Xét xử Vũ 'Nhôm' và 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng: Luật sư đề nghị giải mã một số văn bản mang tính chất mật
Trong phần thủ tục, một số luật sư đề nghị giải mã một số văn bản mang tính chất mật; đề nghị Tòa, VKS có những hướng dẫn minh bạch rõ ràng tại tòa để luật sư chủ động sử dụng một số tài liệu mật, tuyệt mật trong hồ sơ vụ án.
Ngày 2/1, TAND TP Hà Nội sẽ đưa hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng, Vũ Nhôm và 18 người khác ra xét xử vì có sai phạm trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát và vi phạm trong quản lý đất đai.
Trong phần thủ tục, theo báo cáo của nữ thư ký, bị cáo Phan Ngọc Thạch vắng mặt và có đơn xin xét xử vắng mặt. Ngoài ra, trong số 37 người và tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, hôm nay, nhiều người đã không tới tòa…
Khi được hỏi có ý kiến gì về phần thủ tục không, đại diện VKS cho rằng việc vắng mặt bị cáo Thạch không ảnh hưởng tới việc xét xử vì bị cáo đã có lời khai đầy đủ tại cơ quan điều tra. Do đó, đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.
Phía luật sư bào chữa cho bị cáo, một số luật sư đề nghị Tòa triệu tập thêm nhân chứng, đại diện của Bộ Tài nguyên môi trường.
“Trong hồ sơ vụ án có một số tài liệu mật và tuyệt mật, đề nghị Tòa, VKS có những hướng dẫn minh bạch rõ ràng tại tòa để chúng tôi chủ động sử dụng”, luật sư Trần Việt Hùng – bào chữa cho bị cáo Văn Hữu Chiến nói đồng thời đề nghị Tòa cho những bị cáo cao tuổi, bị cáo có sức khỏe yếu được ngồi nghe cáo trạng, trình bày.
Ngoài luật sư Hùng, một luật sư khác cũng đề nghị Tòa giải mã một số văn bản mang tính chất mật và muốn được nghe phần thu giữ tài sản của bị cáo chưa được công bố, trong đó có bị cáo Phan Văn Anh Vũ…
Sau khi hội ý, chủ tọa cho biết việc các luật sưu yêu cầu triệu tập thêm đại diện Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Tài chính, 5 Công ty thẩm định giá, Tòa ghi nhận và sẽ tiếp tục triệu tập thêm trong quá trình xét xử. Đối với việc tiếp cận các tài liệu mật, nếu chưa giải mật, chủ tọa cho biết Tòa sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan giải mật.
Đối với đề nghị của luật sư liên quan tới việc xác định tư cách của bị cáo Vũ tham gia đại diện cho các công ty, tòa sẽ xem xét trong quá trình xét xử vụ án, việc công bố thu giữ các tài sản đã có trong kết luận điều tra, các luật sư tự tìm hiểu.
21 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm ông Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ năm 2006-2011), Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ năm 2011-2014), Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 79, Công ty cổ phần Bắc Nam 79, Công ty trách nhiệm hữu hạn I.V.C, Công ty cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc)...
Họ bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Trong đó 2 cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng và Phan Văn Anh Vũ bị truy tố, xét xử về cả 2 tội danh trên.
Theo cáo trạng , các bị cáo trong vụ án là người giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của UBND TP Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và bộ máy hành chính của TP Đà Nẵng, lãnh đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, vì những động cơ khác nhau, họ đã cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, các quy định về quản lý đất đai, giúp cho Phan Văn Anh Vũ thu lợi bất chính đặc biệt lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, Trần Văn Minh và đồng phạm đã tạo điều kiện cho Vũ “Nhôm” trực tiếp được nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà đất công sản và 6/7 Dự án đất. Điều này tạo cơ hội cho Phan Văn Anh Vũ có quyền quyết định việc chuyển nhượng, khai thác, sử dụng… nhằm trục lợi.
Trong vụ án này, Nhà nước bị thiệt hại tổng số tiền là hơn 22.000 tỷ đồng.