Xét xử vụ Trần Bắc Hà: Cựu Phó TGĐ BIDV nhận 8 năm tù

Hôm nay (2/10), HĐXX phiên tòa xét xử vụ Trần Bắc Hà tuyên phạt cựu Phó TGĐ Ngân hàng BIDV mức án 8 năm tù.

Đối với những bị cáo bị truy tố tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, HĐXX tuyên phạt:

Bị cáo Trần Lục Lang (cựu Phó TGĐ BIDV): 8 năm tù

Đoàn Ánh Sáng (cựu Phó TGĐ BIDV): 6 năm 6 tháng năm tù;

Kiều Đình Hòa (cựu Phó giám đốc BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh): 5 năm tù;

Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh): 36 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo;

Ngô Duy Chính (cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành): 7 năm tù;

Nguyễn Xuân Giáp (cựu Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành): 6 năm tù;

Phạm Hồng Quang (cựu Trưởng phòng Quan hệ khách hàng 1, BIDV - Chi nhánh Hà Thành): 4 năm tù;

Đặng Thành Nam (cựu cán bộ quản lý khách hàng BIDV - Chi nhánh Hà Thành): 3 năm, 6 tháng tù.

HĐXX phiên tòa vụ Trần Bắc Hà

HĐXX phiên tòa vụ Trần Bắc Hà

Đối với nhóm bị cáo bị cáo bị truy tố tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, HĐXX tuyên phạt:

Đinh Văn Dũng (cựu TGĐ công ty Bình Hà): 12 năm tù;

Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu Giám đốc công ty Hà Nam): 3 năm tù;

Trần Anh Quang (cựu TGĐ công ty Bình Hà): 13 năm tù;

Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng): 18 năm tù.

Về dân sự, HĐXX buộc Công ty Bình Hà phải trả hơn 1.231 tỷ đồng cho BIDV cùng tiền lãi phát sinh theo các hợp đồng tín dụng. Phía ngân hàng có quyền xử lý các tài sản đảm bảo theo các hợp đồng thế chấp để thu hồi các khoản nợ gốc và tiền lãi phát sinh.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Bị cáo Đinh Văn Dũng và Trần Anh Quang bị buộc phải bồi thường cho BIDV hơn 21 tỷ đồng.

HĐXX buộc Công ty Trung Dũng phải hoàn trả hơn 601 tỷ đồng cho BIDV cùng các khoản lãi phát sinh.

Buộc vợ chồng bị cáo Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn phải bồi thường hơn 263 tỷ đồng cho BIDV.

Cán bộ ngân hàng chịu sức ép từ ông Trần Bắc Hà

HĐXX cho rằng, hành vi của các bị cáo Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng, Kiều Đình Hòa, Lê Thị Vân Anh, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang và Đặng Thành Nam là nguy hiểm cho xã hội.

Các bị cáo đã có hành vi cố ý làm trái, cấp tín dụng cho không đúng đối tượng, gây thệt hại cho Ngân hàng BIDV số tiền đặc biệt lớn. Các bị cáo này đã phạm vào tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Phiên tòa xét xử vụ Trần Bắc Hà

Phiên tòa xét xử vụ Trần Bắc Hà

Đối với nhóm bị cáo phạm tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản, HĐXX cho rằng, các bị cáo này đã lợi dụng sơ hở của Ngân hàng BIDV để chiếm đoạt tiền, dùng tiền vào mục đích cá nhân khi không được sự đồng ý của phía ngân hàng, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn của bên cho vay.

Theo HĐXX, bị cáo Trần Lục Lang là bộ phận tham mưu, giúp việc, nhưng đã không dám làm trái chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, đã có hành vi sai phạm.

Bị cáo Đoàn Ánh Sáng là thành viên Phân ban quản lý rủi ro, biết rõ năng lực của chủ đầu tư không đủ điều kiện vay vốn nhưng vẫn đồng ý đề xuất cho vay. Bị cáo biết Công ty Bình Hà không đủ điều kiện được cấp tín dụng, nhưng do bị ông Trần Bắc Hà chỉ đạo nên vẫn thực hiện hành vi phạm tội.

Bị cáo Hòa nhận thức việc đề xuất cho Công ty Bình Hà vay khi không đủ điều kiện là trái quy định, nhưng vì công ty này là khách của Chủ tịch Trần Bắc Hà nên bị cáo không dám từ chối.

HĐXX đưa ra nhận định cho rằng, vụ án xảy ra, trách nhiệm chính thuộc về ông Trần Bắc Hà. Ông Hà đã lợi dụng vị trí Chủ tịch HĐQT để chỉ đạo cấp dưới đề xuất cho Công ty Bình Hà vay, dù công ty này không đủ điều kiện.

Ông Trần Bắc Hà đã dùng quyền lực của mình để áp đặt, gây sức ép, chỉ đạo phải cho Công ty Bình Hà vay tiền, giải ngân. Các bị cáo là cán bộ ngân hàng do chịu áp lực từ cấp trên, vì không dám làm trái ý ông Hà nên đã có những vi phạm.

HĐXX cho rằng, các bị cáo là cán bộ ngân hàng phạm tội với vai trò đồng phạm thứ yếu, không tiếp xúc với khách hàng, không biết Công ty Bình Hà là công ty sân sau của ông Hà.

Việc các bị cáo thẩm định đề xuất cho vay đều với mong muốn dự án có thành quả, các bị cáo không được hưởng lợi. Các bị cáo nhận rõ trách nhiệm của mình, đã tích cực phối hợp với CQĐT tìm nguồn tiền để khắc phục hậu quả vụ án.

Vì vậy, có thể xem xét các điều trên là tình tiết giảm nhẹ tội cho các bị cáo. Ngoài ra, HĐXX cũng nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ khác cho các bị cáo như: có nhiều thành tích, hoàn cảnh khó khăn...

Đối với nhóm bị cáo phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ở Công ty Bình Hà, theo HĐXX, họ đã thành khẩn khai báo, chiếm đoạt tiền của ngân hàng, nhưng tiền đó đều góp vốn vào Công ty Bình Hà.

Các bị cáo đều phạm tội theo chỉ đạo của con ông Trần Bắc Hà là Ngô Duy Tùng, vì vậy có thể xem xét tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Đối với vợ chồng bị cáo Hồng Dũng và Thanh Sơn, theo HĐXX, hai bị cáo phạm tội khi điều kiện kinh doanh gặp khó khăn. Bị cáo Sơn giữ vai trò thứ yếu.

Hai bị cáo là vợ chồng nên HĐXX áp dụng cho bị cáo Sơn được nhận mức án dưới khung hình phạt cũng đã đủ giáo dục, răn đe.

T.Nhung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/xet-xu-vu-tran-bac-ha-cuu-pho-tgd-bidv-nhan-8-nam-tu-685630.html