căn hộ.
Đề nghị Liên đoàn Lao động TP.HCM khẩn trương có văn bản thể hiện ý kiến liên quan trình tự, thủ tục giao cơ quan tiếp nhận quản lý tài sản, đơn vị vận hành, khai thác sau tiếp nhận… gửi Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND TP.HCM.
Đối với 8 khu đất dự kiến xây dựng nhà ở xã hội, UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch Kiến trúc rà soát, đánh giá có phù hợp quy hoạch không để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê. Trường hợp không phù hợp thì nghiên cứu, đề xuất cần điều chỉnh nội dung gì để ưu tiên phát triển nhà ở xã hội; có văn bản gửi Sở Xây dựng.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao khẩn trương rà soát pháp lý đối với 8 khu đất theo nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM và ý kiến của Ban chỉ đạo 167 (Sở Tài chính).
Giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tổng hợp ý kiến nêu trên và căn cứ quy định pháp luật để đề xuất về trình tự, thủ tục và các bước thực hiện tiếp theo để xây dựng nhà ở xã hội trình UBND TP.HCM xem xét, quyết định.
Đối với 3 khu đất mời gọi đầu tư, gồm khu đất tại phường Trường Thạnh (TP. Thủ Đức), khu đất tại lô số 6 (phường Tân Thới Nhất, quận 12) và khu A, B, C tại dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp tại phường Hiệp Thành, quận 12. UBND TP.HCM giao Sở Kế hoạch Đầu tư rà soát, có ý kiến xác định rõ việc đấu thầu thực hiện theo pháp luật đất đai hay theo pháp luật về ngành, lĩnh vực.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, có ý kiến xác định các khu đất nêu trên có thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định tại khoản 5, Điều 72 Luật Đất đai năm 2024 hay không.
UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng làm việc với tất cả các nhà đầu tư đã đăng ký hưởng ứng tham gia phát triển nhà ở xã hội tại quỹ đất của doanh nghiệp để tổng hợp, lập danh mục báo cáo UBND Thành phố chỉ đạo, tháo gỡ.
Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ sẽ xem xét, cho chủ trương về một số dự án bất động sản
Tại Lễ kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ cho biết, địa phương còn 17 dự án cần đưa ra Ban Thường vụ Thành ủy để xin chủ trương. Hiện nay, UBND Thành phố đã tập hợp tất cả các hồ sơ, báo cáo cụ thể từng dự án, có đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy. Khi có chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, giúp đỡ để các doanh nghiệp triển khai các dự án trên địa bàn.
Về việc xác định, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tính tiền sử dụng đất, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ cho rằng đây là vấn đề rất nhạy cảm. Vừa qua Thành phố đã định giá để thu tiền sử dụng đất 2 dự án. Trong quý I này, Thành phố sẽ tiếp tục thu tiền sử dụng đất của một số dự án. Thành phố quyết tâm năm nay cơ bản thu tiền sử dụng đất tất cả các khu đất đã có quyết định giao đất.