XÉT XỬ VỤ TỐNG TIỀN CSGT: Án tuyên, nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ
Vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, tuy nhiên HĐXX cho rằng không có căn cứ trả hồ sơ điều tra bổ sung
Sau nhiều ngày nghị án, sáng 7-8, TAND TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã tuyên án vụ tống tiền CSGT Tiền Giang. Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phan Dũng (SN 1964, thời điểm bị bắt là phóng viên Báo Nhân đạo và Đời sống) 8,5 năm tù và Nguyễn Văn Uần (SN 1979) 7 năm tù giam.
Không mâu thuẫn nhưng ai cũng khai Hiển
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhận định: "Tại cơ quan điều tra (CQĐT) và tại tòa, lời khai của bị cáo, bị hại và những người liên quan cho rằng Mai Xuân Hiển (SN 1980), nguyên phóng viên Báo Nhân đạo và Đời sống, trực tiếp tham gia. Cụ thể, Hiển có đi cùng xe với Uần và Dũng khi quay clip lực lượng CSGT. Hiển cũng đi cùng Uần, Dũng đến Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang để gặp anh L.A.T. Tại đây, Hiển mang máy tính xách tay và mở máy tính đọc cho anh L.A.T nghe bài báo viết sẵn có liên quan đến công tác tuần tra, xử lý của tổ công tác CSGT Công an Tiền Giang có nội dung: "… chặn dừng nhiều xe, kiểm tra chớp nhoáng…" và nói "Mai sẽ đăng bài báo này lên trang của Báo Nhân đạo và Đời sống"… Tuy nhiên, Hiển không thừa nhận và Công an Tiền Giang cũng không có chứng cứ gì chứng minh nên không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hiển. Vì vậy, việc luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung để không bỏ lọt tội phạm và gây oan sai là không có căn cứ".
Trước đó, tại phần xét hỏi, luật sư bào chữa cho bị cáo Uần hỏi bị hại L.A.T: "Anh và Mai Xuân Hiển có quan hệ gì?". Anh T. đáp: "Không có quan hệ gì". Luật sư hỏi: "Anh và Hiển có mâu thuẫn không?". T. đáp: "Không có mâu thuẫn gì". Tương tự, luật sư hỏi bị cáo Uần và bị cáo Dũng có mâu thuẫn với Hiển không, cả hai đều đáp: "Làm chung cơ quan nên không có mâu thuẫn và Hiển là tổ trưởng của bị cáo".
"HĐXX cần xem xét vì sao bị hại, bị cáo và cả hai nhân chứng là những người đang thực thi công vụ đều khẳng định Hiển dùng laptop đe dọa anh L.A.T rằng sẽ đăng bài báo. Những người này không ai có mâu thuẫn với Hiển, vì sao cùng khai chính Hiển là chủ mưu?" - luật sư nêu vấn đề.
Trong phần thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa cũng hỏi Hiển: "Anh quen ai ở Phòng CSGT Công an Tiền Giang mà đến đó?". Hiển đáp: "Không quen ai nhưng do anh Dũng rủ đi chào xã giao". Tòa hỏi tiếp: "Chào xã giao sao phải đưa thẻ phóng viên cho anh L.A.T làm gì?". Hiển nói: "Để anh T. biết tôi là phóng viên". Tòa truy tiếp: "Anh mang laptop vào phòng anh T. làm gì?". Hiển trả lời: "Sợ mất tài sản nên không để trên xe". Tòa truy thêm: "Trên xe lúc này còn có Uần sao không mang hết ba lô vào mà chỉ mang laptop…?"... Tuy nhiên, những câu hỏi này vẫn chưa được làm sáng tỏ tại phiên tòa.
Đi theo... chơi, không tống tiền (?!)
Từ ngày 28 đến 29-7-2018, khi Uần và Dũng đến các tỉnh miền Tây quay clip lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ, đều có Hiển trên xe đi cùng. Thậm chí khi vào Phòng CSGT gặp anh L.A.T, Hiển cũng cùng vào. Tại tòa, trả lời câu hỏi của vị hội thẩm nhân dân: "Anh đi theo cả 2 ngày ở Tiền Giang làm gì?". Hiển đáp: "Đi theo chơi". Tòa hỏi: "Khi Dũng vào khách sạn chờ anh T. mang tiền đến, anh làm gì?". Hiển nói: "Tôi và Uần đi ra cầu Rạch Miễu chơi, có… chụp hình nữa".
Trong khi đó, trả lời câu hỏi: "Khi Hiển kêu bị cáo quay lại khách sạn đón Dũng, Hiển ở đâu?", bị cáo Uần đáp: "Tôi và Hiển cũng đi chung xe quay lại đón Dũng và cùng nhau về TP HCM. Về hết cao tốc, Dũng kêu dừng xe bước xuống còn tôi và Hiển chạy thêm một đoạn uống cà phê. Sau đó, Hiển kêu tôi quay lại đón Dũng, còn Hiển đón xe khác bỏ về. Lúc tôi quay lại thì bị bắt".
Vấn đề này, luật sư của Uần cho rằng: "Cả 2 ngày, 3 người đi chung về Tiền Giang 2 lần; cả Dũng, Uần đều khai Hiển là tổ trưởng tổ công tác, Uần chỉ có nhiệm vụ lái xe. Nếu không làm rõ các nội dung này thì có nhiều dấu hiệu bỏ sót tội phạm và gây oan sai. Uần chỉ là lái xe nên đề nghị tòa xem xét chuyển tội danh cho Uần sang tội "Không tố giác tội phạm...".
Ngoài ra, theo kết luận điều tra, "chiếc laptop Hiển sử dụng khi cơ quan điều tra yêu cầu giao nộp thì Hiển khai đã bị mất…". Đối với 2 máy quay phim Dũng và Uần đã sử dụng để quay phim CSGT, quá trình điều tra Dũng khai nhận 2 máy trên Dũng để trên ôtô có Hiển và Uần trước khi xuống xe nhận tiền của anh T. Tuy nhiên, Hiển khai khi xuống xe đi về Quảng Bình, Hiển không lấy tài sản gì của Dũng (kể cả 2 máy quay phim nêu trên). Đồng thời, khi bắt khẩn cấp Uần, CQĐT có thu giữ ôtô nhưng không tìm thấy 2 máy quay phim trên. Qua kết quả đối chất và kết quả điều tra đến nay, CQĐT không thu hồi được vật chứng này.
Tống tiền 250 triệu đồng
Theo cáo trạng, sau khi quay được clip lực lượng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang đang làm nhiệm vụ tuần tra, xử phạt, Dũng và Uần sử dụng đoạn clip này để đe dọa, yêu cầu anh L.A.T (đội trưởng một đội CSGT Công an tỉnh Tiền Giang) đưa 250 triệu đồng, nếu không sẽ đăng báo. Trong khi Dũng đang nhận tiền từ anh T. thì bị Công an Tiền Giang phối hợp Công an TP HCM bắt quả tang.