Xích lại gần nhau

Dư luận thế giới, đặc biệt là phương Tây đang dồn sự chú ý vào chuyến thăm Nga của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Chuyến thăm được xem là thông điệp 'xích lại gần nhau' giữa hai nước láng giềng trong bối cảnh Minsk đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn do làn sóng biểu tình gia tăng sau chiến thắng áp đảo của ông Lukashenko trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9-8 vừa qua.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Lukashenko sau cuộc bầu cử này. Ông Lukashenko có sự coi trọng đặc biệt đối với mối quan hệ Belarus-Nga, bởi ông hiểu rõ sự hỗ trợ về kinh tế và quân sự của Moscow có thể làm cán cân nghiêng về phía có lợi cho ông trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong 26 năm cầm quyền.

Đúng như dự đoán, cuộc hội đàm giữa Tổng thống Lukashenko và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại thành phố Sochi đã khép lại bằng những tuyên bố về việc duy trì và làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia láng giềng. Thông qua khoản vay ưu đãi 1,5 tỷ USD, những cam kết về hợp tác quân sự và cung cấp vaccine ngừa Covid-19..., Nga đã chứng minh thiện chí cùng mong muốn “sưởi ấm” mối quan hệ vốn lạnh đi không ít giữa hai đồng minh xung quanh tranh cãi về vấn đề năng lượng giá rẻ.

Từ lâu, Moscow đã là đối tác chính trị-kinh tế thân thiết nhất của Minsk. Điều này xuất phát từ thực tế Belarus có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc duy trì vị thế và bảo đảm an ninh cho Nga. Với vị trí địa lý đặc biệt, Belarus được xem là cửa ngõ kết nối Nga với châu Âu. Quốc gia láng giềng đóng vai trò quan trọng đối với Nga như một vùng đệm, vốn có thể che chắn cho khu vực trung tâm của Nga trước mối đe dọa tiềm tàng từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là khi tính đến việc liên minh này mở rộng về phía Đông và sự nổi lên của chính quyền ủng hộ phương Tây ở Ukraine. Do đó, việc bảo đảm Belarus là một đồng minh vẫn là một ưu tiên chiến lược đối với Moscow.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai láng giềng đã vấp phải không ít sóng gió sau khi Nga rút lại chính sách năng lượng giá rẻ đã duy trì nhiều năm nay dành cho Belarus. Điều này buộc Minsk phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng mà cách đơn giản nhất là sử dụng các luận điệu chống Nga để cải thiện quan hệ với các nước phương Tây. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng chính trị với quy mô và tầm ảnh hưởng rộng lớn đang diễn ra tại Minsk đã cho thấy Tổng thống Lukashenko không thể chỉ dựa hoàn toàn vào phương Tây. Thay vào đó, tìm kiếm và phát triển những mối quan hệ kinh tế mới với Mỹ và châu Âu, trong khi vẫn bảo đảm quan hệ chặt chẽ với Nga nhằm duy trì các chính sách ổn định chính trị, kinh tế và thương mại mới là sự lựa chọn sáng suốt. Chuyến thăm Nga của Tổng thống Lukashenko không nằm ngoài mục đích ấy.

Xét ở một khía cạnh nào đó, mối quan hệ nồng ấm trở lại giữa Nga và Belarus có thể khiến tiến trình hội nhập chính trị và kinh tế gần gũi hơn giữa Moscow và Minsk được tăng tốc. Những tuyên bố gần đây về khả năng hai bên phát hành đồng tiền chung hay việc thành lập một nghị viện duy nhất của hai nước chính là chỉ dấu cho mối quan hệ gắn kết bền chặt giữa hai đồng minh trong tương lai.

Thực tế, Nga và Belarus đều nhận thức rõ quan hệ gắn kết sẽ giúp cả hai bên trong quá trình theo đuổi những mục tiêu và lợi ích riêng. Đối với Moscow, mô hình nhà nước liên minh với Belarus đồng nghĩa với việc Minsk sẽ là khu đệm giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) và NATO, giúp Nga có thể tiếp cận trực tiếp EU và NATO mà không phải trung chuyển hay quá cảnh qua nước khác. Ngoài ra, Nga còn có thể dùng mô hình nhà nước liên minh với Belarus để cạnh tranh với EU và NATO giành ảnh hưởng ở những nước khác trong khu vực láng giềng xung quanh Nga.

Trong khi đó, lợi ích chiến lược đối với Belarus là tranh thủ Nga để tận lợi từ những ưu đãi về kinh tế và thương mại của Nga, dùng Moscow làm đối trọng trong quan hệ với EU và NATO, tạo giá và dựng thế để có thể mặc cả trong chừng mực nhất định với EU và NATO. Bởi vậy, chẳng lạ gì khi Nga và Belarus đều mong muốn xích lại gần nhau. Những kết quả đạt được trong chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Belarus đã chứng minh mong muốn ấy của hai bên.

HÙNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/xich-lai-gan-nhau-635277