Xét xử vụ tranh chấp liên quan trường Pascal: Hơn 1000 học sinh sắp được quay lại trường
Bà Lê Thị Bích Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Pascal cho biết, bà rất mừng vì hơn 1000 học sinh đã có chỗ học rộng rãi, khang trang sau phiên tòa xét xử tranh chấp liên quan đến trường này.
Ngày 30/11, TAND TP Hà Nội đã tiếp tục đưa ra xét hỏi vụ “Tranh chấp hợp đồng hợp tác đầu tư” giữa nguyên đơn là Cty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS Việt Nam (Cty TDS) và bị đơn là Trường THCS - THPT Newton, người đại diện theo pháp luật là bà Lê Thị Bích Dung. Vụ việc này đã xảy ra nhiều năm, chưa từng có trong lịch sử giáo dục Thủ đô.
Đơn vị có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm là bà Trần Kim Phương, đại diện Cty TDS. Sau các buổi xét xử ngày 19/8 và 28/8, 4/9 và 30/11, sau khi nghe phần trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, Luật sư, đại diện VKSND TP Hà Nội, HĐXX đã quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm số 27 được TAND quận Bắc Từ Liêm tuyên ngày 26/11/2019.
Cụ thể, đình chỉ xét xử phúc thẩm với yêu cầu kháng cáo của Trường THCS - THPT Newton và Trường Tiểu học - THCS Pascal. HĐXX đình chỉ xét xử một phần yêu cầu khởi kiện của Cty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục TDS Việt Nam (bà Trần Kim Phương là đại diện) về việc yêu cầu Trường THCS - THPT Newton trả 50% tiền thuê cơ sở vật chất của Tòa nhà TH1 năm học 2017 -2018 và trả 49% cổ phần của Trường Pascal năm học 2017 -2018.
Tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty TDS về việc yêu cầu Trường THCS – THPT Newton trả hóa đơn giá trị gia tăng và thanh toán tiền chênh lệch giữa phần chi mua thiết bị trường học theo bảng kê ngày 31-5-2018 với biên bản bàn giao nhận thực tế ngày 18-7-2018 của Cty TNHH Khai Phát tại ngân hàng.
Tòa chấp nhận yêu cầu phản tố của Trường THCS - THPT Newton, tuyên bố Hợp đồng số 07 ký ngày 10/7/2018, Hợp đồng ủy quyền huy động vốn ngày 22/11/2016 là vô hiệu.
Cty TNHH Khai Phát do bà Trần Kim Phương là đại diện được nhận lại và thụ hưởng số tiền 42,2 tỷ đồng đã chuyển vào Trường THCS - THPT Newton. Hợp đồng kinh tế ngày 3/11/2016 giữa Công ty TDS và Trường THCS - THPT Newton vô hiệu về phần chuyển nhượng 49% cổ phần của Trường Tiểu học - THCS Pascal.
Đồng thời tuyên hợp đồng giữa Công ty TDS và Trường THCS - THPT Newton ngày 23/1/2017 có hiệu lực pháp luật. Trường THCS- THPT Newton thanh toán cho Cty TDS số tiền hơn 14,2 tỷ đồng và được nhận lại toàn bộ các trang thiết bị trường học đã đầu tư tại ½ tòa nhà ở lô TH1 do trường Pascal đang quản lý.
Để đảm bảo trật tự và ổn định trong hoạt động của Trường THCS - THPT Newton tại lô TH1, Tòa phân định cho bà Dung (Trường Newton) được quản lý sử dụng khai thác diện tích đất 2.896,3m2 tại lô TH1 và được sở hữu 1/2 tòa nhà 6 tầng xây dựng trên toàn bộ diện tích được phân định và các trang thiết bị đã đầu tư tại diện tích này do trường Pascal đang quản lý.
Tòa nghiêm cấm tất cả mọi hành vi đe dọa cản trở và làm ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục của Trường Tiểu học - THCS Pascal tại lô đất TH1.
Trường THCS - THPT Newton có quyền, nghĩa vụ đến các cơ quan có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục khôi phục lại tư cách cổ đông trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với 10,5% cổ phần trong công ty TDS theo quy định của pháp luật.
Tòa chấp nhận một phần yêu cầu của Trường Tiểu học - THCS Pascal tuyên bố Hợp đồng thuê cơ sở vật chất số 05 ký ngày 10/7/2018 ký giữa Cty TNHH Khai Phát và bà Nguyễn Thị Minh Tín là vô hiệu.
Theo diễn biến các phiên tòa, Công ty TDS đề nghị Tòa án xét xử nội dung thanh toán tiền chênh lệch giữa phần chi mua thiết bị trường học theo văn bản thỏa thuận giữa Công ty TDS và bà Lê Thị Bích Dung (đại diện trường THCS-THPT Newton).
Đồng thời, công ty này yêu cầu bà Dung trả hóa đơn VAT đối với khoản tiền Công ty TDS đã thanh toán cho trường Newton (44,2 tỷ đồng), theo biên bản cuộc họp giữa các bên ngày 31/5/2018.
Tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, đại diện của bị đơn – bà Lê Thị Bích Dung trình bày: Trường Newton được thành lập năm 2008 theo QĐ của UBND thành phố Hà Nội, còn Công ty TDS thành lập năm 2010 trong đó có bà Dung, bà Tín là chính (không có bà Trần Kim Phương).
Bà Lê Thị Bích Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Pascal cho biết, bản thân bà rất mừng vì học sinh đã có chỗ học rộng rãi, khang trang.
“Sau bao năm nay, chỉ vì tranh chấp diễn ra không đáng có mà để quyền lợi của hơn 1000 học sinh trường Pascal bị ảnh hưởng. Tôi rất mừng vì học sinh đã có chỗ học rộng rãi, khang trang. Bản thân tôi cũng đã hoàn thành được lời hứa với phụ huynh học sinh trường Pascal", bà Dung nói.
Liên quan đến vụ tranh chấp này, trước đó, tập thể phụ huynh Trường Liên cấp Pascal và Trường Newton đã có đơn kiến nghị về việc mong muốn giải quyết cho hơn 1000 học sinh có chỗ học tập, không để vụ việc kéo dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các cháu nhỏ và của cộng đồng.
Vì lẽ đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, từ tháng 6/2019, Trường Pascal đã phải cho học sinh sang bên cạnh học nhờ. Việc này khiến cho các em học sinh hết sức thiệt thòi.